Đồng tính ở tuổi vị thành niên: Cha mẹ nên làm gì?

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều gia đình quá lo lắng vì lo sợ đồng tính ở trẻ vị thành niên, một số trẻ vị thành niên thì buồn bã, trầm cảm, có hành vi chống đối hoặc thậm chí có ý định tự tử.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các đau lòng như: Trẻ vị thành niên tự tử, trẻ vị thành niên bị xâm hại hoặc yêu sớm, thậm chí, một số trẻ còn có xu hướng thích người đồng giới. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể dạy con, giúp con thoát khỏi những cám dỗ, áp lực trong học tập, cuộc sống, các chuyên gia sẽ tư vấn cha mẹ qua tuyến bài "Kỹ năng sống tuổi vị thành niên".

Bài 4: Đồng tính ở tuổi vị thành niên: Cha mẹ nên làm gì?

Nhiều phụ huynh coi đồng tính là một bệnh

Trong thời gian qua, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một số trường hợp phụ huynh đưa con tới xin tư vấn về các vấn đề liên quan đến giới như: Con gái tôi nhắn tin rất tình tứ với 1 bạn nữ trong lớp, con trai tôi bị các bạn trêu vì nói năng nhỏ nhẹ, thích mặc quần áo nhiều màu sắc hay con tôi là con gái nhưng lại tự cảm nhận mình là con trai….Gia đình thì quá lo lắng và một số trẻ vị thành niên thì buồn bã, trầm cảm, có hành vi chống đối hoặc thậm chí có ý định tự tử.

Đừng để trẻ lạc lõng trong chính gia đình mình. (Ảnh minh họa).

Đừng để trẻ lạc lõng trong chính gia đình mình. (Ảnh minh họa).

TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Trong quá trình làm việc với cha mẹ và các trẻ, chúng tôi nhận thấy sự hiểu biết của một số cha mẹ, trẻ vị thành niên về giới và sự đa dạng tính dục còn khá hạn chế. Thậm chí một số phụ huynh còn coi đây là một bệnh, xấu hổ vì con bị như vậy, mong muốn có thể dùng thuốc để điều trị, do đó thiếu sự hỗ trợ phù hợp và đúng đắn của cha mẹ dành cho trẻ”.

Hiểu về đa dạng giới để thấu hiểu và đồng hành cùng con

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, và xu hướng tính dục. Các đặc điểm này độc lập với nhau và kết hợp với nhau theo những cách khác nhau tạo ra sự đa dạng về giới.

Giới tính sinh học: Được xác định từ khi 1 người mới ra đời, đa số được quyết định bởi bộ sinh dục ngoài, cơ quan sinh dục trong và nhiễm sắc thể của người đó.

Nam giới: Có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh với dương vật, tinh hoàn và nhiễm sắc thể giới tính XY.

Nữ giới: Có bộ phận sinh dục nữ hoàn chỉnh với âm vật, môi lớn, môi bé, tử cung buồng  trứng và nhiễm sắc thể giới tính XX.

Bản dạng giới: Là sự cảm nhận của mỗi cá nhân về giới tính của mình. Bản dạng giới bao gồm:

Nam: Cảm nhận mình thuộc phái nam theo chuẩn mực xã hội, muốn hành xử như một người nam và được đối xử như một người nam.

Nữ: Cảm nhận mình thuộc phái nữ theo chuẩn mực xã hội, muốn hành xử như một người nữ và được đối xử như một người nữ.

Không định giới/phi nhị giới: Cảm nhận mình không hoàn toàn thuộc về giới nam hoặc giới nữ, muốn hành xử theo cách riêng của mình, không gắn với chuẩn mực xã hội của nam hoặc nữ và muốn được đối xử 1 cách trung tính, không theo chuẩn mực xã hội dành cho nam hoặc nữ.

Thể hiện giới: Là biểu hiện bên ngoài theo ước lệ xã hội về giới thông qua ngoại hình cơ thể bao gồm quần áo, phụ kiện, kiểu tóc, trang sức, mỹ phẩm, cử chỉ, điệu bộ, nói năng, và các khuôn mẫu hành vi trong giao tiếp với người khác.

Xu hướng tính dục: Là việc có cảm xúc yêu đương, ham muốn tình dục với người thuộc giới nào.

Đồng tính nữ (Lesbian): Người có bản dạng giới nữ, có ham muốn tình dục với người có bản dạng giới nữ

Đồng tính nam (Gay): Người có bản dạng giới nam, có ham muốn tình dục với người có bản dạng giới nam

Khuynh hướng tình dục song tính (Bi-sexual): Có ham muốn tình dục với cả người có bản dạng giới nam và người có bản dạng giới nữ.

Khuynh hướng tình dục vô tính (Asexual): Không có ham muốn tình dục với bất kỳ ai

Việc hiểu rõ kiến thức về các khía cạnh của giới tính – tính dục sẽ giúp cha mẹ và trẻ giải thích được sự đa dạng của con người trong vấn đề giới, đồng thời nhìn nhận về bản thân trẻ một cách tích cực, chính xác và tránh những ngộ nhận về giới tính.

Đừng để trẻ lạc lõng trong chính gia đình mình

Theo TS. BS Đỗ Minh Loan, khi biết con là người đồng tính, cha mẹ nên bình tĩnh, đừng đổ lỗi cho con cũng như bản thân mình. Cha mẹ cần biết rằng, đồng tính không phải là bệnh, chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tính dục. Người đồng tính vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường, có tương lai và cuộc sống như bao người khác. Do đó, thay vì không chấp nhận mà giám sát, cấm đoán con, cha mẹ nên cố gắng vượt qua định kiến, để tạo cho con một môi trường ”tinh thần an toàn”. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con, hỗ trợ cho con đúng cách như luôn tôn trọng, chia sẻ cùng con.

"Khi cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện bất thường trong cuộc sống thì nên tới gặp các chuyên gia về giới để được hỗ trợ tư vấn cho bản thân cha mẹ và trẻ vị thành niên. Tránh để lâu sẽ ảnh hướng đến tâm lý của con và cha mẹ”, TS. Loan khuyến cáo.

Nếu bắt gặp con gái vào tuổi teen vào khách sạn, cha mẹ nên phản ứng thế nào?

Theo chuyên gia, sự dò hỏi của người mẹ về các vấn đề tế nhị (điều mà người mẹ đang lo lắng) có thể vô tình khiến trẻ hiểu rằng bản thân không được tin tưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN