Dùng điểm số ép học sinh học thêm nên xử lý thế nào?

Sự kiện: Giáo dục

Mặc dù Bộ GD&ĐT cấm việc dạy thêm ở bậc tiểu học, cấm dạy chữ trước khi vào lớp 1, cũng như những quy định khác về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra chưa có hồi kết.

Vì nhiều lý do khác nhau, học sinh hiện nay vẫn đang học thêm trong và ngoài nhà trường. Ảnh minh họa: internet

Vì nhiều lý do khác nhau, học sinh hiện nay vẫn đang học thêm trong và ngoài nhà trường. Ảnh minh họa: internet

Học thêm vì chương trình nặng và phục vụ thi cử?

Mặc dù Chương trình Giáo dục phổ thông trong những năm qua đã liên tục được giảm tải, thậm chí Chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng đã được triển khai ở lớp 1 năm học 2020 - 2021… Thế nhưng, theo ghi nhận, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra ở các thành phố lớn ở cả hình thức hợp pháp lẫn lén lút thực hiện. Không ít trường hợp giáo viên bị nhắc nhở, xử phạt do vi phạm quy định dạy thêm ngoài nhà trường. Còn theo các bậc phụ huynh, chuyện đi học thêm của con em mình có nhiều lý do, trong đó cả nhu cầu thật là rèn luyện kiến thức, lẫn được "gợi ý" do áp lực từ giáo viên.

Có con học lớp 1, anh Nguyễn Văn Tiến (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Chương trình tiểu học giờ vẫn còn khá nặng, dù học hai buổi/ngày ở trường rồi nhưng vẫn phải cho con đi học thêm vì con vẫn còn làm Toán sai và chậm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm để mục tiêu khi thi chuyển cấp sẽ vào các trường có xét tuyển, kiểm tra "đầu vào". Nếu không đi học thêm, con sẽ chỉ dừng lại ở mức học sinh trung bình, khó có Giấy khen huống chi vào trường nổi tiếng khi chuyển cấp".

Để tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, nhiều địa phương cũng đã có những chỉ đạo tới các đơn vị, trường học trên địa bàn. Tại TPHCM, theo Sở GD&ĐT TPHCM, trong thời gian qua, Sở đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời ghi nhận một số phản ánh từ giáo viên, phụ huynh. Do đó, Sở yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm các quy định về dạy thêm, học thêm.

Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào... Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập. Xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.

Cần tạo điều kiện nhưng xử lý nghiêm nếu vi phạm

Là nhà giáo và làm công tác quản lý, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) chỉ ra thực tế, dạy thêm học thêm đã vài thập niên tốn không biết bao nhiêu giấy mực, không biết bao nhiêu văn bản, bao nhiêu lần xử phạt hành chính, bao nhiêu thầy cô bị xử lý... Việc cấm dạy thêm hay nêu nguyên nhân o ép học sinh là cái nhìn thiển cận, ích kỉ. Xã hội tồn tại một khi cung và cầu còn tồn tại. Mong muốn được dạy ngoài giờ để cải tạo cuộc sống trong tình hình lương không đủ lo cho gia đình, đây là mong ước chính đáng vì được sống bằng nghề đào tạo. Mơ ước được đi học thêm để đậu đại học là một mơ ước của nhiều thế hệ học trò.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng đặt ra vấn đề, trong khi nhiều ngành nghề khác có thể làm thêm sau giờ làm việc, nhưng nghề giáo viên tại sao lại bị cấm cản? Tôi nghĩ, không ai được quyền tước đi quyền được lao động, quyền được sống và làm việc với nghề được đào tạo. Về mặt quản lý Nhà nước nên ngăn chặn những hành vi sai trái dẫn đến bức xúc trong dư luận. Chúng ta xử lý rất nặng nếu giáo viên dùng điểm số, dùng quyền hạn o ép học sinh đi học thêm. Phải xử nặng, thậm chí sa thải khỏi ngành để làm gương và chấn chỉnh lại.

Thay vì cấm tuyệt đối, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất về quản lý thật tốt việc dạy thêm. Thứ nhất, dạy thêm phải dạy trong trường học, sau giờ học chính khóa. Từ sau 17h trở đi và cả ngày Chủ nhật. Thứ Hai, phải trên tinh thần tự nguyện của người học và chọn giáo viên. Thứ ba, mức học phí phải được thống nhất trong một đơn vị và phải trích nộp thuế, hao mòn cơ sở vật chất. Thứ tư, lãnh đạo nhà trường quản lý và chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT nếu để xảy ra tiêu cực. Thứ năm, nghiêm cấm dạy nội dung trong lớp, nghĩa là nội dung dạy thêm không được trùng với nội dung trong lớp (tránh tiêu cực biết trước đề kiểm tra, biết trước đáp án).

"Việc cho phép nhà trường sử dụng cơ sở vật chất mang lại toàn việc có lợi: Như học sinh có môi trường học tập, giáo viên không vất vả tìm chỗ thuê và trốn tránh, Nhà nước được thu thuế, nhà trường có quỹ phúc lợi, giáo viên có thêm thu nhập, học sinh được nâng cao chất lượng học tập. Chúng ta thử hình dung siết chặt, bóp chặt dạy thêm có nghĩa buộc giáo viên sống đúng với đồng lương hiện tại, là đầy vô vàn khó khăn. Nhu cầu mưu sinh buộc giáo viên phải làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Còn đâu thời gian bên trang giáo án, còn đâu thời gian nghiên cứu công nghệ dạy học, không còn lửa đam mê với nghề, nhu cầu sống bắt buộc phải chân ngoài dài hơn chân trong, có khi nghỉ dạy luôn. Một điều mà mọi người nhận thấy rõ khi thay đổi chương trình và phương pháp đánh giá ắt dễ dàng đẩy lùi dạy thêm, học thêm", thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ thêm.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Đạt điểm cao nhưng bị nghi ngờ gian lận, cô bé cấp 2 tự tử

Không chịu được cú sốc khi vị nghi ngờ gian lận, cô bé này đã hành động bồng bột, kết thúc cuộc sống của mình chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN