Đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá: Giảm thiểu học thêm, dạy thêm tiêu cực?

Sự kiện: Giáo dục

Việc xây dựng bài kiểm tra trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giúp tránh được những việc tiêu cực như ép học sinh học thêm chỉ vì giáo viên đó ra đề.

Đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá: Giảm thiểu học thêm, dạy thêm tiêu cực? - 1

Năm học 2020 -2021 được coi là bắt đầu đổi mới của ngành giáo dục. Năm đầu tiên thay SGK từ lớp 1 cùng với đó là những thay đổi trong đánh giá học sinh cũng như dự kiến cũng sẽ có những thay đổi trong kiểm tra và thi.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2020 -2021 của Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, vừa tổ chức, một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại diện các sở GD&ĐT là việc Bộ mới ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) THCS, THPT (hay còn gọi là Thông tư 26).

Nói về những điểm mới của Thông tư, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá phải áp dụng ngay, không thể chờ đến khi thực hiện chương trình, SGK mới.

Vì khi đi kiểm tra cho thấy có nơi HS lớp 9 có tới 49 lượt đầu điểm trong 1 năm học. Kiểm tra nhiều, liên tục như thế nhưng lại chưa đánh giá được thực chất năng lực của người học, lại gây áp lực quá lớn cho các em. Do vậy, việc giảm số đầu điểm là rất cần thiết.

Ông Hồng cũng cho rằng việc chốt số đầu điểm theo thời lượng học tập theo hướng giảm đáng kể, nhưng Thông tư 26 không khống chế số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, vì tinh thần xuyên suốt của quy định mới là đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Nhưng theo ông Hồng, việc kiểm tra phải rõ mục tiêu yêu cầu cần đạt là gì... chứ không phải GV thích kiểm tra như thế nào cũng được.

Quy định mới đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên như trực tuyến; qua hỏi đáp, viết, thuyết trình, sản phẩm học tập… Kiểm tra viết trong đánh giá thường xuyên có thể 15 phút, 30 phút và 45 phút… “Do vậy, nếu hiểu rằng bỏ hẳn bài kiểm tra 1 tiết là cách hiểu không đúng”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cũng cho hay cuối tháng 10, Bộ sẽ tiếp tục tập huấn kỹ hơn cho GV cốt cán việc đánh giá bằng nhận xét. Nhận xét không phải viết chữ “cô khen” hoặc đóng cái dấu mặt cười vào bài viết của HS.

Đứng ở góc độ đơn vị thực hiện, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng đổi mới đánh giá là rất cần thiết, nhưng lâu nay GV có thói quen dùng điểm số để đánh giá HS nên khi tiếp cận thông tin thay đổi, một số thầy cô lo lắng.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ, nêu ví dụ hiện nay, số đầu điểm với HS THCS rất nhiều. HS tiểu học 1 năm chỉ chấm điểm có bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, nhưng lên lớp 6 thì dồn dập các bài kiểm tra tính điểm. Vì vậy việc giảm đầu điểm theo Thông tư ở bậc THCS trở lên là cần thiết và học sinh sẽ không bị “sốc”.

Đề kiểm tra của lớp không còn “dấu ấn” giáo viên

Theo ông Sái Công Hồng hiện nay có hiện tượng ngay trong một trường, do GV tự ra đề kiểm tra nên mức độ khó dễ của đề chênh lệch giữa mỗi lớp. Do vậy, dẫn đến tình huống HS đạt điểm 10 của lớp này nhưng năng lực học tập lại không tốt bằng HS đạt điểm 8 của lớp khác, do không cùng một thước đo.

Thông tư 26 sẽ giải quyết tình trạng này khi thực hiện theo cách đánh giá mới, các bài kiểm tra định kỳ phải tuân thủ quy định chung. Đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình.

Theo ông Hồng, khi làm được như vậy thì việc đối sánh kết quả giữa các địa phương, giữa từng lớp, từng HS mới phản ánh đúng thực chất và khi đó việc các trường ĐH, CĐ tuyển sinh bằng học bạ sẽ yên tâm hơn.

“Việc xây dựng bài kiểm tra như trên còn giúp tránh được những việc tiêu cực như ép HS học thêm chỉ vì GV đó ra đề. Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn sâu cho GV cốt cán xây dựng đề kiểm tra theo hướng ma trận, đặc tả. Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chung về cách ra đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả, kèm đề minh họa để gửi các sở GD&ĐT”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 26 chỉ thực hiện cho chương trình giáo dục hiện tại. Còn chương trình mới sẽ thực hiện theo thông tư mới hoàn toàn. Đồng thời ông cũng cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương chuẩn bị. Trước khi công bố, phương án này phải trình và được Chính phủ đồng ý mới cho phép triển khai.

Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Lợi hay hại nhiều hơn?

Điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực điều hành, quản lý lớp học của giáo viên cũng như ý thức của học sinh trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN