GĐ sở đồng loạt kiến nghị thi tốt nghiệp 4 môn

Thi tốt nghiệp THPT 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) nhận được đa số ý kiến đồng ý của lãnh đạo các Sở GD – ĐT tỉnh thành.

Trong số 45 sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 sở GD-ĐT đồng ý tổ chức thi 4 môn, có 2 sở GD-ĐT cho rằng vẫn nên thi 6 môn. 

Dự thảo mới nhất của Bộ GD-ĐT đưa ra phương án môn thi tốt nghiệp sẽ bao gồm Văn, Toán bắt buộc, 2 môn thi tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Riêng số 20% học sinh được miễn tốt nghiệp đã gây nhiều tranh luận. Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định đồng tình với việc Bộ GD-ĐT giảm 6 môn thi tốt nghiệp xuống 4 môn. “Riêng với việc 20% học sinh được miễn thi, nếu Bộ không đưa ra các tiêu chí rõ ràng sẽ rất phức tạp, chưa kể chuyện nọ chuyện kia. Còn nhớ, trước đây, chúng ta đã từng miễn thi đại học cho những học sinh đạt giải quốc gia nhưng chỉ được một thời gian thấy không hợp lí đành phải bỏ.”

GĐ sở đồng loạt kiến nghị thi tốt nghiệp 4 môn - 1

 Đa số lãnh đạo các Sở GD đề nghị nên thi tốt nghiệp THPT 4 môn

“Bộ đưa ra quy định, 3 năm học sinh giỏi và hạnh kiểm khá trở lên sẽ được miễn thi, tôi thấy không ổn. Bởi thực tế đánh giá ngay trong một trường, một tỉnh, một huyện cũng đã khác nhau. Vậy nên, chúng ta không thể vì lí do giảm bớt tốn kém mà đưa ra 20% được miễn thi tốt nghiệp”, ông Tuấn kiến nghị.

Cùng quan điểm với lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định, ông Hoàng Minh Quân, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho rằng: “Nếu tiến tới bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ nên có chính sách miễn thi. Tuy nhiên, cần phải thêm điều kiện là 3 năm học phải đạt hạnh kiểm tốt trở lên. Tiêu chí Bộ đưa ra quá rộng…”

Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM ủng hộ chủ trương đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT. “Tuy nhiên, Bộ có cần phải khống chế 20% tỷ lệ miễn thi hay hơn thế hoặc ít hơn. Bộ cần cân nhắc kĩ các tiêu chí được miễn thi. Ví dụ, xếp loại học lực khá, đạt các giải thưởng quốc gia… Bộ không làm được những điều đó mà đưa ra các địa phương là rất khó triển khai”, ông Sơn đề xuất

Đại diện Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết: “Phương án Bộ đưa ra là đẩy trách nhiệm cho các Sở. Vì chủ trương Bộ đưa ra chưa có các tiêu chí rõ ràng nên địa phương rất khó thực hiện. Theo tôi, Bộ nên ấn định cho các tỉnh, các tiêu chí để thực hiện".

"Ví dụ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể tỷ lệ miễn thi sẽ cao hơn nhưng Cà Mau và các tỉnh có điều kiện khó khăn có thể là 20% hoặc là thấp hơn vẫn được. Nên đưa ra tiêu chí và ấn định tỉ lệ cho các tỉnh và tỉnh cứ căn cứ vào đó thành lập Hội đồng xét tuyển. Tôi đề nghi, học sinh đạt 3 năm danh hiệu học sinh tiên tiến sẽ được miễn thi. Nếu tỉ lệ cao hơn thì sẽ lấy từ trên xuống dưới theo các tiêu chí ưu tiên..." Đại diện Sở GD - ĐT Cà Mau kiến nghị.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế cũng nhất trí chủ trương đổi mới của Bộ. Theo ông Hùng, tuy nhiên,việc tổ chức thi tự chọn ngay năm nay là hơi vội. Vì chúng ta thi tự chọn nhưng đang áp dụng phương thức học bắt buộc. Như vậy, sẽ rất phức tạp ngay trong học kì II của năm học này.

“Tôi đưa ra một ví dụ, môn học lịch Sử, nhưng trong lớp chỉ có 10 học sinh chọn thi sử, số học sinh còn lại không tập trung và tình hình rất phức tạp. Theo tôi, áp dụng thi tự chọn ngay bây giờ cần phải cân nhắc…” – Ông Hùng bày tỏ.

Ông Hùng cho hay: “Lâu nay trong các văn bản của Bộ ngoại ngữ là môn cứng. Hơn nữa, hiện đang triển khai Đề án ngoại ngữ 2010, trong đó đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy học môn ngoại ngữ. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đề án này là phải tìm cách thi cử, đánh giá khác để học sinh được bộc lộ năng lực nghe nói đọc viết. Chắc chắn không thể ngồi một lúc 90 phút như hiện nay mà kiểm tra được những năng lực này của 1 triệu học sinh trên cả nước.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hiếu (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN