Dự kiến bỏ trường cao đẳng sư phạm vào năm 2030
Từ nay đến năm 2030, các trường cao đẳng sư phạm sẽ không còn đào tạo giáo viên, được sáp nhập vào cơ sở giáo dục khác, theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra thông tin trên tại cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, ngày 13/9.
Theo đó, đến năm 2030, các trường cao đẳng sư phạm nói riêng và cao đẳng đa ngành nói chung không còn đào tạo giáo viên. Dự kiến, nhóm này sẽ được sáp nhập vào các trường đại học sư phạm hoặc trường có khoa sư phạm, khoa học cơ bản. Một hướng khác là sáp nhập vào đại học, cơ sở giáo dục ở địa phương.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, báo cáo tại phiên họp ngày 13/9. Ảnh: Xuân Phú
Cả nước hiện có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 65 trường đại học, 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành.
Bộ đánh giá hệ thống các trường sư phạm chưa phân bố đồng đều, chỉ tập trung một số trường lớn tại các trung tâm kinh tế - xã hội. Vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt. Trường cao đẳng hiện chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non, trong khi trước kia gồm cả giáo viên tiểu học và THCS. Lý do là Luật Giáo dục năm 2019 yêu cầu trình độ giáo viên ở hai bậc này phải từ đại học trở lên.
Bộ dự tính sau khi quy hoạch, cả nước còn khoảng 50 trường đào tạo giáo viên. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân, chiếm khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.
Những trường này là: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm 2, Sư phạm TP HCM, trường Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng), trường Đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Vinh, Quy Nhơn, Tây Nguyên, Cần Thơ.
Xét toàn hệ thống giáo dục đại học, ông Dũng cho biết đến năm 2030, cả nước có khoảng 240-248 trường đại học, tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 người trên một vạn dân.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp. Ảnh: MOET
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học có tác động lớn, toàn diện, định hướng sự phát triển trong tương lai. Quan điểm của Bộ là không phân biệt công, tư nhưng hệ thống trường công vẫn đóng vai trò chủ đạo, tập trung vào các trường khối công nghệ, kỹ thuật.
Theo ông, phân bố các trường, lĩnh vực đào tạo cần gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.
Hiện, cả nước có khoảng 650 trường, từ cao đẳng đến đại học, với 2,1 triệu sinh viên.
Việc thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên nhưng trượt nguyện vọng yêu thích là điều bình thường, vì xét tuyển đại học là chọn từ cao xuống thấp, theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn.
Nguồn: [Link nguồn]