Đừng bỏ rơi khi con thi 'trượt'
Sự việc một nam sinh Hà Nội phải nhập viện cấp cứu vì có hành vi tự sát sau khi biết điểm thi lớp 10 đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về áp lực thi cử của học sinh và sự khốc liệt của chuyện “tìm nơi đi học”.
Cú sốc đầu đời
Mới đây, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, đã tiếp nhận một nam sinh tại Hà Nội vào khám vì các rối loạn tâm thần do áp lực thi cử. Theo chia sẻ từ người nhà, sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng. Sau đó, nam sinh dùng dao cắt tay và cổ để tự sát, gia đình phát hiện nên đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Khi sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần.
Chuyên gia giáo dục TS Vũ Thu Hương: “Phụ huynh cần học cách vượt qua những lời dè bỉu, soi mói của người quen, họ hàng… nếu con thi trượt”
Cách đây vài ngày, trên một hội nhóm hơn 280.000 thành viên với rất đông phụ huynh tham gia, một sĩ tử 2009 cũng chia sẻ sự tuyệt vọng và cảm thấy con đường phía trước mịt mù khi thi “trượt” cấp 3 (công lập). Bài viết thu hút hàng trăm bình luận và tương tác. Trong đó, nhiều phụ huynh chia sẻ chính câu chuyện của bản thân và gia đình đã đồng hành cùng con vượt qua nỗi ám ảnh mang tên “thi trượt” như thế nào.
Hàng năm, cứ vào dịp này, trên các diễn đàn lại xuất hiện những câu chuyện, những tâm sự của một số học sinh không thể ăn, không thể ngủ kể từ khi biết bản thân thi “trượt”. Các em cho rằng mình là người thất bại, vô định khi nghĩ đến tương lai, sợ hãi và buồn bã khi thấy cha mẹ, ông bà thở dài,… Nhiều phụ huynh ẩn danh chia sẻ sự chán nản, bế tắc của gia đình khi biết tin con thi “trượt”…
Năm nay, theo chỉ tiêu chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp lớp 9 được tuyển vào lớp 10 công lập. Với hơn 105.000 thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10, như vậy Hà Nội sẽ có khoảng 40.000 em bị “trượt”. Cả nước sẽ có hàng trăm nghìn thí sinh không thể đỗ vào lớp 10 công lập. Đây có lẽ sẽ là cú sốc đầu đời quá lớn đối với những cô bé cậu bé ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Ngoài ra, hơn 1 triệu sỹ tử lớp 12 của cả nước cũng đang mất ăn mất ngủ chờ điểm thi Tốt nghiệp THPT sắp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh niềm vui của nhiều thí sinh vì đã đạt được mục tiêu mong muốn, sẽ có không ít thí sinh, gia đình rơi vào thất vọng.
Thí sinh ở Hà Nội đi chùa cầu may trước kỳ thi. Ảnh: Trọng Tài
Theo Th.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), sau mỗi mùa thi, số học sinh gặp các vấn đề rối loạn tâm thần do áp lực điểm số đến khám, điều trị tại khoa thường tăng lên. Những áp lực đã hình thành trong suốt quá trình học tập, ôn thi trước đó và việc điểm số không như mong muốn sẽ giống giọt nước tràn ly, khiến các em khởi phát những bệnh lý tâm thần với các biểu hiện như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng hơn nữa là tìm tới tự sát, hủy hoại bản thân.
Cũng theo một nghiên cứu của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất, chiếm gần 57%, sau đó đến lo âu và trầm cảm chiếm hơn 45%. Bên cạnh đó học sinh còn gặp phải những khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp… Một kết quả khảo sát khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy có đến 97% học sinh từ 15 đến 18 tuổi bị stress nhẹ và gần 3% bị stress ở mức trung bình. Trong đó, nguyên nhân đa số đến từ vấn đề học tập, thi cử.
Đừng bắt con phải xuất chúng
Chia sẻ với Tiền Phong, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương nhận định áp lực mùa thi và hậu mùa thi là câu chuyện không hề mới mà đã dai dẳng suốt 20 năm nay. “Trước đây thi cử vất vả hơn nhiều chứ, cả làng cả xã chỉ 1-2 người đỗ nhưng không có chuyện tự tử vì thi trượt. Như vậy, vấn đề không phải từ các cuộc thi mà do tư duy ở các gia đình đã thay đổi. Cha mẹ thời nay nghĩ rằng con cái sung sướng hơn, điều kiện ăn học tốt hơn mình ngày xưa thì đương nhiên phải học giỏi. Những kỳ vọng mà bố mẹ ngày xưa chưa đạt được thì bây giờ đổ hết lên vai con. Bản thân nhiều phụ huynh cũng không nắm được sức học của con, không có tiếng nói chung với con, cũng không chuẩn bị tâm lý và phương án nếu thi trượt. Tôi biết nhiều gia đình bố mẹ không tài giỏi nhưng lại cứ bắt con mình phải xuất chúng”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Chuyên gia cũng phân tích, một nguyên nhân nữa dẫn đến áp lực thi cử trở nên nặng nề đó là ngày xưa, thi trượt thì chấp nhận đi học bổ túc, học nghề. Nhưng ngày nay, việc phải đi học dân lập hay học nghề được coi là một nỗi nhục cho học sinh và gia đình. Chưa kể, các vấn đề phát sinh như học phí cao hơn, rồi đưa đón sao cho thuận đường… Những nỗi lo đó vô hình đè lên vai con qua những tiếng thở dài của cha mẹ hay không khí u ám trong gia đình.
“Cha mẹ thời nay cũng bao bọc con quá nên các em không có trải nghiệm thực tế, dễ bị lúng túng khi phải đối mặt với các tình huống thất bại. Không chỉ mất tự tin, thất vọng với bản thân, sợ cha mẹ chỉ trích, các em còn phải đối mặt với áp lực từ bạn bè, người quen, họ hàng, xã hội... khi cảm thấy quá tải sẽ dễ dẫn đến hậu quả nguy hiểm như bỏ nhà đi, tự hủy hoại bản thân hoặc tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…”, chuyên gia phân tích thêm.
“Theo tôi, ngành giáo dục không nên cho cấp 2 học bán trú, để con có thêm thời gian trải nghiệm cuộc sống ở thực tế 100% thay vì theo các mô hình trong trường học. Nên có nhiều hơn nữa các chương trình trải nghiệm dành cho thanh thiếu niên. Tăng cường các hoạt động thực tế như trồng cây, lao động công ích, tổ chức đi từ thiện… thay vì chủ yếu là các hoạt động văn nghệ trong trường học như hiện nay.
Ngoài ra, nên có các lớp tập huấn cho phụ huynh. Trang bị cho họ kiến thức về các kỳ thi, cách đồng hành cùng con, chuẩn bị cho con cả sức khỏe lẫn tinh thần, chọn trường phù hợp với sức học, tìm hiểu các phương án thay thế nếu không đỗ vào trường như mong muốn. Thậm chí học cách vượt qua những lời dè bỉu, soi mói của người quen, họ hàng… nếu con thi trượt”, TS Vũ Thu Hương đề xuất giải pháp.
Theo chị, bản thân các phụ huynh phải học cách chấp nhận việc con thất bại. Khi biết kết quả không như ý, cha mẹ phải tự xử lý cảm xúc của mình trước khi đối diện với con. “Đừng bỏ rơi con! Hãy hiểu và để con hiểu thất bại không xấu. Đặc biệt sự thất bại của những học trò còn đang mò mẫm tìm lối đi cho tương lai. Cách các em nhìn nhận sự thất bại như thế nào, học được từ nó những gì để có thể tránh được những thất bại trong tương lai mới là quan trọng”, chuyên gia nhắn nhủ.
Nguồn: [Link nguồn]
Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu rõ việc trò chuyện với con là cần thiết. Nhưng có nhiều trường hợp, cha mẹ nhận phải “tác dụng ngược” vì những câu nói chưa khéo léo.