Đọc những gì các con chia sẻ về điều cay nghiệt nhất từng được nghe từ cha mẹ, trái tim cứng rắn nhất cũng phải nhói đau

Sự kiện: Giáo dục

Đôi khi, câu cửa miệng của cha mẹ lại vô tình trở thành bàn tay xát muối vào trái tim con và gây cho trẻ những thương tổn khó lành...

Trên một group MXH xuất hiện topic đặc biệt, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nội dung nói về: "Điều cay nghiệt nhất mà bậc làm cha làm mẹ có thể nói với con mình là gì?". Ngay lập tức, có hàng nghìn bình luận và lượt chia sẻ xoay quanh chủ đề này.

Thực chất đây là vấn đề không mới nhưng sức ảnh hưởng lại rất lớn. Bởi dù cho bao nhiêu năm tháng trôi qua thì những tổn thương tinh thần vẫn còn đó, nhói đau và rỉ máu khi bị đụng chạm. Dạo quanh một vòng topic, nhiều người giật mình trước những câu nói đầy gai nhọn của cha mẹ được một số cư dân mạng kể lại:

- Liên tục so sánh bạn với anh chị trong nhà và đối xử với bạn khác hoàn toàn so với họ. Làm bạn thấy mình thật kém cỏi và dù có cố gắng như nào đi nữa cũng chẳng bao giờ là đủ đối với họ.

Con cái phải nghe lời cay nghiệt từ cha mẹ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực. Ảnh minh họa

Con cái phải nghe lời cay nghiệt từ cha mẹ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực. Ảnh minh họa

- Phải chi mày tự tử thì tốt.

- Mày thật vô dụng.

- Dạo này con béo quá đấy!

- Mày làm nhục mẹ mày chưa đủ à?

- Mày không được cái tích sự gì cả, nhìn con người ta xem!

- "Ừ". Liên tục từ năm này qua năm khác. "Ừ" với mọi thành tích, mọi kỳ thi, kiểm tra nào mà tôi đạt được. Chỉ "Ừ" mà thôi.

- Không có mày thì đời đỡ khổ rồi. Mày là cội nguồn đau khổ của tụi tao đấy.

- Ước gì tao không đẻ ra mày.

- Mày tới đây phá hoại hạnh phúc gia đình tao hả?...

Lời nói của cha mẹ vô tình "giết chết" con

So sánh, trách mắng, dọa nạt... của cha mẹ dù là lí do gì đều là những hành động mạt sát con trẻ. Đôi khi sự yêu thương ấy lại vô tình "giết chết" chính những đứa con thân yêu của họ. "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" nhưng có lẽ "roi, vọt" đang có tác dụng ngược.

Hiện nay, không ít những bạn trẻ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ chính những lời mạt sát của cha mẹ. Hành động tưởng chừng "không mang tính sát thương cao" ấy đã tạo nên vô vàn những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Trên hành trình khôn lớn, sẽ có những lúc trẻ bướng bỉnh, không nghe lời hoặc có những thói hư tật xấu khiến cha mẹ tức giận. Trong lúc nóng nảy, không kiềm chế được cảm xúc, không ít cha mẹ đã mắng chửi, đay nghiến, bạo hành con bằng những ngôn từ tiêu cực như: "thằng đầu đất", "mày ăn gì mà ngu thế?", "có thế cũng làm không nên hồn", "nhìn con người ta kìa", "mày không phải con tao", "cút đi cho khuất mắt"…

Nhiều phụ huynh cho rằng việc dạy dỗ con bằng cách mắng mỏ sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến trẻ như việc dùng đòn roi, đánh đập. Trên thực tế, những lời lẽ có tính sát thương cao dù không để lại thương tích trên cơ thể nhưng lại cứa sâu vào tâm hồn đứa trẻ, hình thành những vết sẹo tâm lý rất khó chữa lành.

Một đứa trẻ thường xuyên bị la mắng bằng những lời tiêu cực sẽ cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt cha mẹ. Ảnh minh họa

Một đứa trẻ thường xuyên bị la mắng bằng những lời tiêu cực sẽ cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt cha mẹ. Ảnh minh họa

Một đứa trẻ thường xuyên bị la mắng bằng những lời tiêu cực sẽ cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt cha mẹ, mình không đủ giỏi, đủ tốt. Suy nghĩ ấy hình thành bóng đen tâm lý, ăn mòn sự tự tin của đứa trẻ, khiến trẻ trở nên nhút nhát, tự ti.

"Cha mẹ dùng ngôn ngữ sát thương giết chết sự tự tin của con nhưng lại luôn mong con thành công - đó là một nghịch lý"- chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Khi mắc sai lầm, thất bại, trẻ có nhu cầu được cha mẹ thấu hiểu, động viên nhưng nhiều khi lại chỉ nhận về sự trách mắng, đay nghiến. Lâu dần, trẻ không còn cảm thấy cha mẹ là nơi an toàn và có xu hướng che giấu đi cảm xúc bên trong. Trẻ không muốn trò chuyện, chia sẻ bất kỳ điều gì với cha mẹ nữa bởi sợ nói ra sẽ bị mắng, bị la.

Vì thế, trẻ thu mình lại, ôm trong mình những tâm sự riêng, loay hoay không biết giải phóng những cảm xúc tiêu cực như thế nào và ngày càng mất kết nối với bố mẹ. Chưa kể, khi cảm thấy lạc lõng trong gia đình, những bế tắc không được giải tỏa, lại được bồi thêm những ngôn từ cay độc của bố mẹ, trẻ có thể suy sụp tâm lý. Để khỏa lấp đi nỗi đau tinh thần, trẻ có thể tự làm đau da thịt mình, thậm chí muốn kết thúc cuộc sống.

Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng vị trí thứ 13 ở mọi lứa tuổi trên thế giới. Trong đó phần đa ở lứa tuổi vị thành niên và người lớn trẻ tuổi.

Những câu nói của cha mẹ giúp trẻ tự tin, tương lai tỏa sáng

Những câu nói tích cực sẽ giúp xây dựng sự tự tin trong trẻ. Để nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin trong cuộc sống, lời nói hàng ngày của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa

Những câu nói tích cực sẽ giúp xây dựng sự tự tin trong trẻ. Để nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin trong cuộc sống, lời nói hàng ngày của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa

- Ngày hôm nay của con thế nào?

Qua những câu hỏi đơn giản, con sẽ hiểu được bố mẹ yêu thương và quan tâm mình thế nào. Có một chỗ dựa về mặt tinh thần là vô cùng quan trọng, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ lúc nào cũng lo lắng cho mình. Từ đó, con sẽ tự tin hơn trong bất cứ việc gì bé làm.

- Nhìn thấy con là bố mẹ cảm thấy vui rồi

Một câu cảm thán nhưng nó cho thấy vị trị đặc biệt của con trong lòng bố mẹ. Với trẻ nhỏ, mỗi ngày đi học về nhìn thấy cha mẹ là một niềm vui. Và cha mẹ cũng nên thể hiện tình cảm của bản thân cho con biết. Đừng giấu trong lòng, nhất là những lời yêu thương. Để cho bé biết là bạn hạnh phúc và tự hào ra sao khi được là bố mẹ của bé.

- Bố mẹ yêu con rất nhiều

Câu nói quen thuộc này không bao giờ là cũ cả. Chỉ cần nó vang lên thì lúc nào cũng đầy ngọt ngào, yêu thương. Nhiều gia đình thường chỉ nói câu này lúc con còn bé, khi con lớn thì dường như mọi lời nói sẽ trở thành hành động nhiều hơn. Tuy nhiên, những câu nói không đơn thuần chỉ thể hiện tình yêu mà còn để con hiểu về tình cảm của bố mẹ.

- Bố mẹ hoàn toàn tin con làm tốt điều đó

Tin tưởng con làm tốt mọi việc là một lời khích lệ có giá trị nhất với trẻ nhỏ. Ngoài những lời khen và động viên, điều trẻ cần nhất chính là sự tin tưởng từ bố mẹ.

Phẩm hạnh của cha mẹ sẽ quyết định họ sẽ nuôi dạy con thành người như thế nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy (Gia đình & Xã hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN