Đua nhau tư vấn để kiếm sinh viên
Cứ đến đợt cao điểm của mùa tư vấn tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ, trung cấp lại chi hàng tỷ đồng, lập hàng chục đoàn tư vấn về các tỉnh, thành để tư vấn tuyển sinh. Nhiều trường dù đã “đốt” khá nhiều tiền vào hoạt động này nhưng tuyển sinh vẫn khó khăn.
Chi hàng tỷ đồng
Mới thành lập được gần 5 năm nhưng hai năm trở lại đây, mỗi năm trường trung cấp Đại Việt TPHCM chi 7 tỷ đồng cho công tác tư vấn tuyển sinh. Th.S Lê Lâm, hiệu trưởng nhà trường cho biết: kinh phí phục vụ tư vấn tuyển sinh của trường năm nay cũng khoảng 7 tỷ đồng.
Hiện trường đã thành lập 7 đoàn đi về các trường THPT ở các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào để tư vấn tuyển sinh. Bên cạnh tờ rơi giới thiệu thông tin, trường đặt cả chục nghìn mũ bảo hiểm để tặng học sinh và giáo viên ở các trường THPT mà mình đến tư vấn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM cho biết, chi phí cho đợt cao điểm tư vấn tuyển sinh của trường hàng năm khoảng hơn 1 tỷ đồng. Hiện trường đã thành lập 3 đoàn tư vấn, bắt đầu công việc từ giữa tháng 1 và kéo dài đến cuối tháng 3.
Tương tự, các trường ĐH, CĐ, trung cấp ngoài công lập khác như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, CĐ Quốc tế PSB, ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, ĐH Công nghệ Đồng Nai, trung cấp Bách Khoa Sài Gòn… chi cho tư vấn tuyển sinh hằng năm cũng không dưới 1 tỷ đồng.
Học sinh tìm hiểu ngành Cơ khí tại một “ngày mở” của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Quang Phương.
Muôn vàn kiểu tư vấn
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi trường đều có những hình thức tư vấn tuyển sinh khác nhau dù đích đến cuối cùng vẫn là kéo học sinh đến học trường mình.
Cán bộ một trường trung cấp kể lại thực tế của việc đến các trường THPT tư vấn: khi đã được sự đồng ý của ban giám hiệu nhà trường thì có thể sẽ xin 10 phút đầu buổi chào cờ nếu là thứ 2 để giới thiệu thật nhanh về trường mình, đồng thời phát tờ rơi tới học sinh. Nếu không trúng ngày đầu tuần, phải đến từng lớp học xin giáo viên bộ môn khoảng 5 - 10 phút để giới thiệu trường và phát tờ rơi.
“Phải làm thật nhanh! Vì thời gian không có nhiều. Nói là đi tư vấn tuyển sinh nhưng cái chính là đi để giới thiệu trường, cố gắng làm cho các em biết và nhớ đến tên trường mình, bởi thông tin về ngành học, học phí… đã có hết trong tờ rơi”, cán bộ tư vấn này nói. Một nhân viên tư vấn tuyển sinh khác cho biết: để dễ bề tư vấn được ở các trường, phải “lót tay” cho người đại diện của từng trường vài trăm ngàn gọi là… tiền trà nước.
Ngoài tổ chức đoàn tư vấn, một số trường tổ chức mô hình “ngày mở” để học sinh đến tận trường tham quan, tìm hiểu môi trường học tập, ăn ở. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một trong số các trường như vậy khi duy trì hoạt động này trong 6 năm qua.
ThS. Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng Công tác Học sinh- Sinh viên cho biết, chi phí cho “ngày mở” khoảng hơn 500 triệu đồng. Để có được hàng ngàn học sinh đến dự ngày mở, trường phải hỗ trợ tiền xe đưa đón các em...
Năm nay, trường ĐH Công nghệ Đồng Nai bên cạnh hoạt động tư vấn cũng tổ chức “ngày mở” vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, đưa học sinh các trường THPT đến tham quan.
Một số trường khác như ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật… lại có hình thức tư vấn tuyển sinh được xem là “cao tay”: tập huấn tư vấn hướng nghiệp cho giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp của các trường THPT. Tất nhiên chi phí đi lại, ăn ở của những giáo viên này đều được các trường ĐH hỗ trợ. Theo nhiều chuyên gia tư vấn, hiện nay một số trường THPT lớn ở các tỉnh cũng bắt đầu mời các chuyên gia tư vấn, mời đại diện các trường ĐH, CĐ về tận trường mình để tư vấn riêng cho học sinh trường mình.
Th.S Lê Lâm, hiệu trưởng trường trung cấp Đại Việt TPHCM nói: “Năm nay chúng tôi dự kiến tư vấn tuyển sinh tại trên 1 nghìn trường THPT. Chỉ mong sao cứ trung bình mỗi trường mình đến tư vấn có một em đăng ký vào học trường mình là mừng rồi. Theo thống kê, hằng năm, số học sinh đến học tại trường qua kênh tư vấn trực tiếp chỉ chiếm 20% tổng số học sinh tuyển được”.
Thực tế qua các mùa tuyển sinh, dù các trường đã bỏ ra hàng tỷ đồng cho tư vấn tuyển sinh nhưng vẫn trầy trật trong xét tuyển, nhiều ngành tuyển không đủ chỉ tiêu. Như vậy có thể thấy rằng không phải cứ đổ tiền vào tư vấn tuyển sinh là tuyển dễ dàng.
Theo một số chuyên gia tư vấn, hiện nay các trường đi tư vấn tuyển sinh giống như làm theo phong trào. Họ đến các trường THPT giống như “mồi chài” học sinh hơn là tư vấn ngành nghề cho các em. Bởi học sinh hiện có quá nhiều kênh thông tin tham khảo về trường, về ngành nghề. Do đó, các em vẫn chọn những trường ĐH lớn, đào tạo có chất lượng.
Th.S Lê Lâm, hiệu trưởng trường trung cấp Đại Việt TPHCM nói: “Năm nay chúng tôi dự kiến tư vấn tuyển sinh tại trên 1 nghìn trường THPT. Chỉ mong sao cứ trung bình mỗi trường mình đến tư vấn có một em đăng ký vào học trường mình là mừng rồi. |