Giải pháp nào cho hệ tại chức?

Số ý kiến bạn đọc gửi về Tòa soạn bàn luận, nhìn nhận rất nhiều góc độ khác nhau liên quan đến hệ đào tạo tại chức. Có nhiều ý kiến phê phán, đòi hỏi và cũng có không ít lời đề nghị nên đóng cửa hệ đào tạo này.

Chính quy và không chính quy

Giải bài toán “nồi cơm”

Bài toán “nồi cơm” của các trường ĐH khác được giải quyết thế nào? Khi có công nghệ GDM&TX chuẩn hóa, các trường ĐH bình thường khác nếu muốn đào tạo KCQ phải sử dụng công nghệ đó. Còn các ĐH tự hào là các ĐH trọng điểm không nên đào tạo KCQ mà nên giải bài toán tăng thu nhập bằng những cách khác.

Hệ đào tạo trước đây gọi là tại chức nay Bộ GD-ĐT gọi là hệ vừa làm vừa học. Bên cạnh đó, còn hệ đào tạo từ xa, hệ tự học có hướng dẫn... Tất cả các hệ đào tạo đó được gộp dưới một tên gọi chung là hệ đào tạo không chính quy (KCQ), để phân biệt với hệ đào tạo chính quy thông thường. Hiện nay trong hơn 2 triệu sinh viên ĐH nước ta có gần một nửa thuộc hệ KCQ.

Bước vào thế kỷ 21, giáo dục ĐH có xu hướng đại chúng hóa mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu tăng hàm lượng tri thức trong mọi sản phẩm và dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu của một xã hội học tập với đòi hỏi học suốt đời. Với xu thế đó, giáo dục ĐH chính quy sẽ dần co lại, còn giáo dục ĐH KCQ sẽ ngày càng mở rộng. Cho nên trước vấn đề chất lượng thấp của hệ KCQ, không nên và không thể tìm cách xóa bỏ hoặc thu hẹp hệ KCQ mà phải phát triển với một chất lượng chấp nhận được.

Giải pháp nào cho hệ tại chức? - 1

Với tính chất, mục đích khác biệt, không thể áp dụng phương thức đào tạo như chính quy đối với hệ tại chức. Trong ảnh: một lớp học của sinh viên năm 2 khoa Xây dựng hệ tại chức ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)

Có thể thấy rằng hệ chính quy được tuyển sinh chặt chẽ, phần lớn là học và thi tại trường, ban ngày, đào tạo chủ yếu theo cách mặt-giáp-mặt (người dạy và người học gặp nhau nhiều), thời gian học tập một năm thường 8, 9 tháng... Ngược lại, hệ KCQ tuyển sinh không chặt chẽ (hoặc chỉ ghi danh học), phần lớn học và thi ở các địa điểm liên kết xa trường, học ban đêm, đào tạo chủ yếu theo phương thức giáo dục mở và từ xa (GDM&TX) vì tần suất mặt-giáp-mặt rất thấp. Thời gian học trong một năm thường chỉ tối đa vài tháng ở các địa điểm liên kết...

Mỗi hình thức một công nghệ đào tạo


Với đặc trưng đó, muốn đảm bảo chất lượng của GDM&TX phải có công nghệ tương ứng cho GDM&TX chứ không thể sử dụng công nghệ giáo dục mặt-giáp-mặt thông thường cộng với những quy định rất dễ dãi như chúng ta đang làm. Công nghệ GDM&TX cũng không có gì là bí hiểm, chỉ bao gồm một hệ thống tài liệu học tập tốt thích hợp và hệ thống công cụ đánh giá chặt chẽ cho mọi chương trình đào tạo ĐH, ngoài ra còn có cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin và truyền thông. Yếu tố quan trọng nhất của công nghệ GDM&TX là đánh giá chặt chẽ kết quả học tập: nếu đào tạo mặt-giáp-mặt, sản phẩm đào tạo được đánh giá qua cả một quá trình thì GDM&TX không có điều kiện để đánh giá trong cả quá trình nên buộc phải đánh giá chặt chẽ đầu ra của từng môn học trong chương trình đào tạo.

Một trường ĐH bình thường riêng lẻ không thể đủ nguồn lực để xây dựng được hệ thống công nghệ GDM&TX, mà Nhà nước phải có đầu tư ban đầu thích đáng. Ở các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, nhà nước đã đầu tư tập trung cho một vài trường ĐH mở các nguồn lực lớn để xây dựng các hệ thống công nghệ nói trên và sử dụng công nghệ của các ĐH mở đó để làm nòng cốt đảm bảo một chất lượng chấp nhận được cho GDM&TX. Do đó họ rất thành công trong quản lý chất lượng hệ thống KCQ. Còn ở nước ta, hai ĐH mở đã được thành lập từ năm 1993 để phát triển GDM&TX nhưng đến nay đã trở thành “ĐH khép”. Trong lúc đó, một số trường ĐH khác, kể cả một số trường được xem là trọng điểm thì cố tăng số lượng đào tạo KCQ để giải quyết bài toán “nồi cơm”, mặc nhiên biến thành ĐH mở!

Đáng tiếc là một đề án phát triển GDM&TX 2005-2010 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2005 đến nay chưa được thực hiện! Điều này phản ánh một khiếm khuyết lớn của chiến lược phát triển giáo dục ĐH nước ta. Chỉ cần Nhà nước dành một vài phần trăm kinh phí cho các trường ĐH “đẳng cấp thế giới” để cấp cho hai ĐH mở thì cũng có thể giúp các ĐH này xây dựng hệ thống công nghệ GDM&TX chuẩn hóa. Từ đó mỗi ĐH mở có thể đào tạo hàng trăm ngàn sinh viên và công nghệ GDM&TX chuẩn hóa của họ có thể giúp các trường ĐH khác nâng cao chất lượng đào tạo cho gần một nửa tổng số sinh viên  ĐH nước ta theo học hệ KCQ.

Khi có hai ĐH mở mạnh, Nhà nước có thể giao cho hai ĐH mở nhiều trách nhiệm lớn hơn: đánh giá để cấp bằng cho những người tự học hoặc cho sinh viên học ở các trường ĐH chưa được quyền cấp bằng. Khi ấy hai ĐH mở sẽ trở thành mắt xích - liên thông giữa hệ thống giáo dục ĐH chính quy với hệ thống KCQ, nói rộng ra là giữa hệ thống giáo dục ĐH chính quy với xã hội học tập, khuyến khích hoạt động học suốt đời, một nhân tố quan trọng của giáo dục trong thế kỷ 21.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuổi Trẻ (ghi)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN