Đủ kiểu đối phó với bạo lực học đường
Lắp camera, đặt hòm thư góp ý, theo dõi học sinh trên mạng xã hội… là những việc làm đã và đang được nhiều trường học tại TPHCM áp dụng nhằm hạn chế hành vi ứng xử không tốt, thiếu kiềm chế dẫn đến bạo lực học đường như những vụ việc khiến dư luận đau lòng trong thời gian qua.
Lắp camera, đặt hòm thư góp ý
Trong khi học sinh đang vui chơi ngoài sân trong giờ nghỉ giữa tiết, ông Nguyễn Viết Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Dân lập Văn Lang (quận 5, TPHCM) ngồi quan sát học sinh trong trường qua màn hình ti vi. Trên màn hình chiếc tivi 40 inch hiện lên hơn chục hoạt cảnh khác nhau ở các lớp học. Lâu lâu ông Lãng lại kích chuột để chuyển qua lớp khác.
Theo ông Lãng, việc lắp đặt camera đã được nhà trường trang bị từ nhiều năm nay. Hiện, mỗi phòng học được trường trang bị 2 máy (một máy từ trên xuống và một từ dưới lên). Ngoài sân chơi, hành lang, sân thượng đều có camera để quan sát.
Ông Lãng đang theo dõi học sinh trên màn hình qua camera.
Theo ông Lãng, tổng số camera lắp đặt tại trường là 64 máy. “Việc lắp đặt camera là để quan sát, theo dõi những hoạt động của học sinh như có xích mích, cãi nhau hay nghịch ngợm… để nhà trường cũng như thầy cô kịp thời ngăn chặn, tránh tạo mầm mống có thể dẫn đến học sinh đánh nhau”, ông Lãng nói.
Ngoài việc lắp đặt camera, ở mỗi phòng học, nhà trường còn đặt các “Hộp thư điều muốn nói” để học sinh nói lên tâm tư, bức xúc của mình.
Tại trường này vào ngày cuối tuần, mỗi lớp thường tổ chức họp lớp để phân tích lỗi lầm của học sinh, hành động của học sinh nào không tốt, đồng thời giáo viên cũng thường xuyên theo dõi hoạt động của học sinh trên mạng xã hội như lời nói, phát ngôn tránh dẫn đến xích mích, mâu thuẫn…
“Nhờ việc làm này mà học sinh trong nhà trường luôn hành xử tốt, nhiều học sinh vừa có mâu thuẫn thì ngay lập tức được hóa giải”, ông Lãng nói.
Việc lắp camera cũng được nhiều trường khác thực hiện như trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), THCS Phan Tây Hồ, THCS An Nhơn (quận Gò Vấp), THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9)…
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết, nhà trường lắp nhiều camera ở lớp học và những điểm nhạy cảm để quản lý học sinh, đồng thời cũng thông báo cho các em biết để từ đó các em nâng cao ý thức hơn trong việc giao tiếp, ứng xử cũng như văn hóa học đường.
“Việc lắp camera không phải là biện pháp tối ưu nhất ngăn chặn bạo lực học đường như hiện nay mà quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức học sinh về kỹ năng sống”- bà Vĩnh nói.
Theo người này, thực tế trong thời gian qua, nhiều vụ đánh nhau không diễn ra trong lớp hoặc trong trường mà hẹn nhau ở ngoài. Vì thế, nhà trường thường tổ chức các lớp học, ngoại khóa dạy cho học sinh cách quan hệ với bạn bè, giao tiếp ngoài xã hội hoặc khi rơi vào tình huống xấu, các em biết cách xử lý tốt nhất.
Camera chỉ giải quyết phần ngọn
Trao đổi với PV Tiền Phong PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết, bạo lực học đường như một căn bệnh lây lan, nếu không ngăn chặn sẽ rất khó lường. Theo ông Oanh, nguyên do của bạo lực xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội.
“Để ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ bạo lực khỏi cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần áp dụng nhiều giải pháp trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tuy nhiên, giải pháp then chốt quan trọng nhất nằm trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; trong đó đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và cơ chế quản lý điều hành giáo dục là quan trọng nhất”. TS Lê Vinh Quốc đề xuất
Ông Oanh hiến kế: “Trước hết phải ở gia đình, theo dõi tính cách con cái, giáo dục con thông cảm, nhân hậu, biết nhường nhịn. Đối với nhà trường, phải giáo dưỡng, tạo sự gần gũi giữa học sinh với nhau, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử để khi rơi vào hoàn cảnh, học sinh biết cách xử lý”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Giáo dục Lê Vinh Quốc cho rằng, thực trạng bạo lực đáng buồn này xuất phát từ sự suy đồi đạo đức trầm trọng trong xã hội, và nguyên nhân của sự suy đồi này xuất phát từ nền giáo dục quốc dân.
Ông nói các môn khoa học xã hội - nhân văn tạo nền tảng văn hóa - đạo đức cho con người được giảng dạy kém hiệu quả với nhiều bất cập, trong khi môn đạo đức - giáo dục công dân lại thiếu giá trị ứng dụng thiết thực để giúp học sinh các kỹ năng ứng xử văn minh.
“Vì vậy, đa số những điều hay lẽ phải được nêu lên trong nhà trường chỉ là những “kiến thức rỗng” cho học sinh học thuộc lòng, trả bài rồi lại quên ngay, chẳng còn bao nhiêu tri thức đọng lại trong tâm trí để các em biến thành hành động của những người có học”, TS Quốc nói.