Gánh nặng đổi mới giáo dục của ngành sư phạm

Các trường đào tạo sư phạm chưa hề được đề cập việc điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp để thích ứng với đề án đổi mới sau năm 2015.

“Đổi mới giáo dục là tất yếu để phù hợp thời thế nhưng nó sẽ hiệu quả hơn nếu đội ngũ giáo viên, cán bộ, công tác đào tạo bồi dưỡng được quan tâm một cách thích đáng”. Đây là ý kiến của ThS Phạm Quang Huân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra tại buổi hội thảo khoa học Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục do Viện Nghiên cứu giáo dục của ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức cuối tuần qua. Đó cũng là trăn trở của không ít giáo viên, các trường đào tạo sư phạm để làm sao thay đổi bản thân cho phù hợp thực tế.

Nghịch lý đổi mới

Theo ThS Huân, việc đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 là thách thức rất lớn cho giáo viên và các trường đào tạo sư phạm. Như thế nào là tích hợp, thế nào là phát triển năng lực cá nhân, thế nào là vừa dạy vừa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS),… là những phương pháp không hề đơn giản. Chương trình đào tạo sư phạm vẫn thế nên để theo nghề giáo, sinh viên (SV) và giáo viên buộc phải tự học để thích ứng thực tế. Tuy nhiên, muốn giáo viên tự học thì phải trang bị cho họ hệ thống kỹ năng tự học, biết mình bất cập ở đâu, thiếu cái gì, tìm thông tin như thế nào, cách giải quyết vấn đề…

Gánh nặng đổi mới giáo dục của ngành sư phạm - 1

Việc đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 là thách thức rất lớn cho giáo viên và các trường đào tạo sư phạm. Ảnh: TSN

“Thực tế bây giờ mỗi khi có cái gì mới, giáo viên phổ thông cứ kéo đến hội trường chật ních, nghe toàn lý thuyết hàn lâm. Đây lại thành cơ hội cho nhiều anh chị em lâu lâu gặp nhau để hàn huyên, tâm sự. Cách làm này không khác gì bồi dưỡng theo kiểu thác nước, kế hoạch bên trên rất mạnh nhưng qua mỗi lần tạt vào đá sẽ bị tản ra, kết quả cuối cùng chỉ còn là bụi mù mà thôi. Như thế thì hiệu quả ở đâu?” - ThS Huân lý giải.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Dương Hoàng đến từ ĐH Đồng Tháp cho rằng nghịch lý của chúng ta là việc đổi mới sư phạm bao giờ cũng đi sau đổi mới phổ thông. Các trường đào tạo sư phạm chưa hề được đề cập đến việc điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp như thế nào đó để thích ứng với đề án đổi mới sau năm 2015 của Bộ GD&ĐT. Phương pháp tích hợp là một ví dụ, Bộ có kế hoạch lồng ghép các nội dung liên quan đến nhau để giảng dạy cho HS. Trong khi đó, ở các trường đào tạo sư phạm lâu nay vẫn đi sâu theo từng chuyên môn, toán, hóa hay lý đều rõ ràng, không có nội dung liên kết hay lồng ghép nào, chưa kể nội dung đang áp dụng còn hàn lâm và nặng lý thuyết. Vì thế khi ra trường, giáo sinh lại loay hoay, lại học hỏi và mất thêm thời gian thích nghi. Như vậy sẽ khó hiệu quả toàn diện được.

Phải đổi mới mình để không “chết”

ThS Phạm Quang Huân nêu rõ: “Ai theo nghề giáo cũng phải trải qua vài lần đổi mới chương trình để phù hợp vì sự phát triển của xã hội, nhận thức của HS. Nếu không tìm cách thay đổi để phù hợp thì giáo viên tự lạc hậu. Người giáo viên nào ngừng tự học thì con người giáo viên trong họ cũng chết dần”. Theo đó, nhà trường là nơi bồi dưỡng tốt nhất cho đội ngũ giáo viên. Qua những buổi họp tổ, thảo luận chuyên môn, đánh giá, góp ý… chỉ 1-2 lần/tuần cũng là giải pháp thực tế và hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.

PGS-TS Ngô Minh Oanh cho rằng giáo viên phổ thông lâu nay thường coi sách giáo khoa là pháp lệnh nên chỉ giảng dạy theo kế hoạch định sẵn làm sao cho HS yên tâm tham gia tốt các kỳ thi là xong mà thiếu đi sự sáng tạo, tìm tòi cái mới để tự nâng cao nghiệp vụ của mình. “Giáo viên không thể duy trì mãi một cách giảng dạy, như thế là sẽ “chết”. Hơn ai hết, giáo viên phải biết mình cần và thiếu cái gì để có kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng như lập tủ sách cá nhân, trau dồi ngoại ngữ và công nghệ, tìm hiểu tâm sinh lý tuổi học trò… Chỉ có như thế mới theo kịp thời thế và không lạc hậu trước trò thôi. Bản thân các trường đào tạo sư phạm cũng cần có kế hoạch phân môn hoặc đầu tư hướng dẫn vấn đề tự học, tự nghiên cứu cho SV” - PGS-TS Oanh nói.

Ngập đầu với sáng kiến kinh nghiệm

Theo ThS Huỳnh Văn Thế, giáo viên Trường THPT Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là một cơ hội để tự học, tự nghiên cứu vì đó là quá trình đúc kết từ thực tiễn và lý luận. Nhưng hiện nay rất nhiều giáo viên sợ việc này vì mỗi năm phải có một cái nên chạy theo số lượng hơn chất lượng. Nhiều người chỉ viết để được xét chiến sĩ thi đua. Giáo viên không quen lại copy từ người khác và chuyển thành tên mình. Viết xong cũng chỉ đọc qua tổ, gửi về trường, trường khóa lại trong tủ. Nhiều sáng kiến được loại A, B của Sở, giáo viên cũng mang về xếp xó rất lãng phí. Chính cách làm này khiến giáo viên trở nên máy móc, thậm chí sao chép bất kỳ nguồn nào.

Bức xúc về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Hùng của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng mỗi năm chúng ta có hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm trùm mền, làm cho có, chạy theo thành tích. Sáng kiến hình thức còn chịu được, kinh nghiệm mà cũng hình thức thì không hiểu nổi. Nhiều kinh nghiệm không thấy phổ biến, ứng dụng, cũng không ai biết nó đã đi đâu. Vấn đề chúng ta chưa làm được hiện nay chính là “hướng dẫn sử dụng” sáng kiến kinh nghiệm chứ không phải kêu gọi viết, rồi vỗ tay hay tung hô người viết sáng kiến đó.

Một khảo sát nhỏ gần đây của giảng viên Hoàng Thị Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trên 200 SV cho thấy: 52% SV chỉ học khi thi hoặc có bài kiểm tra, 36% SV học khi có hứng. 52% SV sử dụng Internet để online, Facebook, 46% SV dành nhiều thời gian để ngủ nướng, chỉ có 18% SV dùng máy tính để nghiên cứu tài liệu… Qua đây cho thấy vấn đề tự học và sử dụng thời gian hiệu quả trong SV còn rất hạn chế và đáng báo động trước thực tế đổi mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN