Đối thoại với Sở GD&ĐT TP.HCM, học sinh bật khóc vì ấm ức
Em Hoàng Hạnh Nhi, học sinh lớp 11 Chuyên Anh, Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, em buồn vì mối quan hệ ngày càng xa cách giữa giáo viên và học sinh.
Học sinh thành phố đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo Sở GDĐT
Sáng 23/3, Sở GDĐT TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở với học sinh tiêu biểu của thành phố năm 2018. Năm nay, có 110 học sinh THCS và THPT tham gia cuộc gặp gỡ này.
Tại đây, các em quan tâm đến vấn đề phát triển văn, thể, mỹ, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh trung học, đặc biệt là mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh.
Nữ sinh bật khóc vì giáo viên thờ ơ
Một nữ sinh Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) đã bật khóc ngay tại hội trường vì ấm ức. Em cho biết, trong lớp có một giáo viên bộ môn khi lên bục giảng nhưng hầu như không giảng dạy gì. Hơn một học kỳ nay, cả lớp em phải tự học, tự làm bài và không biết nói với ai cả. Không biết vì lý do gì, cô này khá quyền lực, mọi người đều sợ, các thầy cô giáo khác và học sinh đều sợ.
“Cô không dạy, cô chỉ viết bài khiến tụi con phải tự học, tự làm bài tập mà không biết nói với ai. Con chỉ muốn được cô dạy dỗ bình thường như các bạn ở lớp khác…”, em chia sẻ.
Em Hoàng Hạnh Nhi, học sinh lớp 11 Chuyên Anh, Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, em buồn vì mối quan hệ ngày càng xa cách giữa giáo viên và học sinh.
Hoàng Hạnh Nhi bày tỏ, thầy cô vừa vào lớp đã cầm phấn viết bảng ngay. Thậm chí nhiều nơi giáo viên còn “tranh thủ” tiết sinh hoạt chủ nhiệm để chạy giáo án hoặc cho học sinh làm bài kiểm tra khiến cả học sinh lẫn giáo viên không có thời gian lắng nghe nhau và thấu hiểu.
Quá nhiều kiến thức xa rời cuộc sống
So Qua Ni, Bí thư Đoàn trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết, khối lượng kiến thức mỗi ngày các em phải dung nạp rất nhiều nhưng chưa thể áp dụng nhiều trong cuộc sống. Tương tự, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống hiện nay được tổ chức khá nhiều nhưng nội dung na ná nhau, khi gặp tình huống cụ thể các em thường lúng túng không biết xử lý thế nào cho phù hợp.
Từ đó, So Qua Ni đề xuất, ngoài bộ sách giáo khoa hàn lâm theo chương trình khung của Bộ GDĐT, TP.HCM nên có thêm những chương trình, sách bổ trợ đi sâu vào việc ứng dụng kiến thức trong thực tiễn.
Ngoài ra, nhiều học sinh cũng bày tỏ về áp lực học tập, về khối lượng kiến thức quá nặng trong sách giáo khoa và lo ngại trước tình hình một bộ phận giới trẻ hiện nay đang lười vận động, chìm đắm trong thế giới ảo khiến sức khỏe và kết quả học tập tuột dốc. Phương pháp dạy môn giáo dục công dân ở trường phổ thông còn khô khan khiến học sinh khó tiếp nhận. Hoạt động hướng nghiệp dù được tổ chức nhiều nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về từng ngành nghề cụ thể của các em...
Đáp lại tất cả băn khoăn, trăn trở của học sinh, Giám đốc Sở GDĐT Lê Hồng Sơn thừa nhận, hoạt động hướng nghiệp hiện nay ở một số trường chưa làm tốt, nội dung còn khô khan, thiếu thu hút học sinh. Lãnh đạo Sở cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các em để tìm biện pháp tháo gỡ.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GDĐT TP.HCM cho hay, mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh sẽ được lưu tâm. "Thầy cô hiện nay đã vượt qua sự ràng buộc của mình để dạy dỗ cho các em, Nhưng để có sự hài hòa thì cần sự cố gắng của cả hai bên. Những vấn đề lớn hơn chúng tôi sẽ tham mưu cho sở. Đừng nghĩ là thầy cô chỉ quan tâm tới học sinh tiêu biểu, chúng tôi luôn quan tâm tới tất cả các em, tới hoạt động của các em"- ông Tân nói.
Nói về mong muốn của học sinh về bộ sách giáo khoa mới, ông Lê Hồng Sơn cho rằng chương trình SGK là do Bộ GDĐT quyết định vì hiện nay vẫn còn kỳ thi chung, nhưng đến năm 2019, học sinh sẽ được học với bộ SGK được giảm tải.
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu được Sở GDĐT TP.HCM tổ chức hàng năm, nhằm lắng nghe những chia sẻ của học sinh cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác giáo dục.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành năm 2018. Theo đó, mỗi ngành chỉ có...