Đừng dừng đột ngột việc trẻ xem ti vi, điện thoại, hay làm theo 9 cách này lấy lại sự tập trung cho con

Sự kiện: Dạy con

Việc giải quyết vấn đề mất tập trung ở trẻ cũng giống như việc cai nghiện ở người lớn.

Nguyễn Thị Ngọc Mai là một cô giáo dạy toán được nhiều học sinh theo học. Cô đã có những tiết lộ từ chính trải nghiệm của mình khi đi tìm hiểu bản chất của việc học sinh bị mất tập trung, sau khi dành riêng 3 ngày sống như một đứa trẻ hiện đại: xem tivi, xem điện thoại như một thói quen khó bỏ. Để rồi kết luận của cô như một lời cảnh tỉnh dành cho các phụ huynh đang "ném" con cho điện thoại, tivi, mất kết nối với con trong chính ngôi nhà mình.

Bài chia sẻ của cô sau đó nhận được nhiều phản hồi tích cực, đồng cảm từ phía các phụ huynh. Nhiều người trong số đó muốn được chia sẻ về cách làm sao lấy lại sự tập trung cho trẻ. Bài viết của cô dưới đây tiếp tục sẽ giải đáp mong mỏi chính đáng từ phụ huynh.

Gia đình & Xã hội xin được đăng tải bài viết của cô như một sự chia sẻ dành cho độc giả cũng đang đi tìm câu trả lời cho mình trong hành trình nuôi dạy con:

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai.

Như các bạn đã biết, việc trẻ bị mất tập trung là do trẻ đã nghiện một trò chơi, nghiện một thú vui nào đó dẫn tới việc trẻ không thể tập trung học, không thể tập trung ăn hay không thể tập trung chơi cùng anh chị em trong nhà mà tâm trí lúc nào cũng muốn trò chơi đó, muốn được xem điện thoại, ti vi, ipad. Hoặc nhiều bé vừa ăn vừa xem, không có cái điện thoại là không ăn được, không cho xem điện thoại thì không đi ngủ. 

Vậy thì việc giải quyết vấn đề mất tập trung ở trẻ cũng giống như việc cai nghiện ở người lớn. Đây không phải là chuyện một sớm, một chiều mà làm ngay được. Chúng ta không thể dừng đột ngột việc trẻ xem điện thoại, ti vi. Việc đó là bất khả thi. Hãy dừng một cách từ từ, có chiến thuật. Dưới đây là một vài điều tôi xin chia sẻ:

1. Không dừng đột ngột việc trẻ xem ti vi, điện thoại

Chúng ta nên giảm tải thời gian xem ti vi, điện thoại của các bé chứ không cắt hẳn. Trước khi giảm tải giờ xem của con, ba mẹ nên nói chuyện với con về lý do vì sao con nên xem điện thoại, ti vi ít lại và bắt đầu thực hiện. Nếu hôm qua con xem 2 tiếng/ 1 ngày thì hôm nay là 1 tiếng, ngày mai là 50 phút, ngày tiếp là 40 phút và giảm dần cho tới khi nào ba mẹ thấy hợp lý. 

2. Bố mẹ đồng hành cùng con, có mặt với con trọn vẹn

Khoảng thời gian trống của việc con không được xem ti vi, điện thoại đó thì bố mẹ hãy chơi cùng con. Chơi cờ vua, cá ngựa, ô ăn quan, cờ ca rô, cắt giấy, vẽ tranh, tô màu, nặn đất, xếp lá, xếp sỏi… Nói chung liệt kê ra thì chơi cả ngày không hết nhưng việc này bố mẹ cực kỳ khó làm cùng con. Đa phần các bố mẹ không tập trung, ngồi cùng con nhưng lại cầm cái điện thoại và lướt lướt, như thế không tạo thành tấm gương cho con. Cho nên chúng ta phải đồng hành cùng con, có mặt trọn vẹn với con 30 – 40 phút thôi nhưng nó khác biệt lắm. Các con nghiện ti vi, điện thoại một phần cũng vì không có ai chơi cùng, con cảm thấy cô đơn, và chỉ có thế giới ảo mới xoa dịu sự cô đơn trong con. Cho nên giờ ba mẹ hãy thay thế cái điện thoại trong khoảng thời gian đó đi.

3. Xây dựng thời gian biểu cho con

Bố mẹ cần xây dựng thời gian một ngày với những công việc cụ thể cho con. Thời gian nào học, thời gian nào chơi, cứ đan xen nhau thì con sẽ luôn bận rộn với công việc trong thời gian biểu, vì vậy con sẽ dần quên được ti vi, điện thoại. Các con nhìn vào là biết giờ này mình làm việc gì, mình làm xong việc này là mình được chơi.

4. Kết hợp các hoạt động tĩnh và động

Chúng ta cho các con chơi các trò chơi trong nhà nhưng đan xen các trò chơi ngoài trời, chạy nhảy để các con được tiếp xúc với môi trường tự nhiên, với gió, với nắng, với nước, với bùn đất, với chó mèo, hoa cỏ....  Nhà nào giờ cũng điều hòa 20/24 nên việc các con bị bó hẹp trong một không gian chật trội cũng khiến các con rất nhanh chán, nhanh nản.

5. Khuyến khích con đọc sách, mua cho con đồ chơi phù hợp

Nhà tôi không mua truyện tranh đô-rê-mon và co-nan hay các truyện trinh thám cho con vì những truyện đó khiến đầu óc các con hơi hoang tưởng. Những lời thoại trong truyện đôi khi cộc lốc, thiếu cảm xúc. Thay vào đó tôi mua truyện tranh về danh nhân thế giới, truyện tranh về lịch sử Việt Nam, về địa lý, về cây thuốc, về kỹ năng sống. Thỉnh và xin các truyện tranh về các bài học nhân quả, đạo đức. Sưu tầm những bộ sách văn học cũ cho trẻ em thời trước. Những áng văn rất hay, giọng văn trong sáng, ngôn từ chau truốt, cảnh vật được tả lại trong văn hiện lên thật yên bình đẹp đẽ. Nếu trẻ còn nhỏ thì bố mẹ hãy đọc cho con nghe, nếu trẻ đã lớn thì lúc đầu bố mẹ hãy đọc cùng con. Kiểu bố đọc 5 trang, rồi con đọc 5 trang. Cứ như vậy, tình yêu văn học sẽ ngấm dần vào các con lúc nào không biết.

Riêng đồ chơi thì càng mua ít càng tốt. Mỗi bộ đồ chơi sau thời gian sử dụng chúng ta lại ném nó vào thùng rác do hỏng hóc, vậy là lại thải ra môi trường biết bao nhiêu là rác thải khó phân hủy. Đồ chơi có thể là lá, là đá, là sỏi, là bột… là bất cứ thứ gì có thể tiêu hủy được.

Tìm những kênh dạy trẻ kỹ năng sống, dạy đạo đức, bài học nhân quả, dạy may vá, nấu ăn, ngoại ngữ, hoạt hình phù hợp với con và thống nhất chúng ta chỉ xem những kênh này. Bố mẹ phải kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc các con dùng ti vi, điện thoại.

6. Dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, tạo môi trường yên tĩnh cho con

Bố mẹ muốn con không xem ti vi điện thoại nhưng bố cứ hát karaoke suốt ngày thì liệu con có tập trung được không? Mẹ bảo con hãy tập trung học đi nhưng trên bàn con bao la là đồ chơi, đồ ăn, là lọ hoa, là đồ trang trí các kiểu thì hỏi con tập trung kiểu gì? Hãy làm cho bàn học, bàn ăn trở lên trống trơn. Hãy làm cho căn nhà được yên tĩnh khi con học, con ăn, con ngủ.

7. Đặt mục tiêu và có khen/ phạt rõ ràng.

"Mình đặt mục tiêu tuần này đọc hết cuốn truyện Dế Mèn phiêu lưu ký này nhé!". Hai mẹ con cùng lên mục tiêu và đặt ra phần thưởng nhỏ xinh cho con. Mục tiêu học tập cũng vậy. Mục tiêu làm việc nhà cũng thế. Con làm tốt thì được khen. Con chưa hoàn thành thì bị phê bình, góp ý. Vậy thôi.

Tôi đã từng dạy một số học sinh mà chỉ cần phê bình một câu là con nổi khùng lên. Con sẽ tỏ thái độ rất khó chịu, thả biểu tượng mặt tức giận liên tục vào ô chát trong zoom của tôi. Nói tóm lại con chỉ muốn được khen. Và đó là hệ lụy của một phương pháp giáo dục chỉ khen và không phạt, không chê. Lúc nào con cũng ở trên mây với lời khen của ông bà, cha mẹ, thầy cô mà không biết rằng ở người đời kia lời phê bình, lời chê bai bao giờ cũng nhiều hơn lời khen.

8. Nói chuyện với ông bà, hàng xóm, giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ con được tốt hơn

Tôi từng chứng kiến cảnh bố mẹ cấm con chơi điện thoại nhưng ông bà lại lén lút đưa điện thoại cho các con. Hoặc các con mắc lỗi, bị bố đánh phạt thì bà chạy ra bênh: "Để bà đánh cái thằng bố mày cho, hư này, đánh cháu bà khóc". Thực sự nhìn cảnh đó thấy bất lực. Rất nhiều bạn không có điều kiện ra ở riêng, ở chung với ông bà nhưng vô tình sự chiều chuộng của ông bà lại làm hư cháu chứ không giúp gì được cho cháu.

Bên cạnh đó các con rất nghe lời thầy cô nên để hỗ trợ con được tốt hơn trong việc cai điện thoại, ti vi, các bố mẹ hãy nói chuyện với ông bà, với hàng xóm, với giáo viên để mọi người đều biết con đang trong giai đoạn cai nghiện, mong mọi người cùng nâng đỡ con, đồng hành cùng con. Dạy một đứa trẻ cần cả một ngôi làng là vậy.

9. Tâm sự với con để hiểu con hơn

Nhiều khi trẻ không nói nhưng thực sự trẻ cũng có rất nhiều những tâm tư, tình cảm giấu kín. Hãy hỏi con về những chuyện buồn vui trên lớp xen kẽ với những câu hỏi về điểm số. Hãy tâm sự với con về lúc nhỏ bố mẹ đã thế nào. Hãy thành thật, đừng nói dối, đừng có bốc phét là bố mẹ toàn điểm 10 và toàn làm việc tốt. Tôi đánh nhau từ năm 6 tuổi, vết sẹo trên má thành dấu hiệu nhận dạng trên căn cước công dân và tôi kể chuyện đó con nghe một cách trung thực. Chồng tôi năm bao nhiêu tuổi uống riệu, bao nhiêu tuổi hút thuốc lá, đã phạm bao nhiêu sai lầm thì các con tôi đều được nghe kể chân thật nhất. Tuổi trẻ mà, ai chả sai. Hãy nói để con hiểu rằng, ngay cả bố mẹ cũng có những thiếu sót nên mình hãy tự tin lên là mình có thể sửa được cái lỗi sai này, cai được cái cơn nghiện này.

Nguồn: [Link nguồn]

Cha mẹ dù giận đến đâu cũng đừng nói 4 câu này với con

Có lẽ rất nhiều cha mẹ trong lúc giận dữ đã nói những lời này với con, đây thực sự là những lời nói không nên ảnh hưởng đến tâm lý và thậm chí là tính mạng của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Loan ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN