Đừng biến trẻ em thành ma quỷ trong ngày Halloween

Sự kiện: Giáo dục

Được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam, ngày lễ Halloween (31/10) còn là ngày cầu phước, cầu may qua cách hóa trang và hoạt động của lễ hội thực sự.

Theo nhiều phụ huynh, những hình ảnh hóa trang ma quỷ, máu me trong lễ Halloween không phù hợp với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Theo nhiều phụ huynh, những hình ảnh hóa trang ma quỷ, máu me trong lễ Halloween không phù hợp với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Những hình ảnh phản cảm

Hưởng ứng ngày lễ Halloween, tại nhiều trường mầm non, tiểu học ở các thành phố lớn không khí chuẩn bị cũng rộn ràng không kém các ngày lễ lớn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều phụ huynh, cách hóa trang như vậy không phù hợp đối với trẻ nhỏ.

Chị Nguyễn Hà Anh (ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày gần đây, ngày nào con tôi về nhà cũng lặp đi lặp lại một câu chuyện: “Mẹ ơi, con là con ma. Bố ơi, con là con ma”. Sau đó, cháu giơ hai tay ra phía trước giả dạng làm hình ảnh cương thi như trên phim làm tôi thấy hoảng. Chồng tôi thì vô cùng cáu giận. Nghe con nói thế là anh ấy quát ầm lên: “Làm người không muốn lại muốn làm ma. Nhố nhăng!””.

Sau đó, theo dõi, tìm hiểu chị Hà Anh mới biết nguyên nhân là bởi ở trên lớp, các con đang chuẩn bị cho lễ hội hóa trang Halloween. Nào là hình ảnh đầu lâu ma quỷ, máu me, gương mặt thần chết được trang trí khắp nơi. Không phê phán việc tổ chức lễ hội nhưng chị Hà Anh cho rằng, cách để con trẻ chỉ mới 3 - 4 tuổi tiếp cận với lễ hội như vậy là chưa đúng đắn.

Đồng quan điểm với chị Hà Anh, anh Đặng Văn Minh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Hôm qua đi làm về lúc tan tầm trời nhá nhem tối, lúc dừng đèn đỏ, tôi giật bắn người khi quay sang bên cạnh thấy gương mặt đầu lâu thần chết đầy máu me của một cháu nhỏ được mẹ chở sau lưng. Tôi thật không hiểu phụ huynh ấy nghĩ gì mà lại có thể chiều con như thế”.

Theo dõi mạng xã hội những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ độ tuổi mầm non, tiểu học được bố mẹ, thầy cô hóa trang thành những gương mặt thần chết, ma quỷ với máu me đầy miệng và mắt gây cảm giác rùng rợn, đáng sợ. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Nhạn, những hình ảnh này sẽ có tác động không tốt đến sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Halloween

Từ góc nhìn chuyên môn, chuyên gia Nguyễn Thị Nhạn cho rằng, để ngày lễ Halloween thực sự có ý nghĩa thì người tham gia phải hiểu được mục đích và ý nghĩa của nó.

Từ "Halloween" bắt nguồn từ nhà thờ Thiên chúa giáo, là dấu vết còn lại của lễ hội All Hallow Eve (lễ thánh). Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần.

Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ở xứ Celtic (Ireland) mùa màng kết thúc vào ngày 31/10 và ngày hội Halloween được gọi là ngày lễ Samhain (gieo trồng). Ngày này cũng chính thức bắt đầu một năm mới của người Celtic.

Người Celtic tổ chức kỷ niệm năm mới với lễ hội Samhain. Vào thời gian này vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần chết.

Lễ hội bắt đầu vào ngày 1/11, khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt đêm lễ thánh Hallow’s Eve, diễn ra vào đầu mùa đông - thời điểm kết thúc một năm, các xác chết đi lại tự do.

Ở Anh trước đây, đêm Halloween từng được gọi là Nutcrack Night hay Snap Apple Night tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn trái cây.

Những người nghèo đi ăn xin (a-souling) thường được cho một thứ bánh gọi là bánh linh - hồn (soulcakes) với điều kiện họ phải cầu nguyện cho người chết.

Ngày nay, nhiều nhà thờ tổ chức tiệc Halloween hoặc tổ chức khắc đèn lồng cho trẻ em. Mọi người cùng nhau đấu tranh vì một thế giới không còn tội lỗi.

Theo chuyên gia, ý nghĩa của ngày Halloween là như vậy, là trào lưu của phương Tây, là ngày lễ để mọi người trừ ma quỷ.

Lễ Halloween lại khiến nhiều bạn trẻ Việt Nam hóa trang thành ma quỷ, không giống con người. Lễ Halloween ở phương Tây diễn ra có ý nghĩa, phù hợp với văn hóa của nước sở tại.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Nhạn phân tích, văn hóa phương Đông và phương Tây hoàn toàn khác nhau nên việc du nhập văn hóa về một quốc gia cũng cần có sự sàng lọc cho phù hợp.

“Nhiều người tổ chức lễ hội không hiểu rõ, không giải thích cho các bạn trẻ, các em học sinh ý nghĩa của ngày này. Nhiều em nhỏ hoặc các bạn trẻ đã bắt gặp những hình dạng mang tính chất gây sợ hãi. Đối với các em ở lứa tuổi bậc mầm non, tiểu học sẽ bị mất vui bởi những hình ảnh hóa trang một cách quái dị”, chuyên gia chia sẻ.

Còn từ góc nhìn của một người mẹ, chị Hứa Thị Thanh Hoa (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi chủ động cho con đứng ngoài cuộc khi lớp tổ chức Halloween, hóa trang cho các con nên cứ ngày này là tôi cho cháu nghỉ học. Tôi không muốn cổ xúy cho những hình ảnh rùng rợn, ma quỷ ám ảnh vào suy nghĩ và tâm trí của con trẻ. Muốn tổ chức lễ hội này thật sự lành mạnh, tôi nghĩ với trẻ nhỏ, cần loại bỏ những hình ảnh máu me, ma quỷ rùng rợn".

Nguồn: [Link nguồn]

Đừng để trẻ sống quá sung sướng ở độ tuổi chúng có thể chịu đựng được khó khăn

Những đứa trẻ chưa từng nếm trải cay đắng, chúng sẽ chưa thể nếm được vị ngọt của cuộc đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN