Gia sư tình nguyện
Rời khỏi trường sau những giờ học, nhiều sinh viên tìm đến làng trẻ em Birla (Hà Nội) làm gia sư tình nguyện.
Hơn 18h tối, tan trường Nguyễn Thị Hiền và các thành viên nhóm sinh viên ĐH Thương mại tất tả đến Làng trẻ em Birla dạy học cho các em nhỏ. “Mới dạy được vài buổi, nhưng ai cũng muốn gắn bó lâu dài với các bạn nhỏ ở đây”, Hiền nói.
“Khi triển khai chương trình, chúng mình lựa chọn những người có năng lực, học tập tốt, đồng thời tất cả thành viên cam kết gắn bó với hoạt động một khoảng thời gian dài, ít nhất là một học kỳ. Mỗi tuần, các thành viên đến dạy cho các em ít nhất 1 buổi”, Hiền cho biết.
Theo Hiền, đến với các em, anh chị sinh viên không chỉ là người hướng dẫn các em học tập, mà còn là người chia sẻ, đồng cảm với những chuyện buồn vui thường nhật của cuộc sống. “Nhiều em thiệt thòi về tình cảm gia đình, nên có người nói chuyện, dạy dỗ, chỉ bảo, các em ấy vui lắm”, Hiền cho biết thêm.
Nhóm Hiền, Uyên đang dạy các em nhỏ học bài tại Làng trẻ Birla (Hà Nội). Ảnh: Trường Phong
Nguyễn Thị Hồng Uyên, thành viên của nhóm chia sẻ, lúc mới gia nhập bị Hiền “giội một gáo nước lạnh”. Hiền dặn Uyên phải chuẩn bị tinh thần, vì các em trong làng trẻ hiếu động, mải chơi, kiến thức bị hổng nhiều nên việc dạy rất khó. “Đã tham gia thì nên gắn bó một thời gian dài, đừng có đến vài buổi rồi bỏ dở”, Uyên nhắc lại lời của Hiền.
Đến Làng trẻ Birla cả nhóm đi bộ mất 20 phút. Ngoài nhóm của Hiền nhiều sinh viên từ các trường khác như Học viện Tài chính, ĐH Luật, ĐH Sư phạm… cũng đến dạy học cho các em.
Tác giả bài báo đã cùng nhóm gia sư đến làng trẻ Birla. Hơn 19h30, lớp học bắt đầu. Dãy bàn đa năng vừa là bàn ăn giờ chuyển thành bàn học. Uyên và Hiền ngồi vào bàn. 4, 5 em vây quanh.
Hai bạn làm toán, vài bạn học tập đọc, tập viết. Uyên và Hiền làm không hết việc. “Có buổi mình kèm 3 em học bài. Xoay như chong chóng. Vừa học, các em ấy vừa nghịch”, Hiền chia sẻ.
Uyên thì ấn tượng với một cậu bé làm văn. “Mình đang hướng dẫn 2 bạn làm toán thì có một cậu bé lại gần hỏi “chị ơi, bảo em cách tả tai”. Bạn ấy đang tả khuôn mặt, nhưng không biết tả về cái tai như thế nào”, Uyên cười.
Cô Phùng Thị Luyến, quản lý một phòng trong làng cho biết, việc sinh viên đến dạy học cho các em có từ lâu. Các em trong này đa phần là trẻ mồ côi. “Các em ấy sinh sống trong làng, nhưng đi học tại các trường bình thường ở ngoài được miễn giảm học phí”, cô Luyến kể.
Nói về những gia sư tình nguyện, ông Chu Đình Điệp, Giám đốc Làng trẻ Birla cho rằng, rất cần những tấm lòng tình nguyện của các bạn trẻ, sinh viên đến dạy dỗ các em. Theo ông Điệp, luôn chào đón những tấm lòng thiện nguyện, sự nhiệt tình, đồng cảm của các bạn sinh viên tình nguyện.
Không chỉ dạy các em cấp 1, cấp 2, nhiều gia sư còn dạy thêm cho học sinh cuối cấp ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi đại học. “Mỗi tuần, các anh chị dạy chúng em khoảng 2, 3 buổi. Chúng em cũng học thêm nhiều kiến thức để ôn thi tốt nghiệp và thi đại học. Ngoài ra, anh, chị như người bạn của chúng em để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống”, Nguyễn Thị Hiền, học sinh lớp 12 chia sẻ. |