Đổi mới thi tốt nghiệp, tuyển sinh: Nên có tiêu chí phụ để xét tuyển
Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT nên đánh giá toàn diện kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và nếu các trường đại học vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp thì nên có tiêu chí phụ để tuyển được thí sinh phù hợp.
Những thay đổi liên quan thi tốt nghiệp, tuyển sinh phải được tính toán toàn diện. Ảnh: Như Ý
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, có ý kiến cho rằng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có điểm bất thường, nên cần Bộ GD&ĐT thanh tra hậu kiểm.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hai đợt của kỳ thi với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch, nên sự tham gia của các trường đại học (ĐH) giám sát khâu tổ chức thi, Bộ GD&ĐT giám sát khâu chấm thi có phần hạn chế. Ông Vinh cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tổ chức chấm thẩm định kết quả bài thi của thí sinh ở một số địa phương để đánh giá tình hình, xem có đủ căn cứ để giao tiếp kỳ thi này cho địa phương hay không.
Theo TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các trường ĐH đã gia tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả học bạ… Nhưng cũng vì vậy dẫn đến hai hệ quả là điểm chuẩn một số ngành đột biến tăng cao và nhiều trường ĐH có vẻ hụt hơi khi công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi có kết quả lọc ảo đợt 1 của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Phương, điều này bộc lộ sự khập khiễng giữa các phương thức xét tuyển. Cụ thể, phần lớn thí sinh có học lực trung bình khá trở xuống lựa chọn phương thức xét kết quả học bạ nên an toàn. Chỉ tiêu còn lại dành cho các thí sinh lựa chọn phương thức xét điểm thi.
Trong khi đó, đề thi không phân hóa, kết quả thi cao, thí sinh có phần ảo tưởng, lại được phép điều chỉnh nguyện vọng nên thí sinh tập trung vào ngành nóng dẫn đến tình trạng điểm cao vẫn trượt nguyện vọng yêu thích, ông nói.
Theo TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, năm 2021, các trường ĐH đã chủ động đa dạng hóa phương thức xét tuyển, không hoàn toàn phụ thuộc kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Để xét tuyển sát thực tế hơn
TS Phương cho rằng, nếu các trường ĐH vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phải có tiêu chí phụ để tuyển được thí sinh phù hợp.
Theo ông, phương thức sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển sẽ loại trừ được yếu tố ngẫu nhiên khi chỉ có một kỳ thi, như ốm đau, tai nạn giao thông, dịch bệnh... Tuy nhiên, cũng có yếu tố ảnh hưởng kết quả này nên cần tìm cách loại trừ và phải có tiêu chí xét tuyển bổ sung.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, nhận định, 1-2 năm tới, việc xét tuyển dựa vào học bạ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức tuyển sinh chính của các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng các phương thức xét tuyển tuỳ thuộc vào từng trường.
Dự báo, phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm dần. Điều quan trọng là cơ sở giáo dục cũng cần ổn định phương thức tuyển sinh trong vòng 3 năm. Theo đó, các trường có thể đăng ký với Bộ GD&ĐT từ 3-4 phương thức tuyển sinh, nếu có thay đổi thì phải có “dự lệnh” và thông báo trước một năm.
Ông Tùng tán thành với khuyến cáo của Bộ GD&ĐT về việc các trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Theo đó, những trường này có thể kết hợp với nhau tạo thành nhóm xét tuyển.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Ngoại thương, cho hay, mùa tuyển sinh năm 2021, trường đã tuyển sinh theo 6 phương thức khác nhau và phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Đối với tuyển sinh năm 2022, quan điểm của Trường ĐH Ngoại thương là giữ ổn định phương án tuyển sinh như những năm trước; nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT có thay đổi, trường mới có phương án điều chỉnh. Dự kiến, khoảng tháng 3/2022, trường sẽ công bố phương án tuyển sinh. Trường có thể sẽ công bố phương thức tuyển sinh sơ bộ trước đó khoảng 1-2 tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại dịch COVID-19 đã rút ngắn thời gian chuyển đổi số dẫn đến hàng loạt yêu cầu mới trong đào tạo ngành nghề.