Đổi mới sách giáo khoa: Người ngoài ngành cùng viết sách

Tại buổi gặp mặt báo chí để thông tin những điểm mới trong viết chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ mời cả người ngoài ngành giáo dục tham gia viết sách.

Đổi mới sách giáo khoa: Người ngoài ngành cùng viết sách - 1

Với chương trình sách giáo khoa mới, học sinh học hết cấp 2 có thể đi làm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Với chương trình mới, học sinh học xong chương trình THCS có thể tự làm việc, kiếm sống thay vì phải học xong lớp 12 như trước đây.

Khuyến khích năng lực cá nhân

Ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học cho biết, sau khi đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm trọng điểm đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới đào tạo lại giáo viên nhằm đáp ứng chương trình SGK mới.

Bộ cũng tổng kết và nghiên cứu kinh nghiệm phát triển chương trình, biên soạn SGK của thế giới, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và nhiều đội ngũ khác...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đến thời điểm này chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội và sẽ tiếp thu để đưa ra thảo luận.

Theo lộ trình được phê duyệt, đề án đổi mới SGK chia làm 3 giai đoạn: Từ tháng 4/2015 đến 6/2016, tập trung ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Từ tháng 7/2016 đến 2018 ban hành bộ SGK bắt đầu từ lớp 1, lớp 6, lớp 10. Giai đoạn từ tháng 7/2018 đến 2019 thực hiện lộ trình cuốn chiếu mỗi năm triển khai SGK mới trong một khối đảm bảo đến năm 2022-2023 chương trình SGK mới được giảng dạy trong tất cả các trường THPT.

Theo Thứ trưởng Hiển, trước đây khi làm SGK không có chuyện làm đề cương. Đổi mới SGK lần này, Bộ không dừng lại ở việc chú trọng dạy và học kiến thức nên yêu cầu xây dựng đề cương và chương trình tổng thể hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo chương trình đổi mới, sẽ phân hóa rõ giai đoạn cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Trong đó giai đoạn cơ bản nhà trường sẽ trang bị kiến thức nền tảng cơ bản, các kỹ năng, chú trọng trải nghiệm xã hội. Học sinh khi học xong chương trình THCS có thể tự ra ngoài đời để làm việc, kiếm sống thay vì trước đây phải học xong lớp 12. Để đạt được điều này, chương trình SGK sẽ có tính chất khuyến khích năng lực cá nhân, hướng các em vào sở trường thích cái gì, sau đó định hướng thêm các nhóm nghề nghiệp để các em tự quyết định hướng đi cho tương lai.

Chương trình, SGK mới sẽ thiết kế 2 buổi học/ngày. Tuy nhiên, chương trình vẫn đảm bảo các trường học 1 buổi cũng theo được chương trình, tuy khó đáp ứng được chất lượng. Ngoài ra, các trường THCS, THPT vẫn học 1 buổi/ngày.

“Với chương trình như vậy, cách thức tổ chức học tập khối THPT sẽ khác rất nhiều với chương trình học tập hiện nay”. Số lượng các môn học sẽ giảm nhưng kiến thức sẽ nhiều hơn”, ông Hiển nói. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ, chương trình sẽ thiết kế mở, tăng khả năng tự học, tự đánh giá năng lực của mỗi học sinh.

Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, với SGK hiện tại, năng lực tư duy học sinh của mình đang hạn chế. Việc giáo dục đạo đức chưa thành công. Đó là những điểm Bộ lưu ý khi xây dựng chương trình khung SGK mới làm sao tạo được môi trường học tập mới mẻ thực sự mà vẫn đạt hiệu quả. Ngoài kiến thức cơ bản, trong chương trình đổi mới sẽ chú trọng các hoạt động trải nghiệm, thông qua các hành vi ứng xử hằng ngày để đánh giá đạo đức, kỹ năng học sinh.

Chưa tìm được tổng chủ biên

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc xây dựng chương trình và SGK sẽ có một người tổng chủ biên có nhiệm vụ điều hành, thống nhất cả quy trình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra ai có thể “cầm trịch”. Bộ đang tích cực xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để công khai mời cả những người ngoài ngành giáo dục tham gia viết SGK.

Các tiêu chí cụ thể sẽ dựa trên 3 tiêu chí cơ bản để lựa chọn đội ngũ xây dựng chương trình. Trước hết người xây dựng chương trình, SGK phải là người có phẩm chất, giỏi khoa học và có năng lực sư phạm. Ngoài ra, người viết SGK cũng phải am hiểu về giáo dục phổ thông, có năng lực thực tiễn, có nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục phổ thông được thừa nhận. “Để hội tụ 3 yếu tố đó cùng lúc, hiện lực lượng này chúng ta chưa có nhiều, phải lựa chọn dần và tiếp tục đào tạo”, ông Hiển nói.

Như vậy, Bộ GD&ĐT sẵn sàng mời nhiều người ở nhiều lực lượng đủ tiêu chí tham gia vào việc viết SGK, trong đó có cả lực lượng giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiển cho rằng, số giáo viên phổ thông viết được sẽ không nhiều. Thay vào đó, Bộ sẽ bố trí một lực lượng giáo viên nhất định vào hội đồng thẩm định và lấy ý kiến cho SGK mới.

“Chương trình đổi mới ban hành ra sẽ có 80%-85% các trường có thể thực hiện được ngay. Giáo viên có thể đi tập huấn trong hè, xây thêm phòng học, tăng cường trang thiết bị cho các trường học là triển khai ngay chương trình đổi mới”, Thứ trưởng Hiển khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN