Giải bài toán thu hút sinh viên ngành sư phạm
Xác định chất lượng nguồn nhân lực sư phạm là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, Đề án phát triển các trường sư phạm của Bộ GD-ĐT đến năm 2020 đặc biệt quan tâm việc đầu tư đổi mới tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế - Đại học Huế, xung quanh vấn đề đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay.
Trường ĐHSP Huế là 1 trong 20 trường đại học đầu tiên của Việt Nam triển khai công tác kiểm định chất lượng và đã được Bộ GD-ĐT đánh giá đạt chuẩn chất lượng. Theo ông, trong nhiều yếu tố làm nên chất lượng, yếu tố nào là quan trọng nhất, có tính quyết định chất lượng nguồn nhân lực sư phạm?
PGS.TS Nguyễn Thám |
Tôi cho rằng, nguồn lực đội ngũ cán bộ, giáo viên là quan trọng nhất. Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đổi mới từ gốc. Vậy cái gốc ở đâu, nếu không phải là từ khâu đào tạo người thầy? Không có sinh viên tốt vào trường thì lấy đâu ra chất lượng cao? Muốn có sinh viên tốt thì lại phải có giáo viên tốt. Một khi chất lượng giáo viên không cao sẽ ảnh hưởng tới nhà trường phổ thông và kéo theo cả hệ thống bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cái khó đặt ra hiện nay cho các trường sư phạm là sinh viên phần đông không thích lựa chọn nghề dạy học. Một khi họ không thích thì lấy đâu ra sinh viên giỏi vào trường, thưa ông?
Thực trạng sinh viên không mặn mà với ngành sư phạm có những lý do riêng, nhưng tôi cho rằng hoàn toàn không phải vì lương giáo viên thấp. So với nhiều ngành khác, lương giáo viên không thấp và có phần ổn định trong bối cảnh xã hội hiện tại. Mới đây, Thông tư liên Bộ ban hành quy định chế độ trả lương làm thêm, vượt giờ của giáo viên từ mầm non tới đại học được dư luận đánh giá cao. Quan trọng nhất đối với sinh viên hiện nay vẫn là ra trường có việc làm hay không. Đây là lý do vì sao sinh viên không chọn ngành sư phạm và còn hiếm sinh viên giỏi nộp đơn vào trường sư phạm. Đã tới lúc cần một chiến lược quy hoạch đào tạo, cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo giáo viên, để sinh viên vào học sư phạm khi ra trường là được nhận nhiệm sở như thời kỳ trước đây. Như thế mới thu hút được sinh viên giỏi vào các trường sư phạm.
Thưa PGS, có phải số lượng sinh viên sư phạm nhiều khóa ra trường không xin được việc làm đã dẫn tới những bất cập trong đào tạo như các trường sư phạm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực để tồn tại hay là phát sinh nhiều tiêu cực ngoài xã hội như phụ huynh chạy tiền cho con em để có được một chỗ dạy ổn định?
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế sinh hoạt câu lạc bộ
Đó là một thực trạng đáng buồn! Trên toàn quốc hiện nay có tới trên hàng trăm cơ sở đào tạo hệ sư phạm nhưng chỉ còn có Trường ĐH Sư phạm Huế và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên là đào tạo chuyên ngành sư phạm mà thôi. Hãy thử hình dung sinh viên khi mới vào trường tâm hồn tinh khôi như tờ giấy trắng, thế mà khi ra trường lại phải chứng kiến những bất công, tiêu cực như thế? Có nhiều sinh viên học ở một trường đại học nào đó, chỉ cần tới trường sư phạm học một khóa nghiệp vụ lấy chứng chỉ sư phạm và chạy chọt là có việc làm, trong khi những sinh viên được đào tạo bài bản thì chưa chắc. Chúng tôi dứt khoát không đào tạo theo kiểu “ăn xổi, ở thì”. Kiểu đào tạo như thế mà không chấn chỉnh thì sẽ gây ảnh hưởng xấu, không được xã hội trọng dụng…
Vậy theo ông, về mặt quản lý giáo dục hiện nay, cần có động thái gì để chấn chỉnh hiện trạng này?
“Phải coi đào tạo giáo viên cũng là đào tạo nghề như bao nghề khác; nhưng đây là nghề đào tạo ra “thầy của những người thầy” nên phải hết sức cơ bản, phải kế thừa được mô hình giáo dục truyền thống. Môi trường sư phạm phải là nơi để dìu, để dạy, để dỗ, để rèn luyện.” |
Ta đang cần một chiến lược quy hoạch tổng thể - đây là một bài toán có tính hệ thống từ vi mô tới vĩ mô mà một mình Bộ GD&ĐT thì không thể làm được! Bộ chỉ làm công việc điều tra số lượng, chất lượng giáo viên các bậc học, trên cơ sở đó quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo giáo viên trong cả nước theo hướng giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho một số trường có đầy đủ đội ngũ, cơ sở vật chất và truyền thống để nâng cao chất lượng; xác định chỉ tiêu cho từng trường. Nhưng khâu tuyển dụng lại liên quan tới Bộ Nội vụ. Tuyển dụng như thế nào cho công minh, chọn đúng sinh viên có kiến thức, nghiệp vụ; các đơn vị tuyển dụng phải có nhu cầu chọn người giỏi… Làm được tất cả những việc ấy tôi tin là tiêu cực, chạy chọt sẽ không còn đất để mà tồn tại.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị số 895 về việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015, trong đó có yêu cầu rõ trách nhiệm đối với từng đơn vị, cơ sở đào tạo cũng như đề ra những nhiệm vụ cụ thể, sát với thực tiễn và khả thi trong tương lai…
Xin cảm ơn ông!