Đôi bạn thân nghèo cùng thành thủ khoa
Học cùng lớp, ở cùng một ngõ nhỏ tại thôn Xa Mạc (xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội), cùng sống trong những hoàn cảnh khá đặc biệt, Kiều Văn Bắc và Trịnh Văn Chiến là đôi bạn thân. Mới đây, hai em cùng đỗ thủ khoa vào hai trường đại học ở Hà Nội.
Thích học nhóm
Chiến và Bắc học lớp 12A1, Trường THPT Yên Lãng, Mê Linh (Hà Nội). Kỳ thi tuyển sinh vừa rồi, Bắc chọn ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, được 26,75 điểm đỗ thủ khoa. Chiến thi vào khoa Chính trị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, được 24,75, là thủ khoa khối A của trường.
Ở lớp, Chiến được bạn bè đùa là giáo sư vật lý, thế nhưng em lại chọn thi Khoa Chính trị học. Nhiều người băn khoăn về sự lựa chọn này, Chiến bảo “đó là niềm mơ ước từ năm lớp 9. Em muốn tìm hiểu sâu các vấn đề của xã hội và cuộc sống mà hằng ngày vẫn nghe từ báo, đài”.
Sinh ra ở vùng nông thôn, cả Bắc và Chiến không có điều kiện học thêm nhiều, nhất là Chiến. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài giờ học chính và học chuyên đề ba buổi một tuần, em không đi học thêm. Thời gian bạn bè đi học, Chiến ở nhà ôn lại kiến thức và luyện giải đề thi. Đêm nào đèn nhà hai em cũng sáng.
Cả Chiến và Bắc đều thích học tập theo nhóm và coi đây là phương pháp học tập hiệu quả nhất. Nhóm học của Chiến có bảy bạn. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, các em tụ tập, cùng làm chung một đề thi rồi so sánh kết quả với nhau. “Qua tranh luận, mọi người đều biết mình đúng ở chỗ này, sai ở chỗ kia. Như thế rút kinh nghiệm rất nhanh và nhớ rất lâu”, Chiến tâm sự. Kết quả kỳ thi tuyển sinh vừa rồi, bảy bạn trong nhóm của Chiến đều đỗ đại học.
Thủ khoa Kiều Văn Bắc (phải) và Trịnh Văn Chiến luôn động viên nhau học giỏi để thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Hoài
Cô Kiều Thị Lệ Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 kể, nhiều bạn cùng lớp rất thích ngồi gần Chiến và Bắc vì hai em nhiệt tình giảng giải, giúp đỡ bạn bè. Là người trực tiếp dạy môn toán, cô Thủy kể thêm, sau khi làm xong bài tập về nhà, Chiến và Bắc thường mang bài đã làm cho cô giáo xem. Điều đó khiến các em tiến bộ nhanh và thu được kết quả tốt. Ở lớp cô Thủy, ngoài Chiến và Bắc, hầu hết học sinh khác cũng đỗ đại học. Trong số 45 học sinh, khoảng 40 em được trên 21 điểm. Nhiều em đỗ Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương. “Vùng này nghèo nên các em chỉ có con đường học”, cô Thủy tâm sự.
Ở nhà, Chiến và Bắc là đôi bạn thân. Sống cách nhau ba nóc nhà, ngày nào hai em cũng đi học cùng nhau. Những hôm hỏng xe hay gặp sự cố, cả hai lại chở nhau đi học. Kể về tình bạn của mình, Chiến tâm sự “nhiều hôm đi chợ nấu ăn hay đi mua sách vở, em chán không muốn đi một mình thì Bắc lại đi cùng với em”. Hai đứa cũng hay động viên nhau phải học giỏi để thoát nghèo.
Vào đại học sẽ đi làm thêm
Cả Bắc và Chiến đều có hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình Bắc có hai mẹ con. Bố em ở cùng gia đình vợ cả cách đó gần một kilômét. Mẹ con Bắc sống bằng nghề nông với ba sào ruộng, nuôi thêm lợn, gà. Đồ đạc trong nhà từ bàn uống nước, chiếc ti vi màu đã cũ đến cái tủ lạnh đều được họ hàng cho. Kể về tương lai khi lên trung tâm Hà Nội học, Bắc cho hay, em sẽ đi bưng bê ở quán ăn để lấy tiền trang trải học phí.
Chiến cũng có cùng dự định đi làm thêm. Bố mẹ Chiến làm lao động chân tay ở TPHCM 10 năm nay. Từ lớp 3 đến lớp 8, Chiến và em trai ở nhờ nhà bác họ. Năm lớp 8, hai anh em Chiến về nhà, tự chăm sóc lẫn nhau. Tất cả mọi công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em, một mình Chiến đảm nhiệm. Cũng bởi điều kiện khó khăn như vậy nên ngoài giờ học trên lớp, Chiến không có điều kiện học thêm giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Em bảo sau khi lên Hà Nội sẽ tự lập dần dần để đỡ đần bố mẹ.
Để nhận ngay Điểm chuẩn ĐH – CĐ 2014, soạn tin: VD: Để tra cứu điểm chuẩn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, soạn tin: (Ghi chú: Điểm chuẩn sẽ được gửi tới bạn ngay khi có, xem chi tiết Bấm đây) |