Dựng lều trọ học nơi biên giới

Vượt lên đói nghèo, hơn 160 học sinh xã vùng cao biên giới Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) dù dựng lều trọ học nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng đến trường học chữ.

Vượt núi, ngủ lều “nuôi”con chữ

Nằm giáp ranh với cụm Mường Bao (Sầm Tớ, Hủa Phăn-Lào), trường Phổ thông dân tộc bán trú Tam Thanh (Tam Thanh, Quan Sơn) có 199 học sinh đang theo học bán trú. Có tới hơn 100 em phải trọ học nhà người dân và 61 em đang phải sống trong cảnh thiếu thốn tại khu lều tạm ngay cạnh trường.

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Phạm Quang Huy, cho biết mô hình bán trú được thực hiện từ năm 2008, mọi sinh hoạt của các em phải tự túc, tự nấu ăn và tự lo tất cả các vấn đề khác cho chính mình. Đa số các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sự hỗ trợ của thầy cô không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt vật chất, tinh thần của bọn trẻ.

Dựng lều trọ học nơi biên giới - 1

9 năm đi học là 9 năm qua em Hà Thị Vân phải dựng lều trọ họ để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bà con nơi em sinh ra. Ảnh: ĐT

Nơi ở của các em rất tạm bợ, điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như chất lượng học. Các giáo viên luôn động viên các em cố gắng đến lớp, có kiến thức để thoát nghèo. Nơi gia đình các em ở đều xa trường tới 7km, đường đi phải băng qua đèo, dốc, sông suối, nằm sát với biên giới.

Em Vi Văn Tuệ học lớp 6, ở bản Pa cách trường gần 10km kể: “Trước đây, mỗi khi đến trường cháu và những bạn cùng bản phải dậy từ 3h sáng, nấu cơm cho bố mẹ, ăn xong thì đùm cơm mang đến trường để ăn trưa. Học xong thì 3h-4h chiều mới về đến nhà. Cháu mới lên đây ở được một tháng, một tuần cháu về nhà một lần lấy gạo, rau và muối vừng lên để ăn. Thời gian rảnh, các cháu xuống suối bắt cá, rồi đi lấy măng về làm canh”.

Dựng lều trọ học nơi biên giới - 2

  Bữa cơm với các em ở khu lều trọ học chỉ là rau và rau, may mắn lắm cả tuần cũng chỉ được vài miếng thịt lợn được bố mẹ gửi lên. Ảnh: ĐT

Còn với em Hà Thị Vân (học sinh lớp 9) ở bản Pa, một học sinh giỏi của trường, chuyện sống trong những ngôi lều tạm khá vất vả vì em đã lớn, nhiều vấn đề sinh hoạt khá bất tiện. Em nói: “Mỗi khi vệ sinh cá nhân cháu phải làm vào đêm khuya, vất vả lắm. Chúng cháu sợ nhất là trời mưa, vì cứ mưa là chiếu, chăn màn ướt hết, không học, cũng không ngủ được. Ai cũng phải đứng ôm sách vở cho khỏi ướt”.

Nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới các em

Thầy Huy cho biết: “Thấy cảnh các em ở nhà tạm, thầy cô thương lắm. Nhà trường đã nhiều lần tham mưu với địa phương quy hoạch mặt bằng, xây dựng các công trình nhà ở, bếp ăn cho học sinh. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo mô hình trường bán trú nên thầy và trò vẫn phải tiếp tục tự khắc phục”.

Dựng lều trọ học nơi biên giới - 3

Hai em Vi Văn Tuệ và em Hà Văn Trường ở bản Pa trong khu lều trọ học của trường. Ảnh: ĐT

Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ông Nguyễn Văn Đồng, nói: “Trên địa bàn huyện, một số xã vẫn chưa có nhà bán trú nên là một thiệt thòi lớn đối với các em học sinh khi phải sống xa nhà. Thế nhưng kinh phí của huyện miền núi còn eo hẹp nên phải cân đối rất khó khăn”.

Thực tế, hoàn cảnh sống quá thiếu thốn đã tác động không nhỏ đến việc nâng cáo chất lượng đào tạo, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu giảm dần khoảng cách giữa học sinh ở vùng xa với học sinh thị trấn. Nhu cầu đi học của các em là rất cao, việc chậm chễ trong việc hỗ trợ xây nhà tạm cho các em sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như chất lượng, khó quản lý học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trung (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN