Đừng “trèo cao” khi chọn ngành thi ĐH
Kỳ thi ĐH, CĐ đang đến gần, việc xác định ngành, nghề phù hợp với các thí sinh là vô cùng quan trọng. Chọn đúng ngành, đúng nghề nghĩa là lựa chọn đúng tương lai của mình. Do vậy, trước khi đặt bút ghi danh chọn ngành, chọn nghề các thí sinh nên cân nhắc, suy nghĩ thật kĩ càng.
Hiện nay, đại bộ phận phụ huynh và học sinh vẫn có quan niệm học đại học là con đường duy nhất để thành công, họ đều nghĩ rằng nếu không có tấm bằng đại học trong tay rất khó tìm được một công việc tốt trong tương lai. Rất nhiều người trong số đó biết rằng còn rất nhiều con đường khác để vào đời, nhưng rồi chẳng ai dám tự tin đi những con đường khác, tất cả đều lao vào một con đường duy nhất: Học để vào đại học, bất kể là đại học gì, ngành nghề gì, cứ ra trường rồi sẽ tính tiếp. Những con số hàng nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp hằng năm khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường ĐH chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ; 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau... Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.
Nghề nghiệp hiện nay rất nhiều và đa dạng, nên sáng suốt lựa chọn, giảng đường đại học không hẳn là "con đường trải hoa hồng" để tới thành công. |
Chính vì vậy các thí sinh nên dựa vào sức học của bản thân và kinh tế của gia đình để lựa chọn ngành, nghề phù hợp chứ không nên ảo tưởng lao theo cái "mác" đại học mặc dù khả năng của mình hạn chế. Khi chọn trường, nhiều thí sinh không tìm hiểu kỹ càng đến khi vào đại học, học mông lung quá, dẫn đến chán nản. Hay bên cạnh đó, một lượng lớn sinh viên do không thực sự yêu thích công việc mình đang theo học nhưng đã lựa chọn vì chiều theo ý gia đình hay đơn giản vì học ngành hợp "mốt" dẫn đến sự "vỡ mộng" ngay sau khi rời khỏi giảng đường đại học.
Các thí sinh nên dựa vào sức học của bản thân và kinh tế của gia đình để lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Ảnh: DN
Mỗi ngành nghề đều cần có tố chất căn bản để hoàn thành tốt công việc, các thí sinh hãy chú ý đến những yêu cầu đó để tránh sai lầm khi chọn nghề, chọn ngành.
Chuyên gia Quang Dương - nguyên Chủ nhiệm Ban Tâm lý học- Viện nghiên cứu Giáo dục- Đào tạo Phía Nam đưa ra thực trạng: Nhiều em học sinh chọn trường, ngành theo sở thích chứ chưa xác định được ngành đó có phù hợp với mình hay không. Không chỉ thế, có nhiều em học sinh chỉ nghĩ đến trường nào “hot” nhất thì đăng ký chứ không tính đến chọn nghề. "Các em nên nhớ rằng, sở thích dễ thay đổi tùy hứng, tùy thời, tùy tâm trạng..., sở thích chưa hẳn là sở trường. Cũng có nghĩa là nghề mà ta thích chưa hẳn là nghề mà ta sẽ học được và làm được. Các em nên chọn nghề phù hợp với bản thân sau đó hãy nghĩ đến chọn trường nào đào tạo tốt và chất lượng"- Vị chuyên gia khuyên nhủ.
Nói về vấn đề chọn ngành của thí sinh, ông Nguyễn Xuân Phong- Phó hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng: Chọn ngành là một việc khó và không có phương pháp duy nhất cho tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, trước khi quyết định, phụ huynh và sĩ tử nên tìm hiểu kỹ thông tin, trực tiếp lắng nghe ý kiến của sinh viên đang học ngành đó, không nên chỉ tham khảo bên ngoài.
Còn ông Nguyễn Tùng Lâm- Phó giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ giáo dục Thanh thiếu niên Việt Nam- Trung ương hội Khuyến học Việt Nam lại cho rằng, các bạn trẻ nên chọn trường và ngành học theo sở thích của bản thân bởi chỉ khi có đam mê, mới có thể "nuốt trôi" quãng thời gian đại học. Sau khi ra trường, công việc đúng sở thích sẽ giúp bạn trẻ dễ phát triển hơn. Ngược lại chẳng may vấp phải sai lầm khi chọn ngành, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em mà còn gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Do vậy, nhiều chuyên gia giáo dục đã đưa ra cảnh báo: Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành, tránh rơi vào thảm cảnh thất nghiệp khi ra trường, phải làm trái ngành, hay đau xót hơn là một bộ phận không nhỏ cử nhân tốt nghiệp đại học phải đi bán trà đá, nộp hồ sơ làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.