Ép con học chữ sớm là sai lầm

Sự kiện: Giáo dục

Các chuyên gia cho rằng, trẻ từ 0-6 tuổi là giai đoạn vàng đề giáo dục sớm, nhưng thông qua các hoạt động vui chơi để trẻ tiếp nhận kiến thức, kỹ năng; đổ xô cho con đi học trước, luyện chữ là sai lầm.

Trẻ mẫu giáo Trường mầm non Thực hành Linh Ðàm (Hà Nội) trong một giờ học làm món mỳ Ý

Trẻ mẫu giáo Trường mầm non Thực hành Linh Ðàm (Hà Nội) trong một giờ học làm món mỳ Ý

Ngày 28/12, Trường ĐH Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về giáo dục sớm trong thời đại công nghệ. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không nên ép con học chữ, luyện viết khi trẻ dưới 6 tuổi.

Dạy học qua các hoạt động

GS. TS Yoshiko Fujita (Trường ĐH Shukutoku, Nhật Bản) cho rằng, nhiều kỹ năng quan trọng để thành công trong thế kỷ 21 không dễ dàng được dạy trong các lớp học. “Thật khó để dạy trẻ hợp tác theo cách truyền thống nhưng áp dụng hoạt động học thông qua chơi có thể đạt hiệu quả như mong muốn”, bà nói.

Bà giới thiệu một giờ học bằng hình thức kịch vải sân khấu hóa cho trẻ mẫu giáo. Người Nhật sử dụng vải dạ có độ bám dính tốt để cắt, vẽ, dán thành những hình, nhân vật ngộ nghĩnh, có hiệu ứng 3D. Bộ giáo cụ của giờ học cho trẻ mầm non chính là củ cà rốt, dâu tây, sô cola, sữa, cốc, ống hút, máy xay sinh tố… bằng vải.

Cô giáo giới thiệu từng sản phẩm màu sắc, cách chế tạo một cốc sinh tố…bằng bài hát vui nhộn và cho ra sản phẩm là cốc sinh tố đã xay bằng tranh. Lật giở mặt bên này là một cốc dâu đầy, cô giả vờ nâng ly, nhanh chóng lật mặt trái là cái cốc đã trống rỗng khiến trẻ thích thú.

Bà Fujita nói, thay vì tiếp nhận kiến thức một cách khô khan, thông qua các hoạt động chơi vui như vậy, trẻ được biết về các loại quả, cách pha chế đồ uống, giáo dục tình cảm gia đình, làm quen với tiếng Anh, hướng dẫn chăm sóc động vật, cây cối… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển nhận thức, tình cảm, kỹ năng, cảm xúc, sáng tạo và cả sự hiểu biết.

Không nên ép trái non chín sớm

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói, hiện nay, một số phụ huynh vì mong con có những tài năng đặc biệt từ nhỏ nên có hành động thúc đẩy “trái non chín ép” một cách thái quá. Nhiều gia đình đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước. Điều này khiến cho trẻ gặp nhiều áp lực và đôi khi không những không phát triển mà còn làm mất đi cảm xúc của trẻ, tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ.

TS Nam cho rằng, hơn ai hết, phụ huynh cần được hiểu một cách tường tận về về giáo dục sớm. Trong đó, cha mẹ chính là người đầu tiên tác động đến trẻ. Do đó, dạy trẻ thông qua các việc như tổ chức một số hoạt động trải nghiệm gắn với cuộc sống của trẻ có định hướng giáo dục cụ thể. Cha mẹ dạy con quả bóng, cần có quả bóng thật, đá được và cho trẻ cảm nhận bằng các giác quan.

Học thông qua chơi góp phần phát triển kĩ năng xã hội, hiểu rõ các mối quan hệ bạn bè với nhau, phát triển kĩ năng cảm xúc của trẻ.

PGS TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, nói rằng, từ thai nhi đến 6 tuổi, bộ não của trẻ rất phát triển nên nếu không có hoạt động giáo dục trong giai đoạn này sẽ bỏ phí. Giai đoạn 0-3 tuổi, não phát triển tốc độ nhanh (giai đoạn vàng), nhưng tiếc là hiện nay các trường học mầm non không đủ chỗ để tuyển sinh trẻ và có chương trình giáo dục sớm hợp lý, ông nói. 

PGS Kỳ Anh cho rằng, để trẻ có môi trường tốt phát triển, cần có cả tình thương, sự theo sát của gia đình, trường học. Ông khuyến nghị, phụ huynh không nên ép trẻ học chữ, hay theo các lớp học ngôn ngữ sớm. Thực tế, hiện nay, một số phụ huynh có quan niệm sai lầm là giáo dục sớm là để con giỏi nổi bật. Không nên cho trẻ đi học đọc, tập viết, luyện chữ để đọc thông viết thạo.

“Tay của trẻ có khả năng vận động thô và vận động tinh. Nếu chưa đủ tuổi, rèn luyện thô chưa vững, phụ huynh ép con luyện tinh là sai phương pháp dễ dẫn đến trầm cảm. Chưa kể, mong con nổi trội trong lớp, nhiều phụ huynh ép con đi học thêm luyện đủ thứ quá sức dần dần con chán nản, trầm cảm và điều này sẽ hủy hoại tế bào thần kinh của trẻ”, ông nói.

Vì sao trẻ không nghe lời?

Trong một giai đoạn nào đó, con bạn bỗng nhiên không nghe lời, phản kháng với mọi đề nghị của cha mẹ. Sự "đối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN