Đừng xem nhẹ hành vi bắt nạt ở học đường

Sự kiện: Giáo dục

Bạo lực học đường đang là vấn đề đáng lưu tâm nên rất cần những biện pháp cấp bách và lâu dài để ngăn chặn

Trên các diễn đàn mạng xã hội trong những ngày qua khá ồn ào về chuyện bài thơ có tựa đề "Bắt nạt" được đưa vào sách giáo khoa lớp 6.

Chuyện của mỗi nhà

Bài thơ trên bị chỉ trích là không hay, không đáng đưa vô sách giáo khoa… Thế nhưng, những người tham gia tranh luận hầu như cố tình quên đây là bài thơ cho học sinh nhỏ tuổi và mục tiêu lớn nhất là mang lại bài học về thái độ với bạn bè cho các cháu ở trường.

Bắt nạt ở học đường là vấn đề nghiêm trọng chứ không còn bị khuất lấp và xem nhẹ như những thập kỷ trước, khi mà đến trường là mục tiêu lớn nhất có thể khỏa lấp những cảm xúc khác. Những ai từng đến trường đều ít nhiều đã trải qua cảm giác này. Nỗi sợ hãi, khuất nhục, thậm chí là tổn thương tâm lý đeo đuổi người bị bắt nạt đến lớn và thường nạn nhân sẽ nhớ như in thủ phạm. 

Ở bậc cha mẹ, nỗi lo lớn nhất khi đưa con đến trường chính là không biết con mình có bị bạn bè bắt nạt hay không, có bị tổn thương hay không. Tuổi nhỏ, các con thường khó nói về vấn đề này, đồng thời nỗi sợ hãi làm các con giấu luôn cả cha mẹ.

Ở lứa tuổi còn quá nhỏ, nhắc nhở hoặc hướng dẫn cho các em về vấn đề này một cách nhẹ nhàng là rất cần thiết nên được thể hiện qua một bài thơ như đồng dao, dễ đọc, dễ nhớ là cách làm tốt nhất. Trong tình hình hiện nay cũng khó tìm đâu thấy một bài thơ cho môn văn học nói về vấn đề bắt nạt bạn bè ở lứa tuổi nhỏ.

Khẩu hiệu dễ thấy nhất ở tất cả trường học chính là "mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Đây cũng là mục tiêu của ngành giáo dục đang hướng tới. Không gian trường học được xây dựng thân thiện, chương trình mở nhẹ nhàng, tôn trọng sự giao thoa, cá nhân và quan trọng là tinh thần của từng học sinh phải thật sự thoải mái để tiếp thu kiến thức. Trong môi trường này chắc chắn không có chỗ cho sự bắt nạt nên bài học về chủ đề trên luôn được xem trọng.

Hãy để con trẻ được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP HCM) vui vẻ, hòa đồng khi chia nhóm thảo luận. Ảnh: TẤN THẠNH

Hãy để con trẻ được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP HCM) vui vẻ, hòa đồng khi chia nhóm thảo luận. Ảnh: TẤN THẠNH

Hậu quả khó lường

Không thể xem nhẹ chuyện bắt nạt ở trường, bởi đây là hành vi đáng phê phán, nếu không kịp uốn nắn thì những bước phía trước chính là bạo lực học đường.

Vừa qua, một phụ huynh ở Đắk Lắk cho biết con trai của mình bỏ nhà đi lang thang vì sợ hãi khi bị bạn bè ăn hiếp, đe dọa suốt ngày ở trường. Đọc ghi chép của con, phụ huynh hốt hoảng khi em viết định tự tử cả chục lần do bị bạn bè bắt nạt. Vụ việc được đưa đến ban giám hiệu của trường học nhưng thay vì cầu thị tiếp nhận thông tin thì ban giám hiệu cũng nổi nóng đòi… kiện phụ huynh vì "bôi xấu trường". Không còn cách nào khác, phụ huynh đành cho con chuyển trường. Trường hợp này là một sự thất bại trong giáo dục.

Vụ việc đau lòng hơn, vào giữa tháng 4-2023, một học sinh lớp 10 ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) báo với gia đình bị bạo lực học đường, chán nản muốn nghỉ học. Gia đình vội báo với nhà trường xin chuyển con sang học trường khác. Nhà trường lần lữa chưa duyệt hồ sơ thì em đã bức xúc tự tử.

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì (số liệu báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố), trong 5 năm (từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022), tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624, với 7.209 đối tượng có liên quan. 

Đây là số liệu được báo cáo, còn thực tế việc phát hiện và khuyến khích học sinh mạnh dạn tố cáo rất khó khăn nên số vụ sẽ lớn hơn nhiều. Không được phát hiện, xử lý kịp thời thì hậu quả của việc này sẽ khó lường và những bi kịch vừa qua đã minh họa đầy đủ.

Vấn đề bạo lực học đường đã được quan tâm ở tầm quốc gia và từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định 5886 ban hành chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường ở các cấp học. Một hình ảnh ở cấp tiểu học, một bài thơ ở phổ thông cơ sở... để các cháu nhận thức về hành vi đối với bè nên được khuyến khích hơn là mổ xẻ nó mà không cần nhìn hậu quả. 

Nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt: Vì sao giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát dễ dàng như vậy?

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một nữ sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh tự tử do bị đánh, ngược đãi và áp đảo tâm lý. Vụ việc này nhận được rất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Phong ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN