Gian nan đưa văn hóa dân gian vào trường học
Đưa văn hóa dân gian vào trường học không chỉ là một phương án hay giúp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là phương pháp làm giàu có thêm tâm hồn và cảm xúc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để phương án này triển khai đại trà và bài bản lại là chuyện không hề đơn giản: Chưa phải là một môn học độc lập cho tới việc không có giáo viên chuyên ngành khiến môn học dễ trở nên nhàm chán, hình thức và xa lạ với học sinh.
Những "rào cản" từ thực tế
Kiến thức chương trình phổ thông trong các trường học vẫn bị kêu là quá nặng. Học sinh không còn thời gian cho các hoạt động vui chơi, ngoại khoá; trong khi đó, các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt mang tính cộng đồng lại liên quan nhiều đến vấn đề kinh phí. Và ngay các môn "thực dụng" như Thể dục, Âm nhạc... cũng còn thiếu thốn đủ bề, "học cho có" thì khó có thể đòi hỏi những thứ "trừu tượng" hơn. Ngoài ra còn có thể kể vô số “rào cản” khác.
Dù được coi là thành công trong việc đưa văn hóa dân gian vào nhà trường nhưng cô Nguyễn Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) chia sẻ: “Để tạo nên thành công của “phiên chợ” có sự đóng góp không nhỏ của Hội cha mẹ học sinh các khối, xã hội hóa từ các Mạnh Thường Quân hoặc những đơn vị có quan hệ với nhà trường tài trợ. Tuy nhiên, để các giải pháp đó được thực hiện thì phải mất rất nhiều thời gian và tâm huyết của những nhà quản lý giáo dục”.
Để làm sống lại văn hóa dân gian trong lòng thế hệ trẻ, việc đưa văn hóa dân gian vào trường học là cần thiết để các em thêm hiểu biết, yêu văn hóa dân gian từ đó có ý thức gìn giữ. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên sâu về môn học này hiện nay chưa có, Bộ GD-ĐT chưa xây dựng thành môn học độc lập nên nhà trường chỉ lồng ghép vào các môn học khác. “Nếu không có những cách thức giảng dạy sinh động thì e là khó mà lôi cuốn được các em tham gia”, cô Lan chia sẻ.
Những giáo viên tham gia hoạt động này đơn thuần chỉ là kiêm nhiệm với nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho học sinh, họ không được hưởng thêm gì ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết. Nếu biên chế cho giáo viên được đào tạo chuyên sâu về dạy hát Xoan hay hát dân ca, hay một loại hình nghệ thuật nào trong trường vẫn là vấn đề nan giải. Bởi theo quy định biên chế giáo viên thì với cấp THCS, nhà nước chỉ cho thêm 0,35 giáo viên khác và 0,25 là dành cho khối tiểu học. Do đó, để biên chế giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc cũng là rất khó và hiện mới chỉ có 50% số trường bố trí được.
Biểu diễn văn nghệ dân gian. Ảnh: Phú An
Theo cô Nguyễn Thị Bích Hà, việc lồng ghép các loại hình nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy cũng không hề đơn giản bởi việc thực hiện giờ dạy chính khoá vẫn phải tuân theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Với bộ môn Văn khi dạy văn học dân gian các giáo viên lồng vào chương trình bằng những di tích gắn với truyền thuyết, diễn xướng bằng những lễ hội, tổ chức cho học sinh tham quan đồng thời cho học sinh làm bài văn thuyết minh về di tích lịch sử. Và điều này càng khó hơn khi nó phụ thuộc rất nhiều vào "phông" văn hóa và tâm huyết của mỗi cá nhân.
Khi cô giáo cũng bỡ ngỡ, xa lạ
Thực tế, một số trường còn lúng túng trong việc đưa văn hóa dân gian vào nhà trường như đưa trò chơi nào, chơi ở đâu, làm sao cho an toàn với học sinh... Ngay như phiên chợ quê, để chợ quê "họp được" Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) cũng phải chạy "bở hơi tai" cả tháng trời mới làm được. Cố gắng lắm, một năm trường cũng chỉ tổ chức được một đôi lần. Không chỉ học sinh mà bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân gian, nhiều giáo viên không kể được một vài tên trò chơi dân gian khi được hỏi, chưa nói đến cách thức hướng dẫn học sinh.
Vấn đề đặt ra là các trường học cần phải nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho học sinh. Nhiệm vụ của các nhà giáo dục, của các thầy cô không chỉ sưu tầm, mà quan trọng hơn là phải biết cách tổ chức sao cho các em thật sự hứng thú và tích cực hưởng ứng và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, để các giải pháp đó được thực hiện thì phải mất rất nhiều thời gian và tâm huyết của những nhà quản lý giáo dục, cho đến giáo viên.
“Phương án đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học sẽ khả thi khi các trường sư phạm, nghệ thuật khi tuyển chọn đào tạo giáo viên âm nhạc thì phải có một bộ môn nghệ thuật truyền thống độc lập được đưa vào giảng dạy. Bên cạnh đó, nên cho phép huy động xã hội hoá để có nguồn kinh phí để đầu tư cho các hoạt động giảng dạy và biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống”, cô Nguyễn Bích Hà chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Thị Phương Lan: Để hoạt động này nhân rộng trong các trường học, trước hết cán bộ quản lý phải nhận thấy sự cần thiết và lợi ích từ hoạt động đó mang lại. Trên cơ sở đó bản thân GV phải là người vào cuộc tích cực, phụ huynh nhận thức và đồng thuận thì mang lại hiệu quả rất tốt. Hơn nữa, nên đưa những nội dung mang tính định hướng vào nhiệm vụ năm học để họ chọn lựa những nội dung cụ thể mà không chỉ chung chung. Nên tuyên truyền quảng bá rộng rãi hoạt động đó trong các nhà trường, phải nhân rộng điển hình đó.