Gia sư thủ khoa tiết lộ bí quyết thi Toán
“Đối với câu hỏi càng dễ, thí sinh càng phải cẩn thận. Nếu chủ quan, sẽ rất dễ mất điểm”. Đó là kinh nghiệm làm bài thi môn Toán của Đinh Quang Cường - Chủ tịch CLB Gia sư Thủ khoa.
Với số điểm đầu vào khá ấn tượng (27,5 điểm), Đinh Quang Cường - chàng trai tới từ Đại học Ngoại Thương luôn là tấm gương tiêu biểu cho phương pháp học tập bài bản, khoa học. Có kinh nghiệm lâu năm làm "thầy giáo" trong CLB Gia sư Thủ khoa, khi được hỏi bí quyết học tập đạt hiệu quả cao, Cường cho biết: “Một phương pháp cụ thể sẽ không đúng cho tất cả mọi người. Vì thế, mỗi cá nhân cần phải tự rút ra phương pháp phù hợp với điều kiện, thói quen của mình. Cách học hiệu quả nhất của tôi là mỗi ngày tập trung học một môn để không bị phân tán”.
Cường khiêm tốn chia sẻ: “Với tôi, sách giáo khoa là tài liệu tối quan trọng. Bởi đề thi chủ yếu xoay quanh chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên vẫn phải nhờ tới sự giúp đỡ của sách tham khảo để tổng hợp kiến thức, nâng dần mức độ khó của bài tập. Ngoài ra, với mỗi môn cần có một phương pháp học ôn riêng, phù hợp với đặc điểm của nó.”
Theo Cường, toán là môn học khó, người học phải thường xuyên hệ thống lại kiến thức và các phương án đã dùng để xử lý bài toán đó. Cường đưa ra ví dụ cụ thể bài tập về tiếp tuyến. Đối với dạng bài này, người học cần xem có những kiểu câu hỏi và phương pháp giải quyết như thế nào. Khi nào nên dùng cách lập hệ điều kiện tiếp xúc, khi nào dùng cách gọi tiếp điểm M(x0; y0), tránh việc sa vào làm quá chi tiết gây mất thời gian. Thuộc và am hiểu chính xác định nghĩa, công thức tính, nắm vững các điều kiện và nội dung của định lý - hệ quả - tính chất.
Đinh Quang Cường trong một buổi tham gia công tác tình nguyện năm 2013
Khi vào phòng thi, thí sinh cần bình tĩnh, đọc toàn bộ đề bài một lượt. Câu nào dễ có thể làm trước, câu nào khó để lại làm sau cùng. Trong quá trình làm bài, không nên chủ quan đối với những câu dễ, tránh mất điểm một cách đáng tiếc. “Rất nhiều thí sinh sai sót những lỗi cơ bản: bài tập có mẫu số, có căn thức mà không đặt điều kiện; bình phương không xét dấu hai vế mà vẫn dùng kí hiệu. Đối với dạng bài này, bản thân tôi cũng luôn cẩn thận”, Cường chia sẻ.
Để đạt được tốc độ làm bài tối đa có thể, Cường mách nước cách rèn luyện đơn giản. Đó là, khi làm các bộ đề, phải tính toán và phân bố thời gian hợp lý với hệ số điểm của từng bài. Bài giải cũng cần rõ ràng, mạch lạc; hạn chế gạch, xóa; không viết đè lên chỗ sai. Mỗi thí sinh cần tạo cho mình thói quen soát bài ngay trong quá trình làm. Nhìn thật rõ từ dòng trên xuống dòng dưới xem mình viết gì, biến đổi thế nào, dùng công thức nào, đã chặt chẽ chưa. Đối với những bài toán có điều kiện, khi giải xong các bước, thí sinh nhớ kết hợp với điều kiện để đưa ra đáp số cuối cùng.
Cường chia sẻ thêm, các thí sinh không nên bỏ cuộc quá sớm đối với những câu hỏi khó. Sau khi làm hết những bài dễ, thí sinh có thể quay lại làm bài dạng khó hơn và nghĩ đến đâu cứ mạnh dạn làm đến đấy. “Trong quá trình làm bài thi, đúng bước nào sẽ ghi được điểm ở bước đó. Vì vậy, nếu không ra được đáp số cuối cùng, thí sinh nên viết ra tất cả các những đáp án mình cho là đúng. Quan trọng nhất là dành 10 phút trước khi hết giờ để kiểm tra lại bài”, Cường chia sẻ bí quyết.
“Trong 3 môn thi, nếu môn nào “nổi trội”, thí sinh cần ôn luyện chăm chỉ. Đó là sẽ là môn “cứu cánh” cho hai môn thi còn lại, Cường nhấn mạnh.