Gặp lại nữ sinh lượm ve chai để được học

Trước ngày thi Đại học, Gương ngoái trước nhìn sau, gian nhà trơ vách không có gì giá trị, duy chỉ còn cặp chó là thứ có thể quy đổi ra tiền.

Bất lực vì gia cảnh nghèo khó, người cha đành kêu lái buôn bán đi một con chó được 300 ngàn đồng. Cầm đồng tiền ít ỏi trên tay, đôi mắt Gương rớm lệ, em thầm nhủ, phải quyết tâm thi đỗ để không phụ lòng hi vọng của cha.

Nuốt nước mắt quên đi số phận hẩm hiu

Sinh ra trong gia đình nghèo, để có tiền lên thành phố dự thi đại học, nữ sinh Trần Thị Gương (SN 1994, ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) đã phải gạt nước mắt nhìn cha bán chó làm lệ phí. Nhưng vượt qua nghịch cảnh, cô nữ sinh nghèo ấy cuối cùng đã thực hiện được ước mơ vào giảng đường và đang gắng học thành tài để mai này thoát khỏi đói nghèo đeo đẳng. Gặp lại lần này Gương khoe, sau bao vất vả đến nay, cô sắp tốt nghiệp, trở thành niềm tự hào của gia đình. Và, câu chuyện “bán chó đi thi” của cô giờ đã trở thành biểu tượng đẹp của sự vươn lên, không chấp nhận hoàn cảnh của học sinh nghèo hiếu học.


Gương luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Ảnh D.V

Sau nhiều lần hẹn cuối cùng Trần Thị Gương mới thu xếp tranh thủ gặp chúng tôi tại làng đại học Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM). Cô bảo, lịch học và đi làm thêm của mình gần như kín cả tuần, cho dù kỳ ôn thi cuối kỳ đã tới nhưng Gương vẫn ngày hai buổi học xong, lại tranh thủ đi làm giúp việc thời vụ để lấy tiền trang trải chi phí trọ và mua tài liệu học.

Suốt hơn 3 năm qua Gương vẫn chăm bẵm như thế bởi nhà vốn nghèo, một mình xuống thành phố trọ học, không bà con thân thích, em phải tự bươn chải bằng nhiều nghề khác nhau. Điều đáng nói, với thời lượng công việc làm thêm chật kín nhưng kết quả học tập của em bao giờ cũng đạt kết quả tốt, được thầy cô thương mến, bạn bè nể phục.

Gương cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình bần nông của huyện vùng sâu Bù Đốp (tỉnh Bình Phước). Trên Gương có 6 anh chị, dưới có một người em, nhưng tất cả đều thất học vì cha mẹ không có tiền, rồi tất cả phải tha phương mưu sinh. Nhưng riêng Gương thì lại khác, sống trong cùng quẫn nên ngay từ nhỏ, em đã ý thức được rằng, muốn thoát nghèo không gì khác phải vươn lên bằng con đường học. Vậy nên dù nhà nghèo nhưng suốt 12 năm cắp sách, Gương chưa từng chán nản, không một lần vắng học, bất kể ngày nắng hay mưa.

Trong ký ức của em, những ngày khốn khó ấy mỗi khi nhớ lại vẫn còn đọng lại bao ám ảnh. Gia đình đến mười miệng ăn, nhà vỏn vẹn 2 sào lúa, 4 sào đất vườn, nhưng vùng khô cằn sỏi đá, cây chưa ra hoa đã chết trụi lũi, thiếu ăn triền miên. Ngày ngày cha mẹ, anh em Gương phải đi xới cỏ, hái điều thuê cho các hộ dân trong vùng, nhưng đến bữa phải ăn cơm độn thêm ngô, sắn, khoai lang… Lúc hết gạo, mười miệng ăn phải chia nhau nồi cháo loãng. Đêm về gian nhà chật chội, 8 anh chị em Gương lại chen nhau ngủ dưới nền đất.

Gặp lại nữ sinh lượm ve chai để được học - 1

Gương trò chuyện với PV. (Ảnh D.V)

Biết cha mẹ, anh em vất vả muốn phụ giúp một phần sức của mình nhưng không được, bởi từ nhỏ Gương đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Từ khi sinh ra, em đã phải “gánh” một cái bướu rất to ở sau lưng, khiến Gương càng lớn càng yếu ớt. Nếu làm việc nặng hay lo lắng thì có thể ngất xỉu bất cứ lúc nào. “Nhiều khi, em muốn lao động để giúp ba mẹ nhưng cái bướu không cho, nó hành em suốt. Cứ nói to hay làm mệt là nó chèn khí quản, khiến hơi thở của em yếu dần”, Gương nói. Em bảo, có lần đi khám, bác sỹ bảo nếu phẫu thuật thì sẽ khỏi hẳn, nhưng khi cái ăn cũng chưa dám no, việc trị bệnh cho Gương đành tạm gác lại.

Nỗ lực học tập để thoát nghèo

Khi Gương thi đậu vào lớp 10 cũng là lúc em xa mẹ mãi mãi. Bà mất vì một căn bệnh nan y để lại anh em Gương bơ vơ, người cha buồn chán suốt ngày tìm đến rượu để quên sầu. “Những lúc ba không nhậu thì đi làm có tiền trang trải, còn khi ông uống rượu vào thì coi như ngày đó, anh em phải ôm nhau nhịn đói”, Gương kể. Để có tiền đi học, em thường phải đi nhặt ve chai mang đến các tiệm thu mua bán. Năm 2010, Gương làm hồ sơ đi thi Đại học ở TP. HCM, với suy nghĩ giản đơn là học để mai này thoát nghèo. Kỳ thi càng đến gần, thì Gương càng lo lắng, bởi tiền là vấn đề vô cùng nan giải, cha thì nay ốm mai đau, nên dù rất thương con nhưng đành bất lực.

“Em chưa bao giờ thấy mặc cảm vì chuyện mình đã làm. Cuộc đời là sự lựa chọn, và trong hoàn cảnh đó em chọn cho mình con đường thích hợp nhất. Nếu không lựa chọn, em không nói mình vẫn đang trong vòng luẩn quẩn của cái nghèo. Nhưng chắc chắn, em không có đầy niềm tin vào tương lai như hôm nay”, nữ sinh Trần Thị Gương đúc kết.

Gương nhớ lại: “Do gia đình vay mượn quá nhiều nên hàng xóm sợ từ chối, nghĩ hết cách, cuối cùng ba đưa em sổ đỏ của nhà đi cầm ở ngân hàng, người ta xem xong lại lắc đầu vì đất không có giá. Ba lại treo bảng rao bán khu vườn sau nhà nhưng vẫn chẳng ai buồn hỏi han. Lúc đó, nhà có nuôi hai con chó, một to, một nhỏ. Thấy nhà chẳng có gì đáng giá hơn chúng, nên ba em quyết định gọi lái buôn đến bán”. Hai con chó là tài sản đáng giá nhất trong nhà Gương, ngày bán chó, thấy cha rớm nước mắt, Gương bàn để lại một con cho vui cửa vui nhà. Cuối cùng, con chó lớn được bán đi với giá 300 nghìn đồng, thấy quá tủi thân nên thâm tâm, Gương tự nhủ phải thi đỗ để không phụ lòng hi vọng của cha.

Ngày lên đường xuống TP. HCM thi, Gương để lại cho cha 30 nghìn đồng. Còn lại 270 nghìn đồng, cô nữ sinh nghèo mang theo, khăn gói cẩn thận một mình vượt hơn 200km từ Bù Đốp xuống TP. HCM. Gương tính toán, nếu thuê phòng trọ thì chi phí sẽ rất cao, số tiền ít ỏi kia chẳng mấy chốc mà hết.

Không tiền thuê trọ, cô nữ sinh nghèo ham học đi xin ở nhờ, cố khắc phục những bộn bề khó khăn trong thời gian ứng thí. Trời không phụ lòng người, ngày nhận giấy báo điểm thi, cha con Gương vỡ òa hạnh phúc, em đã thi đậu vào Khoa Thư viện – Thông tin (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học quốc gia TP. HCM) với mức điểm 18 cho ba môn khối D. Bao nhiêu mơ ước, bao sự vất vả, cực nhọc của em nay đã đạt được kết quả ban đầu.

Nhưng niềm vui chưa kịp vơi thì nỗi lo lại ập đến. Cha Gương bảo: “Hôm đi thi đã phải bán con chó mới có kinh phí, thì lúc đi học ở phố thị Sài Gòn, cuộc sống đắt đỏ lấy đâu ra tiền hở con?”. Thế nhưng, Gương lại có niềm tin, bởi lúc ở nhà, em đã biết thu mua ve chai bán, thì xuống Sài Gòn Gương sẽ dùng chính công sức của mình để kiếm tiền đi học.

Năm học thứ nhất, Gương đã đi làm thêm, em mượn xe đạp của bạn đi làm công nhân cho công ty Tân Tân cách ký túc xá 4km. Công việc của Gương là gói bánh kẹo với tiền công 45.000 đồng/buổi. Vì thế, dù đạp xe vất vả, nhưng Gương vui vì từ nay có thể tự lo tiền ăn học của bản thân. Sau đó, Gương còn đạp xe đi làm thêm những công việc khác như phát tờ rơi, nhập dữ liệu, rửa chén đĩa ở tiệm cơm. Thế nhưng, mọi chuyện đâu có suôn sẻ, chính vì nhiều bữa tham công tiếc việc, làm mệt khối u sau lưng lại hành, khiến em ngất đi tỉnh lại nhiều lần, mỗi lần đi khám lại lạm thêm cả triệu bạc tiền thuốc thang.

Bên cạnh đó, Gương còn thường xuyên bị tụt canxi, khiến cơ thể em ngày càng tiều tụy, nhiều đêm nghĩ về thân phận cô độc giữa lòng phố thị, người cha già ở quê, nước mắt Gương lại trào. Nhưng càng nghĩ càng tạo động lực để Gương vượt qua để cuối cùng có được thành quả học tập hôm nay. Gương cho biết, trước đây dù rất thích ngành học liên quan đến kinh doanh, nhưng do hạn chế về “ngoại hình” (bị khối u ở lưng), thấy ngành thư viện phù hợp nhất nên em chọn. Tất cả khóa học, em còn hai kỳ thi nữa nên em sẽ cố gắng để không uổng công phấn đấu hơn 3 năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Văn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN