Đổi mới SGK: Đề án mới đề xuất gần 800 tỷ thay cho 35 nghìn tỷ đồng

Không cần gần 35 nghìn tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa (SGK) theo như đề xuất gây xôn xao dư luận thời gian qua của Bộ GDĐT, theo dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, kinh phí thực hiện dự kiến chỉ cần gần 800 tỷ đồng.

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Đổi mới SGK: Đề án mới đề xuất gần 800 tỷ thay cho 35 nghìn tỷ đồng - 1

Đề án mới đề xuất gần 800 tỷ thay cho 35 nghìn tỷ đồng

Trong dự thảo của Đề án, Chính phủ đã đưa ra những con số tính toán về kinh phí thực hiện đề án đổi mới SGK một cách rất cụ thể.

Theo đó việc xây dựng chương trình, biên soạn một bộ SGK và thẩm định chương trình, SGK là 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa): 13,1 tỷ đồng; Xây dựng, thẩm định chương trình: 55,2 tỷ đồng; Thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ): 46,3 tỷ đồng; Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện: 10 tỷ đồng; Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình: 7,7 tỷ đồng; Biên soạn một bộ sách giáo khoa: 321,6 tỷ đồng... Tổng kinh phí dự kiến: 778,8 tỷ đồng.

Phần kinh phí ngân sách Trung ương: 504,4 tỷ đồng, phần kinh phí ngân sách địa phương: 274,4 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì Đề án của Chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung. Tuy nhiên Ban soạn thảo cần bổ sung thêm phần khải toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Góp ý vào dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá cao tính công phu của Đề án.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội góp ý thêm: Trong Đề án viết rằng "nặng về ứng" thì nên viết lại là nặng về thi cử, sửa từ "thực học thực nghiệm" sao cho dễ hiểu, sát mục tiêu. Về kinh phí thực hiện ông Hiển cho rằng gần 800 tỷ có thể thực hiện được, nhưng cần tính toán thêm vì còn nhiều cái khác. Về kinh phí địa phương cũng cần phải nêu rõ cho các địa phương chủ động bởi chỉ có 15 tỉnh tự túc được còn lại vẫn là phải ngân sách TƯ rót xuống.

Ông K’sor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội cho rằng Đề án vẫn còn chung chung. Về giáo dục với đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Ksor Phước thì đi giám sát thấy chất lượng giáo dục phổ thông cho đồng bào dân tộc là rất thấp so với chuẩn chung. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu vấn đề: Bộ GDĐT biên soạn và tự thẩm định có khách quan không mặc dù có hội đồng thẩm định độc lập. "Muốn sách giáo khoa chuẩn thì phải huy động được trí tuệ của cộng đồng xã hội, các nước tiến tiến họ cũng làm rồi" - ông Phúc nói.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì đề nghị nghiên cứu thêm để nêu rõ được trách nhiệm của nhà trường, bộ, cơ sở giáo dục, từ đó mới đảm bảo hiện được nguyên lý giáo dục. Lồng ghép thế nào để biên soạn SGK là dạy người, dạy chữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN