Đổi mới giáo dục: Thiếu nguồn lực và động lực

Trao đổi với Tiền Phong về đổi mới giáo dục, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặt câu hỏi nguồn lực ở đâu và động lực để phát triển là gì?

Hội nghị T.Ư 8 đã thông qua nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Làm thế nào để thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp của nghị quyết, thể hiện quan điểm mới về giáo dục của Đảng, Nhà nước, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành GD&ĐT.

Tiền Phong trao đổi cùng ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề. 

Theo ông công việc tiếp theo của công cuộc đổi mới giáo dục là gì?

Chắc chắn có rất nhiều việc phải làm nhưng làm gì và làm như thế nào là do Bộ GD&ĐT lựa chọn, xây dựng lộ trình, nghị quyết đã không nói rõ về thời gian thực hiện là như thế nào.

Ngành giáo dục nên tập trung làm việc nào trước?

Có một số việc có thể làm ngay được. Việc thứ nhất là tích cực chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT SGK) vì việc này thể hiện toàn bộ nội dung đổi mới liên quan đến giáo dục phổ thông.

Việc tiếp theo là đổi mới thi cử đánh giá. Bộ GD&ĐT cần tập trung vào đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần của nghị quyết: giảm áp lực, nhẹ nhàng hơn đỡ tốn kém đỡ gây bức xúc.

Đổi mới như thế nào thì Bộ GD&ĐT phải đưa ra được phương án nghiêm túc; nếu dư luận còn bức xúc thì sẽ phải trình phương án ra Quốc hội để xem xét vì đây là một việc quan trọng, liên quan đến quyền lợi của đông đảo nhân dân.

Về GD đại học (GD ĐH), Luật GD ĐH đã đi trước 1 bước; vấn đề là có triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của Luật GD ĐH hay không. Trong Luật GD ĐH có một điểm quan trọng là thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ và một nội dung mang tính đột phá là đổi mới kiểm tra đánh giá, trong đó có hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh.

Với thi ĐH, Luật GD ĐH đã quy định rõ là giao cho các trường tự chủ thực hiện. Đối với thi tốt nghiệp phổ thông, Bộ GD&ĐT cần phải xây dựng một đề án đổi mới theo hướng giảm căng thẳng và thực chất.

Nói về quyền tự chủ, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông có giúp ích cho các trường tuyển sinh ĐH không là quyền của các trường. Luật GD ĐH đã quy định giao cho các trường nên ngành GD&ĐT không thể mập mờ thế này mãi - Bộ nói sau 2015 mới thay đổi; Bộ vẫn tổ chức thi ba chung rồi lại chỉ đạo các trường không muốn làm ba chung thì phải làm đề án để Bộ duyệt... Nếu đã trao quyền, Bộ chỉ có quyền kiểm tra mà không có quyền cho hay không cho!

Đổi mới giáo dục: Thiếu nguồn lực và động lực - 1

Thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Yên Viên, Hà Nội năm 2013. Ảnh: Ngọc Châu

Trong những việc ông vừa điểm, không thấy nhắc đến chất lượng giáo dục - một vấn đề xã hội quan tâm?

Chất lượng là một vấn đề không đơn giản nhưng làm được những việc nêu trên đã là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng.

Có ý kiến cho rằng đội ngũ quan trọng hơn chương trình, sách giáo khoa. Ông nghĩ gì về điều này?

Đề án đổi mới CT SGK phổ thông phải có phần cơ sở vật chất (CSVC) và đội ngũ. Nếu biên soạn CT SGK mà không chuẩn bị được đội ngũ thầy thì làm sao dạy được? Một trong những lý do lần trước làm sách không thực hiện tốt là chỉ chăm lo vào phần biên soạn CT SGK mà không lo chuẩn bị đội ngũ thầy để thực hiện CT SGK đó, không lo CSVC.

Lý do thứ hai của lần không thành công vừa qua là biên soạn CT SGK không bám sát với điều kiện thực tiễn: CT SGK cho dạy 2 buổi/ngày nhưng những vùng nông thôn, vùng khó khăn không có điều kiện dạy 2 buổi/ngày thì sao chương trình không quá tải được?

Lần này, biên soạn CT SGK phải phù hợp với năng lực đội ngũ giáo viên, sát với thực tế của địa phương chứ không thể làm CT SGK kiểu trường chuyên thì dạy được, các trường khác không dạy được. Đương nhiên, năng lực đội ngũ quan trọng đổi mới CT SGK nên vừa phải đào tạo mới và vừa đào tạo lại thầy cô giáo đang giảng dạy cho phù hợp với CT SGK mới.

Ngoài ra còn phải có thêm chế độ chính sách để động viên khuyến khích nhưng quan trọng nhất phải có đủ năng lực phẩm chất thực hiện CT SGK theo tư tưởng mới và mục tiêu mới mà Nghị quyết T.Ư 8 đã kết luận: không phải là truyền thụ kiến thức mà là phát triển năng lực; rèn luyện phẩm chất; giữa kiến thức, phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống phải có tỷ trọng cân đối...

Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng để thực hiện đề án đổi mới giáo dục có hiệu quả cần phải có những giải pháp rõ ràng, cụ thể?

Câu hỏi được đặt ra là: nguồn lực ở đâu và động lực để phát triển là gì? Trong đề án thì hai vấn đề này khá mờ nhạt hoặc không nói gì.

Ví dụ, trong đề án đề xuất: đảm bảo đầu tư cho các nhà trường để chi thường xuyên cho phổ thông và mẫu giáo đảm bảo tỷ lệ không quá 75% chi cho con người (lương và phụ cấp theo lương) và ít nhất 25% chi cho hoạt động giáo dục. Trên thực tế, vừa qua, khi Thường vụ QH đi giám sát, tỷ lệ lâu nay do chính phủ quy định là 20-80 còn không thực hiện được!

Rất nhiều địa phương chi cho lương và phụ cấp theo lương tới 90-95 %, chỉ còn lại 5-10% chi cho hoạt động giáo dục - gần như không còn tiền cho giáo dục! Vậy nâng tỷ lệ lên 25% thì lấy tiền đâu để chi! Nhìn chung, nếu không có giải pháp rõ ràng thì sẽ không khả thi!

Ở bậc ĐH cũng tương tự, đề án muốn đầu tư cho một sinh viên là 1,2 lần GDP (tính ra là 25 triệu đồng) nhưng ở thời điểm hiện tại đầu tư thật chuẩn chỉ có 10 triệu đồng/SV. Vậy, nếu tăng tức là chỉ trên vai người học đóng học phí. Hiện nay mới đóng một tháng mấy trăm nghìn người học đã kêu trời; vậy làm sao đóng một lúc mấy triệu/tháng?

Vậy, giải pháp của vấn đề, theo ông, là gì?

Theo tôi có 2 cái cần làm: dùng ngân sách hiệu quả hơn. Trong thời gian qua ngành GD&ĐT đã đầu tư quá dàn trải và bình quân, chưa kể lãng phí.

Trong thời gian tới, giáo dục cần ưu tiên tập trung vào các bậc học phổ cập 9 năm đầu và mẫu giáo 5 tuổi; những bậc học không phổ cập phải chấp nhận huy động nguồn lực khác, trong đó xã hội hóa (XHH) là một chủ trương tốt.

Đối với vùng miền thì đầu tư phải tập trung vào ưu tiên những vùng đặc biệt, khó khăn; tập trung ưu tiên cho con em diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; nếu có, thì có hỗ trợ con em nhà nghèo, đào tạo nhân tài, các ngành học khó XHH như sư phạm, khoa học cơ bản, văn hóa truyền thống...

Các khu vực còn lại, phải đẩy mạnh xã hội hóa- sự đóng góp của người học. Nhưng để người học đóng góp phải có cơ chế để đóng góp gắn với lợi ích của họ - chương trình chất lượng cao hơn thì thu học phí cao hơn.

Yếu tố thứ hai là động lực - làm sao để các cơ sở giáo dục cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục: trường nào cung cấp chất lượng giáo dục cao thì được thu học phí cao; nhưng chất lượng cao phải gắn với sản phẩm- nguồn nhân lực phải có chất lượng cao.

Nói đến thu học phí cao, ông có hình dung được sự phản ứng của xã hội đối với việc thu-chi đang rất nhạy cảm hiện nay?

Khả năng đóng góp của nhân dân là đa dạng và không giống nhau nên việc thu cũng không thể theo cơ chế bình quân phù hợp với mọi người. Chất lượng cao, học phí cao, nhưng nhà nước đảm bảo chất lượng tối thiểu cho đông đảo mọi người. Nếu muốn chất lượng cao không muốn đóng tiền thì không thể có được!

Xin chân thành cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN