Dùng thước đánh học sinh, cô giáo bị đề nghị kỷ luật: Đáng thương hay đáng trách?
“Nhiều giáo viên tâm sự thấy mình đang làm việc như một con robot và các em học sinh cũng không khác gì những con robot mà các cô lập trình bằng những bài giảng đồng phục. Và khi những áp lực trở nên quá mức, không thể kiểm soát, có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn của giáo viên”.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) có tờ trình gửi UBND huyện đề nghị xử lý kỷ luật một nữ giáo viên của Trường Tiểu học Thị trấn Vũng Liêm vì vi phạm đạo đức nhà giáo, điều lệ trường tiểu học, quy tắc ứng xử trường học.
Trước đó, ngày 7/12, trong giờ làm bài tập toán của lớp 5/4, Trường Tiểu học Thị trấn Vũng Liêm, cô P.T.L. gọi học sinh N.X.H. lên bảng làm bài tập. Cô L. hướng dẫn cách làm bài cẩn thận nhưng H. vẫn không làm được.
Trong lúc nóng giận, không kiềm chế được nên cô L. đã dùng thước đánh vào mông em H. một roi, tiếp tục hướng dẫn lại nhưng H. vẫn làm sai. Cô L. tiếp tục đánh thêm một roi nữa, sau đó tiếp tục hướng dẫn nhưng em H. vẫn làm sai…
Đến chiều tối 10/12, gia đình phát hiện trên mông em H. có vết bầm nên rất bức xúc, truy hỏi giáo viên. Khoảng 6h35 ngày 11/12, cô L. gặp mẹ của H. để xin lỗi và nhận đã làm sai, mong gia đình bỏ qua.
Tại cuộc họp Hội đồng sư phạm về việc kiểm điểm giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo của Trường Tiểu học Thị trấn Vũng Liêm, cô L. trình bày: Nguyên nhân cũng vì do áp lực chất lượng học sinh, mong muốn của phụ huynh học sinh, đến cuối học kỳ I mà một số học sinh chưa đạt kiến thức cơ bản, trong đó có em H… Vì thế, bản thân không kiềm chế được cảm xúc, dẫn tới sự việc.
Về vấn đề này, cô giáo Đỗ Thùy Linh, Hà Nội cho rằng, giáo viên đưa ra nguyên nhân cũng vì áp lực chất lượng học sinh là có phần đúng.
Cô Linh chia sẻ, đúng là giờ có chuyện giáo viên phải đối diện với áp lực thành tích: “Đây là lỗi có phần của cả giáo viên khi không biết phản biện. Đúng là các vị hiệu trưởng có giao chỉ tiêu nhưng giáo viên có thể tùy vào tình hình để hạ chỉ tiêu mà.
“Tất nhiên với sếp hay áp đặt chỉ tiêu, nếu giáo viên có chính kiến thì rất khổ bởi chỉ tiêu đưa ra giáo viên cứ thế mà phải cố, phải bơi ra”- cô Linh chia sẻ.
"Có quá nhiều áp lực đặt lên người giáo viên. Áp lực phải làm tốt công việc, áp lực phải đảm bảo kế hoạch dạy học, kế hoạch thi đua mà nhà trường đã giao. Áp lực từ gia đình học sinh, những người thân luôn coi trọng, nâng niu con cái của họ, trong khi ở lớp có thể con cái họ lại là những cô cậu học trò ương bướng khó bảo. Áp lực từ những quan niệm của xã hội về nghề giáo, là cô giáo thì phải đứng đắn, chỉn chu, nghề giáo là nghề cao quý thì phải làm sao cho xứng đáng..." - cô Thu Hương, giáo viên bậc THPT tại Hà Tĩnh, trải lòng về những áp lực mà cô và các đồng nghiệp phải đối mặt mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo cô Đỗ Thùy Linh dù nguyên nhân là do áp lực nhưng giáo viên không vì thế mà dùng thước kẻ đánh học sinh. Việc đánh học sinh như vậy là không được phép.
“Điều này chứng tỏ giáo viên không điều tiết được cảm xúc dẫn đến hành động không chuẩn mực như trên”- giáo viên này chia sẻ.
“Giáo viên làm việc như một con robot”
Tiến sĩ tâm lý Trần Thanh Nam cho hay, nhiều giáo viên tâm sự với ông rằng họ đang làm việc như một con robot và các em học sinh cũng không khác gì những con robot mà các cô lập trình bằng những bài giảng đồng phục. Chính giáo viên cũng đang bất lực trước sự thay đổi quá nhanh của kỳ vọng xã hội, của tâm lý học sinh. Họ muốn được hỗ trợ để có thể tìm lại khao khát làm nghề đã từng là động cơ khiến họ lựa chọn nghề giáo trước đây.
Ông Nam thông tin thêm, những số liệu thống kê cho thấy giáo viên đang ngày càng phải làm việc với số giờ nhiều hơn, gặp rắc rối trong thu xếp vì công việc chồng lấn và quá tải, họ cảm thấy hoang mang và bất lực vì những phương pháp kỷ luật truyền thống không thể dùng nhưng cũng chưa thành thạo phương pháp kỷ luật tích cực.
Cũng theo ông Nam, thực tế, giáo viên cũng căng thẳng hơn trước rất nhiều các kỳ cuộc kiểm tra đánh giá. Những cuộc kiểm tra đánh giá căng thẳng này chưa chắc đã giúp người học tiến bộ hơn, chưa chắc đã đo đúng được năng lực của người học, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người học và thậm chí các cuộc kiểm tra đánh giá còn đang gây ra tâm lý chống đối giáo viên từ người học.
Mặt khác, ông Nam phân tích, giáo viên hiện tại đang đứng trong một mâu thuẫn. Một là cần tôn trọng và phát huy những điểm mạnh rất cá nhân hóa của học sinh, mỗi em có một nhịp độ học tập các môn khác nhau.
Nhưng giáo viên cũng phải đối diện với áp lực thành tích. Những yêu cầu của chương trình mới hiện nay còn cao hơn yêu cầu của chương trình cũ. Nhiều giáo viên sau khi được tập huấn theo chương trình mới thấy rằng không thể dạy học sinh đạt được các tiêu chuẩn trên nên thậm chí soạn bài theo chương trình mới nhưng lại lén dạy theo chương trình cũ. Làm tăng gấp nhiều lần sự chuẩn bị cho bài giảng và dẫn đến giáo viên vẫn sử dụng cách dạy theo tiếp cận nội dung, vừa áp lực cho giáo viên vừa áp lực cho học sinh
“Và khi những áp lực trở nên quá mức, không thể kiểm soát, có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn của giáo viên”- ông Nam khẳng định.
Bài phát biểu của người bố có con trai học kém nhất lớp đã khơi dậy một cuộc thảo luận sôi nổi về phương pháp nuôi dạy con cái.
Nguồn: [Link nguồn]