Gặp người đề xuất bỏ luyện chữ đẹp
Sau khi có đề xuất bỏ luyện chữ đẹp ở bậc tiểu học, đã có nhiều chuyên gia phản hồi, trong đó có ý kiến không đồng tình. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, người đề xuất bỏ luyện chữ đẹp.
Tiến sĩ có nhận xét gì về việc luyện chữ đẹp của các em nhỏ hiện nay?
Trước hết tôi xin kể lại câu chuyện của một người bạn vừa tâm sự với tôi: “Chị ơi, tối qua em phát khóc khi con vừa đi học về đã đòi đi ngủ. Em hỏi tại sao lại đi ngủ sớm vậy thì con trả lời là vì con không được ngủ trưa ở trên lớp. Cô giáo đã xé vở của các bạn viết chữ xấu và bắt con phải ngồi chép lại toàn bộ những cuốn vở đó của bạn để cô còn đưa đi dự thi”.
Nghe xong câu chuyện tôi không khỏi giật mình về các luyện chữ của thầy cô dành cho các con trẻ. Việc rèn chữ đẹp hiện nay không còn là một nét đẹp truyền thống cần giữ gìn nữa mà trở thành 1 gánh nặng cao độ đối với học sinh. Từ những cuộc thi luyện chữ đẹp ở trên sở rót xuống, các cô giáo vì bị quá tải công việc đã dồn sức nặng xuống những đứa trẻ. Nhiều bé viết không thể đẹp được đã khiến cô giáo vô cùng lo lắng. Để đối phó với sự kiểm tra gắt gao ở trên, các cô đã ép những bé viết đẹp chép hộ bạn. Điều này không cần nói chúng ta cũng thấy đây là hành vi ứng xử quá dã man với những đứa trẻ.
Xuất phát từ nguyên do nào mà Tiến sĩ lại đưa ra đề xuất bỏ luyện chữ đẹp ở bậc tiểu học?
Nội dung trong chương trình giáo dục tiểu học hiện nay đang thiếu nhiều nội dung, trong đó có kỹ năng sống, văn hóa sống. Cụ thể, các bé hoàn toàn không được học những kỹ năng quan trọng để tạo lập thành 1 con người hoàn chỉnh. Đó là cách ứng phó khi gặp tai họa như: hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, đuối nước, bỏng, tai nạn thương tích, bắt cóc... Chính vì vậy tỉ lệ trẻ em gặp nạn và chết hằng năm là cực kì cao.
Trẻ cũng đang thiếu cách ứng xử đời thường, hay khi xảy ra va chạm nào đó. Ví dụ: văn hóa đi xe bus, văn hóa ứng xử ở giữa đám đông, văn hóa ăn buffet, văn hóa ăn liên hoan... Các bộ môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền....(chỉ được học ở câu lạc bộ). Các kĩ năng sử dụng các vật dụng nguy hiểm như dao, kim, búa... và các cách sử dụng các vật dụng công cộng như thang máy.
Trong chương trình học Tiếng việt hiện nay, các em cũng bị quá sức so với các môn học khác. Số lượng 8 tiết trong một tuần với các yêu cầu nghe nói, đọc, viết cũng khiến trẻ nhỏ mệt mỏi. Do vậy, việc dạy trẻ viết chữ đẹp thật sự không phù hợp khi các em còn chưa viết vững và còn sai lỗi chính tả rất nhiều.
Ngoài ra, việc đánh giá năng lực của học sinh cũng chưa hợp lý, rất thiên lệch. Cuối học kỳ, nhà trường chỉ xét điểm thi môn Toán và Tiếng Việt để tính điểm giỏi hay tiên tiến ở mỗi học sinh. Các môn Tự nhiên - Xã hội, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thể dục... đều chỉ làm cho có. Từ đó, việc dạy dỗ môn này bị coi là thừa, dẫn tới một hiện trạng là các cô thường cắt giảm các tiết học các môn này để luyện Toán và tiếng Việt cho các con.
So sánh với nước ngoài, tôi thấy các em nhỏ đang bị quá tải ở việc luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh. Đây là 2 kĩ năng tương đối khó nên mất nhiều thời gian dạy.
Ngoài việc học chữ, trẻ em cũng cần học thêm kỹ năng sống, (ảnh minh họa) Ảnh: Đức Nguyễn
Sau khi đề xuất đưa ra, một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục phản đối đề xuất này vì cho rằng nét chữ thể hiện tính nết con người. Chữ đẹp, rõ ràng con người đó chỉn chu, còn viết ngoáy bao giờ cũng cẩu thả hơn. Khi viết một bài với nét chữ đẹp thì được nhiều người yêu thích, vì vậy, nếu tất cả mọi người đều rèn được chữ đẹp là điều tốt. Vậy Tiến sĩ có chia sẻ gì về nội dung trên?
Thực ra chữ đẹp rất quan trọng, là một trong những kĩ năng rất cần ở trẻ, tuy nhiên tôi nghĩ chỉ cần luyện cho học sinh ở lớp 1 là đủ. Hướng dẫn nét chữ đầu tiên cho trẻ cực kỳ quan trọng, còn sau đó thầy cô, bố mẹ nên tôn trọng tính riêng tư con người của trẻ.
Thực trạng rèn chữ ở Việt Nam khiến trẻ quá khổ, có em gù lưng, cận thị, chai tay, ngày ngày cặm cụi chỉ để viết đẹp hơn. Rèn chữ đẹp cũng khiến trẻ viết chậm. Lên trung học cơ sở, các em bị phá chữ khi thầy cô đọc quá nhanh. Như vậy, tôi thấy việc luyện chữ đẹp vô ích, không có giá trị.
Trò cũng nên được học quy tắc tính nhanh nhưng không phải như hiện nay khi trung tâm dạy tính toán nhanh cho trẻ mở ra quá nhiều. Rèn tính nhanh ở lớp 1-2 là rất ổn nhưng lớp 3 nên ngừng lại.
Theo Tiến sĩ việc thầy cô, cha mẹ ép học sinh luyện chữ quá sức sẽ gây ra hệ lụy gì?
Hiện nay việc rèn luyện chữ đẹp không còn là một nét đẹp truyền thống cần giữ gìn nữa mà trở thành 1 gánh nặng cao độ đối với học sinh. Việc tập luyện viết chữ đẹp quá sức đã làm cho trẻ vô cùng mệt mỏi. Tôi thấy cả ngày trẻ chỉ ngồi nhìn vào mấy con chữ và bặm môi viết theo với cỡ chữ chuẩn xác theo quy định, lên dòng xuống dòng, rồi nét thanh nét đậm. Việc viết theo nét chuẩn như vậy, trẻ không thể thể hiện tính cách gì ở trong đó cả ngoài việc sao chép y như mẫu.
Mỗi người sinh ra đều có những nhu cầu được sống ngoài thiên nhiên, được giao lưu học hỏi ở cộng đồng, được thả mình trong những không gian giải trí phù hợp. Việc ép trẻ luyện chữ quá sức đã tướt bỏ đi những nhu cầu thiết yếu của 1 đứa trẻ, điều đó là quá đỗi “dã man” và còn gây hại rất nhiều cho sự phát triển của trẻ.
Trẻ em cũng không có điều kiện để tìm hiểu thế giới xung quanh, tìm hiểu văn hóa sống, học cách sống lịch sự, văn minh, cách ứng xử, hay cách ứng phó với các tình huống. Các em không có thời gian nghe nhạc, đọc truyện, xem tranh là những hoạt động không thể thiếu được cho sự trưởng thành của một con người.
Từ những yếu tố trên dẫn đến việc những đứa trẻ sống thiếu không gian, bị áp lực nặng nề về mặt tinh thần. Điều đó dẫn tới việc trẻ sẽ bị stress tâm lý, mệt mỏi, chán học, hay cáu gắt. Chính vì vậy, luyện viết chữ đẹp đang là gánh nặng cho học sinh, cần phải bỏ vì nó tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích.
Theo Tiến sĩ,việc đề xuất bỏ luyện chữ đẹp đối với học sinh vẫn là cần thiết?
Quan điểm của tôi vẫn giữ nguyên đề xuất bỏ luyện chữ đẹp ở cấp tiểu học. Tôi thấy việc làm này là cần thiết để cứu lấy hạnh phúc của những đứa trẻ.
Xin cảm ơn!