Giảm số môn học một cách hợp lý

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trên tinh thần bảo đảm sự phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 đến lớp 11, 12, học sinh chỉ học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 20-10 cho biết vừa báo cáo tổng hợp và tiếp thu giải trình 17 kiến nghị cơ bản của các tổ chức, cá nhân về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Góp ý cho chương trình mới, nhiều chuyên gia cho rằng tổng số môn học bắt buộc và tự chọn mà học sinh phải học ở cấp THPT còn nhiều so với thế giới.

Tiếp tục nghiên cứu cấu trúc môn học

Các chuyên gia cũng đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại cách tiếp cận khi xây dựng hệ thống môn học trong dự thảo chương trình tổng thể. Trước ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng trong dự thảo chương trình tổng thể, hệ thống các môn học được chia thành các môn bắt buộc và các môn tự chọn (tự chọn 1, tự chọn 2, tự chọn 3).

Giảm số môn học một cách hợp lý - 1

Học sinh thi vào lớp 10 tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Việc thiết kế hệ thống môn học trước hết căn cứ theo yêu cầu của Nghị quyết 88, đó là “giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, hệ thống môn học được thiết kế theo hướng thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, hệ thống môn học được thiết kế phù hợp với phương thức phân hóa sớm (từ lớp 10), không quá sâu và phân hóa dần. Theo cách tiếp cận này, học sinh chỉ học một số môn học bắt buộc (4 môn), đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập.

Do đó, Bộ GD-ĐT khẳng định tổng số môn học bắt buộc và tự chọn mà học sinh phải học trong chương trình mới không hề nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo quy định cấu trúc môn học tự chọn 3 nên có một số mô đun bắt buộc và các mô đun còn lại là tự chọn.

Học 6-7 môn

Dự thảo chương trình tổng thể coi trọng việc dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa nhưng phân hóa cuối cùng của THPT lại là khoa học xã hội (KHXH) và khoa học tự nhiên (KHTN).

Nhiều chuyên gia cho rằng việc phân hóa thành 2 khối KHTN và KHXH là không đủ, không hợp lý. Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết trên tinh thần bảo đảm sự phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 đến lớp 11, 12, học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp.

Nhưng tiếp thu ý kiến đóng góp, để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp và học toàn diện, trong cấp học, chương trình tổng thể sẽ quy định rõ hơn theo định hướng: học sinh THPT học tối thiểu 7 hoặc 6 môn và các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Trong đó có 4 môn bắt buộc là ngữ văn 1, toán 1, công dân với Tổ quốc, ngoại ngữ 1 và các môn tự chọn (các môn tự chọn gồm có lựa tự chọn tùy ý (tự chọn 1); các môn tự chọn theo nhóm môn và các môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập).

Không có môn lịch sử riêng

Liên quan đến kiến nghị có các môn lịch sử, giáo dục quốc phòng - an ninh trong chương trình mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng theo dự thảo chương trình tổng thể, ở THPT, môn công dân với Tổ quốc là 1 trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn đạo đức - công dân; lịch sử và quốc phòng an ninh.

Đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, các kiến thức phổ thông nền tảng được hoàn thành ở cấp tiểu học và THCS.

Ở cấp THPT là định hướng nghề nghiệp, có ít môn bắt buộc, dành thời gian cho các môn học và chuyên đề học tập tự chọn. Như thế giáo dục lịch sử, quốc phòng - an ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp THPT.

Ngoài ra, ở cấp THPT, học sinh còn được tự chọn học lịch sử ở môn KHXH (là môn học dành cho những học sinh có thiên hướng về các ngành thuộc lĩnh vực KHTN và công nghệ) hoặc môn lịch sử và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về lịch sử (là môn học chuyên đề về học tập dành cho học sinh có thiên hướng về KHXH và nghệ thuật).

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác nên sẽ không có môn lịch sử riêng.

Bổ sung giáo dục phẩm chất

Góp ý cho dự thảo, nhiều chuyên gia cũng đề nghị bổ sung các phẩm chất: chăm sóc, bảo vệ môi trường; lao động; sống trung thực, tự tin, tự trọng; sống có niềm tin và mơ ước; sống hòa bình; sống bản lĩnh. Đồng thời kiến nghị tách riêng sống trung thực với sống tự chủ và đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát để hoàn thiện nội dung diễn đạt các biểu hiện về phẩm chất của học sinh nêu trong dự thảo chương trình tổng thể.

Về kiến nghị này, Bộ GD-ĐT cho biết dự thảo đề xuất 3 phẩm chất thuộc 3 khía cạnh khác nhau, sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm. Tuy nhiên, tiếp thu các góp ý, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN