Đổi cách tính điểm sàn để cứu trường
Mặc dù Bộ GDĐT khẳng định không thể bỏ điểm sàn vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhưng dự định thay đổi cách tính điểm sàn của Bộ GDĐT đang là vấn đề nóng khi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay bắt đầu.
Bởi lẽ, “điểm sàn” đang bị nhiều trường ĐH, CĐ cho là rào cản lớn nhất để các trường có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu, duy trì sự tồn tại của nhà trường.
Sẽ có các mức điểm sàn khác nhau?
Khi bắt đầu thực hiện kỳ thi “3 chung” vào năm 2002 thì không có khái niệm điểm sàn. Vào thời điểm đó, các trường muốn xác định điểm trúng tuyển thì lại phải lên bộ báo cáo và chỉ khi được phê duyệt thì mới được công bố. Để xóa cơ chế “xin - cho” như vậy, năm 2004 Bộ GDĐT mới đưa ra điểm sàn để hiệu trưởng các trường chủ động công bố điểm trúng tuyển.
Trong những năm qua, đặc biệt là tới mùa tuyển sinh 2012, các trường ngoài công lập liên tục gặp khó trong tuyển sinh và không ít lần đề xuất bỏ điểm sàn. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định “Nếu chúng ta bỏ điểm sàn thì thí sinh có điểm thấp vẫn được gọi vào học. Cách làm này không phù hợp bởi nếu đào tạo ra mà sinh viên không được xã hội chấp nhận, các nhà tuyển dụng từ chối thì lại là một sự lãng phí quá lớn”.
Phổ biến quy chế trước giờ thi, mùa thi 2012 - Ảnh: Kỳ Anh
Tuy nhiên, ông Ga cũng công nhận: “Việc xét điểm sàn hiện nay chưa thực sự khiến dư luận và các trường hài lòng. Bộ sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn, ví dụ như có thể xác định theo phổ điểm của từng môn và lấy trung bình chung của các môn thi/khối thi (thấp hơn hoặc bằng mức điểm này), đồng thời đề nghị các trường có những sáng kiến để xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất. Bộ cũng đang cố gắng ra đề thi cho phù hợp”.
Về vấn đề này, ông Vũ Viết Bình - Phó Trưởng ban Đào tạo ĐH QGHN - kiến nghị: “Bộ GDĐT nên xác định điểm sàn theo khu vực”. Đồng quan điểm, ông Trần Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên - cũng đề nghị tính điểm sàn theo từng khu vực, mà theo đó các trường ở Hà Nội và TPHCM có mức điểm sàn cao hơn. “Các trường ở địa phương không thể được đầu tư bằng các trường ở thành phố, các trường dân lập không thể bằng các trường công lập. Nếu lấy một mức điểm sàn chung thì các trường ở tỉnh rất thiệt thòi trong việc thu hút thí sinh” - vị hiệu trưởng này lý giải.
Ngoài ra, bộ nên điều chỉnh đề thi để thí sinh có thể đạt điểm sàn cao hơn 13 điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển.
Trước mắt, năm nay Bộ GDĐT đã cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại 3 khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm, nhưng phải học dự bị 6 tháng sau khi trúng tuyển.
Ngoài công lập muốn bỏ điểm sàn, đổi cách ra đề
Các trường ngoài công lập (NCL) là các trường bị “ảnh hưởng” lớn nhất bởi điểm sàn. Ngoài các ý kiến tha thiết đề nghị “bỏ điểm sàn”, thì lãnh đạo nhiều trường NCL còn đưa ra các phương án như đề nghị bộ đưa ra mức điểm sàn riêng cho công lập – dân lập, cho lấy chỉ tiêu dự bị đại học ở mức dưới điểm sàn chung, và đặc biệt là phải xem xét lại cách thức ra đề. Ông Phan Trọng Phước - Hiệu trưởng ĐH Đại Nam - cho rằng: “Bộ cần ra đề thi có phổ điểm tốt hơn để nâng cao đầu vào. Nếu số lượng thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên không phải là 400.000 em như năm vừa rồi mà là 700.000 - 800.000 em thì các trường sẽ đều có đầu vào”.
Đồng tình với ý kiến lấy điểm sàn dựa trên phổ điểm thực tế chứ không phải lấy điểm sàn sao cho “đẹp mắt”, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh - khẳng định “không cần hạ điểm sàn” – tức là có điểm sàn riêng cho trường NCL – “vì đây là lòng tự trọng của các trường NCL”. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị bộ cần phải “làm đúng” điểm sàn. Tức là năm tới phải công khai phổ điểm của thí sinh, sau đó lấy điểm sàn ở mức sao cho có số lượng thí sinh từ sàn trở lên bằng 50% số lượng thí sinh dự thi.
Dự kiến ngày 9/3 có cuốn “Những điều cần biết…” Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, hiện nay NXB Giáo dục Việt Nam đang tiến hành in ấn cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013”. Như vậy, cuốn “Những điều cần biết...” của bộ sẽ có mặt trước thời điểm bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: Theo hệ thống của sở GDĐT: Từ ngày 11/3 đến 17h ngày 11/4/2013; tại các trường tổ chức thi: Từ ngày 12/4 đến 17h ngày 19/4/2013. Được biết, “nhanh chân” hơn Bộ GDĐT, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều cuốn “cẩm nang” đưa thông tin về tuyển sinh. H.NG Trước đó, ngày 17/1/2013, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình khẩn cấp của khối các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Hiệp hội đề nghị “Bộ GDĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học (GDĐH) có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2013, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Theo đó, các “cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”... Chấp nhận kiến nghị khẩn cấp của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ GDĐT làm việc trực tiếp với đề nghị của hiệp hội. |