Đừng thắc mắc tại sao con mình ngày càng ù lì, tự ti nếu bố mẹ thường xuyên làm 4 điều này
Những biểu hiện tiêu cực của con cái không tự nhiên mà có, phần lớn đều bắt nguồn từ cách dạy dỗ của bố mẹ.
1. So sánh với con của người khác
Hầu hết đứa trẻ đều ghét việc bố mẹ so sánh mình với người khác. Chúng tự hỏi rằng, tại sao bố mẹ không bao giờ nhìn thấy sự cố gắng của mình. Trong khi đó, bố mẹ vẫn liên tục nhấn mạnh rằng, họ làm như vậy là muốn tốt cho con cái, có áp lực mới tiến bộ được.
Rất nhiều bố mẹ muốn kích thích tinh thần chiến đấu của con cái bằng cách so sánh chúng với con nhà người khác. Thế nhưng, kết quả lại khiến con mình bị tổn thương và ghét bố mẹ.
Nhà tâm lý học Alfred Adler nói: “Muốn con cái tiến bộ nhưng dùng cách so sánh với con nhà người khác chỉ khiến trẻ dần mất tự tin và bị tổn thương thêm”.
Việc thường xuyên so sánh với những đứa trẻ khác sẽ khiến bố mẹ quên đi những ưu điểm của con mình. Hơn nữa, họ còn đổ lỗi do con cái làm không tốt, điều này càng khiến đứa trẻ tự ti và trở nên nổi loạn.
2. Phớt lờ cảm xúc của trẻ
Con cái đi học về, vui vẻ muốn kể chuyện ở trường nhưng bạn nói rằng, mình đang rất mệt vì công việc, muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi.
Con cái bị bắt nạt ở trường, về nhà buồn bã nhưng bạn không hỏi tại sao, chỉ trách trẻ nghịch ngợm.
Con cái đứng nhất lớp, phấn khích muốn chia sẻ niềm vui này với bố mẹ nhưng không được khen ngợi, ngược lại còn bị dội cho “gáo nước lạnh”.
Bố mẹ thờ ơ với cảm xúc của con cái là một dạng gây tổn thương tinh thần vô hình, nó còn tàn nhẫn hơn cả bạo lực.
Trong cuốn sách “Những đứa trẻ bị mắc kẹt” của tác giả Kanae Minato có một đoạn ghi: “Bất kỳ bố mẹ nào trên thế giới này cũng đã từng mắc những sai lầm trong cách giáo dục, khiến con cái thất vọng. Thế nhưng, điều nguy hại thực sự chính là những ông bố bà mẹ bỏ bê và phớt lờ trước nhu cầu tình cảm của con cái đang lớn”.
3. Gắn nhãn cho trẻ
Jane Elliott, một giáo viên tiểu học ở Mỹ đã từng làm một thí nghiệm kinh điển, cô chia những đứa trẻ trong lớp thành 2 nhóm: Mắt Nâu và Mắt Xanh.
Cô nói: “Mắt Nâu là những đứa trẻ ngoan, Mắt Xanh là những đứa trẻ hư hỏng”.
Những đứa trẻ Mắt Nâu lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, ngoan ngoãn, thích ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp học. Trong khi đó Mắt Xanh ù lì, nghịch phá, thường ngồi ở hàng ghế cuối lớp. Mắt Xanh ban đầu rất tức giận, buồn bã sau đó dần dần cảm thấy mình thật ngốc nghếch và tầm thường. Một số đứa trẻ Mắt Xanh ngoan ngoãn đột nhiên trở nên nghịch ngợm và hay đổ lỗi.
Vài ngày sau đó, Elliott thay đổi "nhãn hiệu", nói rằng mình đã mắc sai lầm, đứa trẻ Mắt Xanh thông minh hơn đứa trẻ Mắt Nâu, các phương pháp giáo dục cũng được thay đổi.
Không ngờ, tính khí của những đứa trẻ bị đảo ngược một cách kỳ diệu. Những đứa trẻ Mắt Nâu bỗng cảm thấy vô cùng chán nản và tự ti. Ngược lại, Mắt Xanh trở nên hạnh phúc, nghĩ mình cũng thông minh và vui vẻ trở lại.
Đây là sức mạnh của nhãn dán.
Về mặt tâm lý, hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng nhãn”, một khi con người bị dán nhãn cho một loại nhãn nào đó, dù tốt hay xấu, áp lực xã hội và tâm lý mà nó mang lại sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và đánh giá nhân cách của người đó.
Nhãn dán mang lại những hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, ảnh hưởng đến sự nhận thức về bản thân của trẻ.
Nhà tâm lý học người Mỹ Howard Becker tin rằng: “Một khi người ta bị dán nhãn nào đó, họ sẽ trở nên giống với cái nhãn bị gắn”.
Trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, ở mỗi giai đoạn trẻ thay đổi, bố mẹ đừng bao giờ gắn một cái nhãn để mặc định con mình như thế.
4. Đưa ra những lời hứa suông
Trong cuộc sống, bố mẹ thường đưa ra những lời hứa hấp dẫn để dỗ dành con nhưng cuối cùng họ lại từ chối vì nhiều lý do như bận rộn, món đồ chơi này không thích hợp với độ tuổi…
Việc đưa ra những lời hứa là cách của một số bố mẹ muốn dỗ dành con cái khẩn cấp. Họ không biết rằng, trẻ rất kỳ vọng và tin tưởng vào lời nói của bố mẹ. Đến khi con cái phát hiện ra mình đã bị bố mẹ lừa dối, chúng cảm thấy thất vọng rất nhiều, mất niềm tin vào bố mẹ.
Bố mẹ là những người thân thiết và đáng tin cậy nhất trong mắt con cái. Vì vậy, bố mẹ đừng bao giờ để lời nói dối của mình đánh mất niềm tin của con cái.
Nhà văn Lỗ Tấn cho rằng: “Giáo dục là hiểu biết, thế giới của trẻ em hoàn toàn khác với người lớn. Nếu bố mẹ không có sự hiểu biết, cố chấp làm theo ý mình sẽ cản trở rất lớn đối với sự phát triển của trẻ. Giáo dục là kim chỉ nam, nếu làm tốt sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một đứa trẻ”.
Bố mẹ là người thầy đầu tiên và tốt nhất của con cái, ảnh hưởng của lời nói và việc làm của bố mẹ đối với con cái rất sâu rộng và ngoài sức tưởng tượng.
Nguồn: [Link nguồn]
Bạo lực hay mắng mỏ là cách giải quyết không nên, đặc biệt là với gia đình có con đang trong tuổi “nổi loạn”.