Dừng tuyển sinh 207 ngành học

Nhiều ngành “đắt giá” của các trường ĐH tốp trên cũng nằm trong danh sách bị dừng tuyển sinh năm 2014, như ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM…

Trong tổng số 207 ngành của 71 trường ĐH bị dừng tuyển sinh năm 2014 theo danh sách Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố, đáng ngạc nhiên nhất là ĐHQG TP HCM. ĐH này có 4 ngành nằm trong danh sách là hải dương học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM), ngôn ngữ Tây Ban Nha, Hán Nôm và ngôn ngữ Ý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Ngành truyền thống cũng bị dừng

Trường ĐH Y Dược TP HCM có 3 ngành bị dừng tuyển sinh là kỹ thuật y học (hình ảnh), kỹ thuật phục hình răng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Trường ĐH Tài chính - Marketing bị dừng 2 ngành là quản trị khách sạn và kế toán. Trường ĐH Sài Gòn có 5 ngành nằm trong danh sách là sư phạm mỹ thuật, thanh nhạc, kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và khoa học thư viện.

Dừng tuyển sinh 207 ngành học - 1

Sinh viên dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn Ảnh: Tấn Thạnh

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bị dừng tuyển sinh 5 ngành: Kinh tế gia đình, thiết kế thời trang, kỹ thuật công nghiệp, kế toán và công nghệ may. Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM bị dừng tuyển sinh ngành điêu khắc, thiết kế đồ họa, đồ họa, lý luận - lịch sử và phê bình mỹ thuật. Trường ĐH Kiến trúc TP HCM không được tuyển sinh 2 ngành thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa…

Như vậy, rất nhiều ngành bị dừng tuyển sinh là các ngành truyền thống, thế mạnh của các trường được đào tạo từ nhiều năm nay. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cảnh báo gần 300 ngành đào tạo CĐ không đủ điều kiện về đội ngũ, cần thiết phải bổ sung trong năm 2014, nếu không sẽ bị dừng tuyển sinh.

Nguyên nhân các ngành bị đình chỉ tuyển sinh là do không đủ điều kiện giảng viên cơ hữu. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để được mở ngành, các trường đào tạo ĐH phải có ít nhất 1 giảng viên trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, theo danh sách mà Bộ GD-ĐT liệt kê, hầu hết các ngành bị dừng đều không có tiến sĩ, số thạc sĩ cũng rất hiếm hoi, thậm chí nhiều ngành bỏ trống thông tin về giảng viên.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc dừng tuyển sinh và cảnh báo của bộ đối với các trường nhằm giúp điều chỉnh, bổ sung đội ngũ cho phù hợp quy định, bảo đảm cho sinh viên được học một cách có chất lượng các chương trình đào tạo ĐH. Riêng sinh viên đã trúng tuyển và đang học tập ở các ngành bị dừng tuyển sinh vẫn sẽ tiếp tục được đào tạo theo quy định tại quy chế đào tạo hiện hành.

Ngạc nhiên vì “rất lạ”

Thông tin gây sốc mà Bộ GD-ĐT công bố trước kỳ thi ĐH-CĐ 2014 đã khiến đại diện nhiều trường hết sức ngạc nhiên.

TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH - ĐHQG TP HCM, cho rằng có lẽ thông tin bộ công bố chỉ mang tính chất cảnh báo. Hiện ĐH này cũng chưa rõ lý do vì sao lại có danh sách các ngành bị đình chỉ như trên.

Theo TS Chính, có lẽ trong quá trình đăng ký chỉ tiêu, các trường chưa chú trọng thông tin giảng viên của ngành học nên dẫn đến sự việc trên. Do đó, các trường của ĐHQG TP HCM có trong danh sách sẽ bổ sung thông tin chính xác về lực lượng giảng viên hiện có để gửi bộ. TS Chính tin rằng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHQG TP HCM sẽ không bị ảnh hưởng bởi cảnh báo của bộ.

TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cũng tỏ ra ngạc nhiên về danh sách nêu trên. Theo TS Quang, hải dương học là ngành đào tạo truyền thống của trường. Ngành học này có đào tạo cả lĩnh vực khí tượng thủy văn. Đây là ngành học tuy nhu cầu đào tạo không lớn nhưng trường không thể tuyển sinh quá ít vì sẽ khiến thí sinh ngán ngại nên vẫn tuyển mỗi năm 100 chỉ tiêu. Ngành học này trước đây là chuyên ngành thuộc khoa vật lý nên chắc chắn điều kiện về giảng viên phải bảo đảm mới được đào tạo nhiều năm nay.

ThS Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết ông rất “lạ” trước thông báo của Bộ GD-ĐT. Theo ông Tuấn, kế toán là ngành mà trường đào tạo hàng chục năm nay, từ khi thành lập. Riêng ngành quản trị khách sạn đào tạo từ năm 2011, hiện đã có 2 tiến sĩ.

“Khi trường mở ngành học, Bộ GD-ĐT đã thẩm định các điều kiện, trong đó có điều kiện về giảng viên. Việc bộ công bố danh sách dừng tuyển sinh khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu vì sao” - ông Tuấn băn khoăn.

Theo ông Tuấn, công bố của Bộ GD-ĐT chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thí sinh. Thời gian qua, có rất nhiều thí sinh quan tâm đến các ngành học này. Do đó, trong ngày 27-1, trường sẽ liên lạc với Bộ GD-ĐT để hỏi rõ nguyên nhân dẫn đến việc các ngành học bị dừng tuyển sinh. 

Xử lý riêng

Theo Bộ GD-ĐT, một số ngành chưa đáp ứng điều kiện đã nêu trong danh sách nhưng thuộc diện đặc biệt sẽ được xử lý riêng gồm: các ngành thuộc những cơ sở đào tạo ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; các ngành thuộc nhóm ngoại ngữ, nghệ thuật và có từ 5 giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ trở lên; các ngành có đội ngũ giảng viên cơ hữu, gồm 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ hoặc 1 phó giáo sư và 1 thạc sĩ.

Đối với các ngành nêu trên, cơ sở đào tạo được tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo thẩm quyền quy định tại quy chế đào tạo. Đồng thời, cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu; khi đủ điều kiện, chậm nhất trước ngày 31/12/2015, báo cáo bộ để được chính thức đào tạo. Sau ngày 31/12/2015, các trường không báo cáo sẽ phải dừng tuyển sinh và bị thu hồi quyết định mở ngành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Thùy (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN