Ép luyện chữ sẽ làm chậm tư duy của trẻ

Việc bố mẹ, giáo viên ép các em nhỏ luyện chữ quá sức sẽ khiến trẻ chậm tư duy, khi viết các em chỉ chăm chăm vào nét bút chứ không tập trung vào nội dung. Mặt khác, việc luyện chữ đẹp quá lâu sẽ làm trẻ mỏi tay, thậm chí ảnh hưởng tới hệ thần kinh của các em.

Phụ huynh “kêu trời” khi trẻ học chữ

Chị Nguyễn Thị Linh (32 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang theo học lớp 1 ở trường tiểu học trên địa bàn. Chị Linh cho biết, con gái chị mới làm quen với việc học chữ nên nét chữ còn chưa đẹp. Đi đón con, chị thường xuyên bị cô giáo phàn nàn vì con mình viết chậm, chữ xấu. Để giúp con theo kịp các bạn trong lớp, mỗi tối chị phải ngồi hàng giờ kèm con luyện chữ.

“Tuy nhiên, lúc ngồi luyện chữ cùng con, tôi mới thấy bé gặp nhiều khó khăn, thử thách. Bé phải viết làm sao để căn đúng ô ly, rồi uốn lượn sao cho chữ đẹp mà vẫn nhìn rõ chữ. Điều đó đúng là phức tạp, quá sức đối với một đứa trẻ đang học lớp 1. Thương, xót con nhưng tôi cũng không còn cách nào khác”, chị Linh kể.

Theo chị Linh, con cái viết chữ đẹp là điều cha mẹ ai cũng mong muốn. Thế nhưng việc cô giáo, phụ huynh ép trẻ luyện chữ quá sức khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi, chán học. Chị không ủng hộ quan niệm “nét chữ nết người” bởi chị nghĩ rằng nét chữ nói lên tính cách con người chỉ là một phần nhỏ.

“Tôi đề xuất nên bỏ luyện chữ đối với học sinh tiểu học để giảm áp lực học tập, gánh nặng cho trẻ. Học sinh bây giờ đến trường viết chữ sao cho đủ nét, dễ đọc, trình bày sạch sẽ xem được là đủ. Đặc biệt, khi không phải dành thời gian cho việc luyện chữ, các em nhỏ có nhiều thời gian để vui chơi, học tập các kỹ năng khác hữu ích trong cuộc sống”, chị Linh bày tỏ.

Ép luyện chữ sẽ làm chậm tư duy của trẻ - 1

Việc ép các em nhỏ quá sức dễ gây tâm lý căng thẳng, chán nản ở trẻ (Ảnh minh họa: Đức Nguyễn)

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Hải Hà (34 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) có con đang theo học lớp 2 cho rằng luyện chữ viết đúng, viết rõ ràng cho trẻ là cần thiết, nhưng không vì thế mà bắt trẻ luyện chữ từ lớp 1. Anh kể, cậu con trai của anh ngày nào cũng được cô giáo giao nhiều bài tập về nhà. Những lúc như vậy, anh lại phải ngồi kèm cặp con vừa phải chú ý viết đúng ô ly, căn độ rộng, độ cao, khoảng cách chữ... đến toát cả mồ hôi.

“Vợ chồng tôi cả ngày vật lộn với công việc ở cơ quan, tối về lại phải kèm con tập viết. Nhiều khi hai cha con ngồi cả tiếng đồng hồ luyện chữ nhưng con viết mãi vẫn sai, nét chữ nguệch ngoạc. Nghĩ lại thì tôi thấy việc giao cho trẻ bài tập luyện chữ khi về nhà đúng là gánh nặng, mệt mỏi cho cả trẻ và gia đình”, anh Hà nói.

Theo anh Hà, giờ là thời buổi của công nghệ, máy tính, máy in phát triển rất mạnh mẽ, cha mẹ, thầy cô cũng không nên quan trọng quá nhiều vào nét chữ của các con. Nếu trẻ bị áp lực quá lớn về học tập thì chỉ khiến các em thêm ức chế, chán học. Đặc biệt, ở nhiều trường, thầy cô còn đưa các em nhỏ vào đội luyện chữ đẹp để đi dự thi. Điều này chỉ làm mất thời gian của các con, khiến các em vất vả hơn, mệt mỏi, thậm chí còn có nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực.

“Lợi ít, hậu quả lớn”

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay các trường có các tiết tập viết dành cho trẻ, phong trào viết chữ đẹp, thậm chí còn coi vở sạch chữ đẹp như một tiêu chí để đánh giá học sinh. Những quy định, yêu cầu khắt khe đó đã dẫn tới việc học sinh quá tải trong việc luyện chữ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em.

Ép luyện chữ sẽ làm chậm tư duy của trẻ - 2

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Khi cha mẹ, giáo viên ép học sinh luyện chữ quá sức sẽ làm cho trẻ chậm tư duy, khi viết các em tập trung vào nét bút chứ không tập trung vào nội dung.

“Như vậy, khi cô giáo cho học sinh viết một câu văn mà học sinh quá chú trọng vào nét chữ mà không hiểu nội dung, ý nghĩa của câu văn đó thì lại thành dở. Mặt khác, tư duy của các em chậm phát triển, không linh hoạt chỉ vì dành quá nhiều thời gian nghĩ đến việc viết chữ sao cho đẹp”, ông Hợp nói.

Ở độ tuổi lớp 1, 2, hệ cơ xương của trẻ chưa hoàn thiện, do vậy việc luyện chữ quá lâu sẽ làm mỏi tay, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Đặc biệt, khi đứa trẻ luyện chữ đẹp không thành công dễ khiến các em phản ứng lại giáo viên, bố mẹ. Có thể những phản ứng của em nhỏ bộc lộ ra ngoài, cũng có thể không. Nhưng từ cái đó sẽ gây ra một tâm lý căng thẳng, sợ học ở trẻ.

Hệ lụy của việc ép trẻ luyện chữ đẹp cũng ảnh hưởng xấu đến nền giáo dục toàn diện, bởi ở những thời điểm “gay cấn” của phong trào thi đua trong lớp học, các cô giáo phải cắt bỏ môn học khác và dành thời gian cho việc luyện chữ đẹp. Như vậy, khi có một sức ép từ trên xuống thì các em học sinh cũng phải chịu sức ép theo trong việc luyện chữ, tạo ra tâm lý mệt mỏi, chán nản.

PGS Hợp kể, các chuyên gia nước Úc, Đức sang làm việc tại Việt Nam nói rằng ở bên họ không có ép học sinh phải viết chữ đẹp mà chỉ yêu cầu các em phải viết đủ nét, sạch sẽ, bản thân họ đọc được và người khác cũng đọc được. Hay như một số người Việt Nam làm việc một thời gian dài ở nước Canada, sau khi về Việt Nam kể lại rằng bên đó cũng không yêu cầu học sinh phải viết chữ đẹp, chỉ yêu cầu viết rõ ràng, đủ nét, đúng chính tả, dễ đọc.

Ông Hợp cho hay, nguyên nhân của việc ép học sinh viết chữ đẹp xuất phát từ quan niệm, truyền thống của ông cha ta là chữ phải đẹp. Hơn nữa, bản chất của cái đẹp là phạm trù vĩnh cửu mà ai cũng mong muốn vươn tới. Đôi khi họ muốn thể hiện mình hoặc khoe khoang với thiên hạ là ta viết chữ đẹp. Đến các cấp quản lý và phụ huynh không nhận thức được hậu quả, ép học sinh viết chữ đẹp cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN