Đua nhau đưa trẻ đi học chống xâm hại
Sau hàng loạt vụ xâm hại trẻ em gây rúng động dư luận thời gian qua, nhiều phụ huynh ở TPHCM đã đưa con đến các lớp dạy kỹ năng chống xâm hại.
Phương pháp “No-Go-Tell”
Ngay sau vụ nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TPHCM) bị phanh phui, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, “chạy đua” tìm các lớp đào tạo kỹ năng chống xâm hại cho con mình tham gia. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều lớp ngoại khoá dạy kỹ năng cho trẻ em trở nên quá tải khi có hàng nghìn phụ huynh đăng ký cho con tham gia.
Chị Lương Thị Nguyên Thảo (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM), mẹ của hai bé song sinh Bùi Nguyên Phúc và Bùi Gia Bảo Hân, cũng rất lo lắng cho hai đứa con khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trong thời gian gần đây. “Em đưa các con tới lớp học kỹ năng với mong muốn có cơ hội làm quen với nhiều bạn mới, đồng thời biết cách chăm sóc, yêu thương và tự bảo vệ bản thân thông qua sự giảng dạy của các thầy cô giáo”, chị Thảo nói.
Cũng như chị Thảo, anh Nguyễn Trung Hiếu (ở huyện Hóc Môn), phụ huynh của bé Nguyễn Trung Kiên đưa con tới lớp học khi bé vừa kết thúc giờ học chính khóa ở trường. Đi làm cả ngày về khá mệt mỏi nhưng anh Hiếu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để cùng con tham gia khoá học kỹ năng.
“Ở nhà vợ chồng thường xuyên nói chuyện với con và chỉ cách để bé biết phân biệt những vùng nhạy cảm trên cơ thể mình; nhận diện những người có biểu hiện xâm phạm vào cơ thể bé nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy yên tâm. Vấn đề xâm hại trẻ em hiện đang rất nhức nhối, chuyện này không chỉ xảy ra với bé gái mà ngay cả bé trai cũng có nguy cơ. Tôi dắt con tới lớp học để có thể học được cách bảo vệ bản thân khi có dấu hiệu nguy hiểm từ người lạ. Các thầy cô giáo được đào tạo chuyên môn, hiểu tâm lý trẻ hơn sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn”, anh Hiếu nói.
Buổi học kỹ năng của con chị Thảo, anh Hiếu cùng hơn 1.000 trẻ em khác được tổ chức tại ngôi chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TPHCM) dưới sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia tâm lý theo phương pháp “No-Go-Tell”. “No-Go-Tell” là dạy trẻ biết nói không với người lạ có mưu đồ đụng vào mình; tiếp đó là bỏ chạy đến nơi an toàn và cuối cùng là kể lại với người mình tin tưởng. Đây là phương pháp được nhiều cơ sở ngoại khoá áp dụng để hướng dẫn trẻ tránh xa với các mối nguy xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyền, quản lý hệ thống trường ngoại khoá Tomato Childrens Home, cho biết, “No-Go-Tell” là chương trình học dựa trên tài liệu bản quyền của Hiệp hội “Vì trẻ thơ Hoa Kỳ”, được Tomato Việt hoá và triển khai cho cộng đồng suốt 6 năm qua. Với phương pháp này, khi tham gia lớp học, các bé sẽ được dạy cách nhận biết những bộ phận riêng tư trên cơ thể thông qua hình ảnh mình họa bằng các mảnh ghép màu sắc khác nhau, từ đó giúp bé hiểu rõ “cơ thể của bé thuộc về chính các bé”. Vì vậy bé phải biết cách yêu thương và bảo vệ bản thân mình.
Bố mẹ cũng phải học cùng con
Theo các chuyên gia, không chỉ trẻ em mới được học các kỹ năng bảo vệ bản thân mà phụ huynh cũng cần phải tham gia để cùng đồng hành, tạo điểm tựa tinh thần để trẻ có thể chia sẻ mọi thứ.
Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Thuý Uyên Phương (chuyên gia giáo dục tâm lý trẻ em) cho biết, với phương pháp “No-Go-Tell”, trẻ biết cách phản ứng với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, trong trường hợp trẻ bị đe dọa hay thực sự đã bị đụng chạm thì phương pháp này sẽ giúp trẻ hiểu rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải lỗi của trẻ và trong mọi trường hợp sẽ tìm cách thông báo sự việc cho cha mẹ một cách nhanh nhất.
Với kinh nghiệm trên 10 năm nghiên cứu về giáo dục trẻ em, ThS. Uyên Phương cho rằng, không chỉ trẻ mới phải học các biện pháp bảo vệ bản thân mà chính các phụ huynh, những người thân nhất của trẻ cũng phải đồng hành với các em. Việc này nhằm giúp phụ huynh được lắng nghe những chia sẻ về cách ứng xử với con trong các tình huống nhạy cảm, nếu con bị tổn thương hoặc xâm hại về thân thể, cha mẹ cần làm gì để giúp con và bảo vệ con.
“Nếu tiết học trên lớp giúp trẻ nhận biết được những bộ phận riêng tư trên cơ thể, từ đó học cách nói không với người lạ có ý đồ xâm hại thì sự đồng hành của cha mẹ cùng con khi ở nhà lại giúp trẻ luyện tập, củng cố kiến thức và giúp trẻ yên tâm, tin tưởng hơn vào sự ủng hộ của cha mẹ”, ThS. Phương nói.
Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng xâm hại 1.579 trẻ. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ. Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyền (Quản lý hệ thống trường ngoại khoá Tomato Childrens Home) cho biết, có rất nhiều trường hợp trẻ không dám nói cho cha mẹ biết về việc mình bị xâm hại. Một phần do đối tượng đe dọa, nhưng phần nhiều hơn là do cha mẹ không tin tưởng con cái, trẻ sợ cha mẹ thất vọng hay tức giận. “Để khắc phục điều này, phụ huynh hãy học cách lắng nghe con, nhẹ nhàng chia sẻ cùng con, tâm sự cùng con dù là chuyện lớn chuyện nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày của bé. Cha mẹ hãy dành cho con những khoảng thời gian chất lượng để hai bên hiểu nhau hơn”, bà Tuyền nhấn mạnh. |
Những ngày gần đây, mọi người chia sẻ nhiều thông tin về trường hợp bị xâm hại phải lòng vòng nhiều ngày, nhiều bệnh...