Giảng đường ế ẩm: Tại cơ chế thị trường?

Nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập mấy năm liền “ế ẩm”, có nguy cơ đóng cửa do không có người học, phải có những biện pháp “khuyến mãi” phản giáo dục. Tuy nhiên, cũng có những trường ngoài công lập vẫn tuyển được nhiều sinh viên, thậm chí có trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh 95-96%. Phải chăng đó là sự sàng lọc của cơ chế thị trường?

Bất cập của chính sách hay sự sàng lọc của thị trường?

Trong khi giới chuyên môn còn đang thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều về “thị trường giáo dục” thì đào tạo đại học ở Việt Nam đã và đang tồn tại như một thị trường cạnh tranh quyết liệt, tuy chưa hẳn là một thị trường cạnh tranh tự do và bình đẳng.

Nhiều người cho rằng tình trạng tuyển sinh khó khăn là hậu quả của việc mở trường tràn lan. 412 trường ĐH, CĐ cho 90 triệu dân Việt Nam là nhiều hay là ít? So với Trung Quốc có hơn 4.000 trường ĐH, CĐ trên 1,3 tỉ dân, so với Singapore có khoảng 68 trường ĐH, CĐ trên 3 triệu dân (bao gồm cả các trường nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Singapore, các trường liên kết quốc tế, các viện nghiên cứu đào tạo cấp bằng cử nhân và sau ĐH); so với Hoa Kỳ có 4.495 trường ĐH, CĐ trên 314 triệu dân... thì số trường ĐH, CĐ mà Việt Nam đang có không phải là nhiều.

Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng vì để nói là nhiều hay ít thì không thể chỉ dựa trên con số tuyệt đối mà còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác như trình độ phát triển kinh tế xã hội, GDP đầu người, mức độ quốc tế hóa của hệ thống giáo dục đại học...Tuy vậy, những con số trên cho chúng ta một gợi ý là vấn đề không nằm ở số lượng, mà chủ yếu là chất lượng.

Đối với người học và gia đình, hiển nhiên chi phí học ĐH là một sự đầu tư cho tương lai. Đã là đầu tư, lại đầu tư bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình, dĩ nhiên ai cũng phải tính đến hiệu quả. Chi phí trung bình của một sinh viên tại ĐH công lập là 560.000 đồng/tháng và ngoài công lập là 2.395.980 đồng/tháng, chiếm 97% hoặc 122% (tùy theo trường công lập/ngoài công lập) thu nhập bình quân đầu người trong gia đình của nhóm thu nhập thấp, và chiếm 38,5% hoặc 58,6% của nhóm thu nhập trung bình (Dựa trên kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Anh và đồng sự “Cơ chế phân bổ ngân sách cho GDĐH công lập, hiện trạng và khuyến nghị” (2012).

Vậy thì người học phải đắn đo cân nhắc học trường nào là điều dễ hiểu, nhất là với câu hỏi, khả năng tìm được việc làm và triển vọng thu nhập sau khi ra trường sẽ như thế nào?

Đại học tư ở Mỹ đầu tư cho đào tạo ít

Theo một công bố của Chính phủ Mỹ năm ngoái, số tiền mà các trường tư vì lợi nhuận dành cho hoạt động đào tạo chỉ bằng một phần ba so với trường công, cho dù họ thu học phí gấp đôi.

Con số thống kê gây ấn tượng nhất trong bản báo cáo nói trên là tính trung bình, các trường vì lợi nhuận đã chi thù lao giảng dạy là 2.659 đô la Mỹ mỗi sinh viên trong năm học 2008-2009, so với 9.418 đô la mỗi sinh viên ở các trường công và 15.289 đô la ở các trường tư phi lợi nhuận. Trong khi đó, chi phí trung bình của sinh viên bậc đại học ở các trường vì lợi nhuận là 31.000 đô la Mỹ đã tính đến những phần trợ cấp được nhận. Chi phí trung bình của sinh viên ở các trường tư phi lợi nhuận là 26.600 đô la trong khi ở trường công, sinh viên trả trung bình là 15.600 đô la.

Sinh viên theo học bậc đại học ở các trường vì lợi nhuận đạt tỷ lệ tốt nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với sinh viên theo học ở trường công hay trường tư phi lợi nhuận, đó là kết luận của bản báo cáo của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia Mỹ. Tỷ lệ này ở trường vì lợi nhuận là một phần năm trong vòng sáu năm qua, so với tỷ lệ tốt nghiệp ở trường công là trên một nửa.

Người ta mong đợi Bộ Giáo dục đưa ra những quy định mới nhằm có thể hạn chế nguồn tiền Chính phủ Mỹ cho sinh viên vay chảy vào các trường vì lợi nhuận hoặc một số ngành đào tạo ở những trường phi lợi nhuận vì tình trạng quá nhiều sinh viên tốt nghiệp mà không trả nổi nợ vay học tập đã trở nên trầm trọng.

Các trường ngoài công lập đang trách móc các trường công lập đã vét sạch nguồn thí sinh của họ, tận thu luôn cả hệ cao đẳng với chính sách tuyển sinh thuận lợi, gây thêm khó khăn cho các trường ngoài công lập. Đó là một trong những nguyên nhân trực tiếp nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản. Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng ta sẽ thấy ngay chính các trường công cũng đang có khó khăn trong việc tuyển sinh và nhiều ngành học đang có nguy cơ đóng cửa. Những biến động trong tuyển sinh đại học những năm gần đây chính là sự phản ứng của người học và phụ huynh (người tiêu dùng) về giá trị gia tăng mà bốn năm học đại học mang lại cho họ.

Thị trường cần gì?

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện, với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên thuộc năm khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006-2010) của ba đại học: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số báo động. Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo.

Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công. 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là... tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác. Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết, họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%.

Các khảo sát trên đây đa số được thực hiện tại các đại học quốc gia, đại học vùng - những đại học “đầu tàu” của Việt Nam. Thực trạng này ở các trường đại học khác có lẽ cũng không khả quan hơn.

Những con số trên đây đã cho thấy ít nhất hai vấn đề nghiêm trọng. Một là chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau bốn năm học ở bậc đại học, đã thấp đến nỗi hơn một phần tư sinh viên sau khi ra trường từ một đến năm năm vẫn chưa tìm được việc làm.

Hai là giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn. Trong lúc các doanh nghiệp không ngớt than phiền thiếu người làm được việc và khẳng định nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là chỗ “thắt cổ chai” cản trở những kế hoạch phát triển của họ, thì các cô cậu cử nhân mà các trường đại học tạo ra vẫn không lấp được chỗ trống ấy vì họ đã không được học những gì thực sự cần thiết đối với thị trường lao động.

Vậy thì tình trạng khó khăn trong tuyển sinh đã gửi đi một tín hiệu báo động cho tất cả các trường đại học, và xét về mặt này, hiện tượng đó có ý nghĩa tích cực. Nó khiến cho tất cả các trường công lập và ngoài công lập đều phải nhìn lại sứ mạng, chương trình đào tạo, kết quả đào tạo của mình theo hướng coi người học là trung tâm và gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt khi chúng ta đang hoạt động trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Những gia đình có điều kiện, phần lớn đã gửi con em đi học ở nước ngoài. Những gia đình có mức thu nhập thấp hơn đang là khách hàng của những cơ sở đào tạo đại học vì lợi nhuận của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc những chương trình liên kết quốc tế. Với nhóm có thu nhập thấp hơn nữa thì nhiều gia đình ngay cả học phí trong nước (đang được các trường cho là quá thấp) cũng không kham nổi.

Cạnh tranh lành mạnh là điều tốt cho cả hệ thống, vì nó sẽ kích thích chất lượng và sự đổi mới. Thị trường sẽ tạo ra động lực cho các trường. Như chúng ta đã thấy, những tấm bằng tốt nghiệp đại học không kèm theo giá trị và phẩm chất tương ứng đã và sẽ tiếp tục bị từ chối trên thị trường lao động. Lối thoát tốt nhất, nếu không nói là duy nhất, của các trường, là phải biện minh được sự tồn tại của mình bằng những lợi ích rất thực tế cho người học: khả năng tìm được việc làm, tạo ra thu nhập, thăng tiến trong sự nghiệp. Tương lai của từng trường, danh tiếng, uy tín, sự thịnh vượng và phát triển của mỗi trường sẽ được quyết định bởi thành công của những người được đào tạo từ ngôi trường ấy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN