Gần 50% học sinh lớp 1 đã học, sách của GS Hồ Ngọc Đại vẫn là... thí điểm?!

Được áp dụng và có kết quả khả thi, song nhiều nơi vẫn coi việc dạy theo sách Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ Giáo dục do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại làm chủ biên, là “thí điểm”. Thậm chí, một số thành phố lớn như Đà Nẵng hay TPHCM chưa áp dụng chương trình này dù chỉ là thí điểm ở một số trường.

Nhiều nơi áp dụng thành công

Không chỉ thành công ở Trường Thực Nghiệm (Hà Nội), sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục (viết tắt là Chương trình TV1-CNGD) từ 40 năm về trước đã rất nổi tiếng và sau đó được triển khai thí điểm ở nhiều địa phương, đến nay có 49 tỉnh, thành áp dụng chương trình này. Thậm chí, một số địa phương như: Hà Nam, Quảng Trị, Tiền Giang… triển khai cho 100% học sinh lớp 1 trong những năm gần đây. Theo ghi nhận, nhiều địa phương triển khai Chương trình đánh giá cao và thu được những kết quả khả quan.

Cụ thể, tại Hà Nam, năm học 2017-2018 là năm thứ 5 Hà Nam triển khai dạy TV1-CNGD và thu được kết quả đáng mừng. Ban đầu quy mô chỉ ở một số trường, sau đó lan rộng ra toàn tỉnh với 100% trường tiểu học dạy theo sách này. Theo Sở GD&ĐT Hà Nam, ban đầu địa phương này triển khai có một số phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, khi học Chương trình này trẻ đã hạn chế được rất nhiều việc đọc và viết sai chính tả. Phụ huynh ngày càng hiểu, ủng hộ việc này và đồng hành cùng nhà trường. Sở GD&ĐT Hà Nam dự kiến sẽ giữ ổn định việc dạy Chương trình này cho đến khi thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới, không có xáo trộn gì trong giảng dạy.

Gần 50% học sinh lớp 1 đã học, sách của GS Hồ Ngọc Đại vẫn là... thí điểm?! - 1

Quảng Trị có được kết quả tốt khi áp dụng Chương trình TV1-CNGD ở các trường tiểu học trên địa bàn. Ảnh: Q.T

Còn tại Quảng Trị, từ năm 1995, Chương trình TV1-CNGD bắt đầu triển khai tại Trường Năng khiếu Thực nghiệm (nay là Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP Đông Hà). Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Quảng Trị nhân rộng Chương trình này cho các trường tiểu học và PTCS có đủ điều kiện (168 trường) với 10.144 học sinh tham gia. Năm học 2016 - 2017, nhân rộng tại các trường tiểu học và PTCS có đủ điều kiện (173 trường) với 10.207 học sinh tham gia. Năm học 2017-2018 đến nay, áp dụng Chương trình TV1-CNGD thống nhất trong toàn tỉnh, số lượng học sinh tham gia 12.127 học sinh.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, kết quả dạy học môn tiếng Việt lớp 1 đảm bảo chất lượng, ổn định và phát triển (năm học 2017 - 2018 có 98,64% học sinh hoàn thành chương trình môn tiếng Việt). Chương trình đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức tiếng Việt một cách vững chắc, không tái mù, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, phần lớn học sinh đọc thông viết thạo.

“Học Chương trình TV1-CNGD, học sinh đã chủ động tham gia vào hoạt động học và tự tạo ra sản phẩm cho chính mình. Học Chương trình TV1-CNGD giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức ngữ âm cơ bản và hình thành các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tương ứng. Khi phát âm các em biết phân biệt được tiếng giống nhau, tiếng khác nhau và nắm chắc cấu trúc của Tiếng Việt gồm các bộ phận: Phần đầu, phần vần, thanh. Trên cơ sở đó, các em biết đánh vần một tiếng theo cơ chế hai bước… Học sinh ở Quảng Trị không khó khăn trong việc nắm chắc luật chính tả”, bà Thủy chia sẻ thêm.

Một số thành phố lớn lại nói “không”

Ngược lại với các tỉnh trên, tại TPHCM, Sở GD&ĐT thành phố thông tin sẽ không thí điểm áp dụng Chương trình TV1-CNGD tại các trường học trên địa bàn.

Với TP Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng cho biết, thành phố hiện đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông đại trà của Bộ GD&ĐT. Hiện tại, Đà Nẵng không có trường nào áp dụng thí điểm Chương trình TV1-CNGD. Ở địa phương ngoài áp dụng chương trình phổ thông đại trà, chỉ áp dụng thêm mô hình trường học mới (VNEN). Với mô hình VNEN đã bộc lộ một số hạn chế, nên Đà Nẵng thận trọng trong việc triển khai các chương trình thí điểm.

Liên quan đến chương trình dạy Tiếng Việt cho học sinh lớp 1, sáng 12/9, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu nêu câu hỏi về vấn đề đang được dư luận quan tâm đến Chương trình TV1-CNGD. Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Giáo dục dù tốt thì vẫn luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm. Nhưng Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách Chương trình dạy Tiếng Việt ít nhất trong vài năm tới. Việc tranh luận vừa qua về tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến. Đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách Tiếng Việt.

Được hình hành từ năm 1978 đến nay, Chương trình TV1-CNGD do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại khởi xướng đã trải qua 40 năm. Theo thống kê, năm học 2018 - 2019, cả nước có 49 tỉnh, thành triển khai dạy học môn TV1-CNGD với gần 800.000 học sinh. Khoảng gần 50% học sinh lớp 1 đang học sách của GS Hồ Ngọc Đại. Sau nhiều lần được nghiệm thu, Bộ GD&ĐT đã kết luận: Tài liệu TV1 - CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Sách Công nghệ giáo dục vì sao ồn ào?

Theo một chuyên gia ngôn ngữ, cách dạy đánh vần trong sách "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" dựa trên hệ thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Tranh cãi về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN