Đoạn đối thoại kinh điển giữa con trai và mẹ, ai cũng phải suy ngẫm
Thông qua đoạn đối thoại của 2 mẹ con này, các bậc cha mẹ sẽ nhận ra nhiều bài học cho mình.
Nuôi con là một quá trình mà cả cha mẹ và con cái liên tục sai và sửa, từ đó rút ra cho mình những bài học. Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa 2 mẹ con ở Trung Quốc khiến ai cũng phải suy ngẫm.
Ảnh minh họa.
Con: Mẹ ơi, con không ngủ được. Mẹ có thể nói chuyện với con được không?
Mẹ: Ừ, nói đi mẹ nghe đây.
Con: Mẹ có hài lòng với điểm số của con không?
Mẹ: Thế con có hài lòng với điểm số của mình không?
Con: Có ạ. Con cảm thấy tự tin.
Mẹ: Đôi khi sự tự tin quan trọng hơn điểm số.
Con: Mẹ có chắc là mình không thực sự quan tâm tới điểm số của con?
Mẹ: Mẹ không để ý nhiều quá đâu. Con hãy thử nhớ lại xem, mẹ quan tâm tới điểm của con từ khi nào?
Con: Hồi tiểu học, khi con không làm bài nghiêm túc, bố xé bài tập của con không chừa trang nào. Mẹ ủng hộ điều này.
Mẹ: Mẹ chỉ quan tâm tới thái độ học tập của con thôi. Viết chữ không nhất thiết phải viết đẹp. Thế nhưng, trước hết con phải có thái độ nghiêm túc đối với việc học. Nếu thái độ có vấn đề, việc học của con sẽ có vấn đề.
Con: Những điều mẹ nói thật có ý nghĩa. Khi học cấp 2, mẹ cũng từng quan tâm tới điểm số của con mỗi ngày.
Mẹ: Đó là bởi vì mẹ quan tâm tới hạnh kiểm của con. Một học sinh không tôn trọng việc học chính là không tôn trọng giáo viên. Không tôn trọng giáo viên là coi thường kiến thức. Coi thường kiến thức thì hạnh kiểm của họ sẽ chẳng tốt đẹp gì.
Con: Nhưng lên cấp 3 thì mẹ phải quan tâm tới điểm số của con chứ, bởi nó liên quan tới kỳ thi tuyển sinh đại học mà.
Mẹ: Mẹ nói thật là mẹ thực sự không quan tâm. Điều mẹ quan tâm ở con là thái độ con thể hiện trong việc học như thế nào. Nếu con yêu thích việc học, con sẽ biết cách tận hưởng quá trình học tập. Mẹ không cần biết kết quả học hành của con ra sao, mẹ chỉ muốn biết cách con đối mặt với tất cả quá trình này có vui vẻ hay không.
Con: Mẹ ơi, thế nếu con đậu đại học rồi thì mẹ quan tâm tới điểm số của con làm gì nữa ạ. Con nghe mọi người nói rằng, việc học ở trường rất dễ, học đại học vui chơi là chính.
Mẹ: Con trai à, khi con vào đại học, mẹ nhất định sẽ quan tâm tới điểm số của con. Hãy thử nghĩ xem, trong khi người khác đang vui chơi và phung phí thời gian học hành, nếu con vẫn kiên trì với việc học, sau cùng con mới là người chiến thắng.
Con: Con hiểu rồi ạ. Mẹ quan tâm tới thái độ học tập của con hồi tiểu học, hạnh kiểm học tập của con khi học cấp 2, chất lượng học tập của con khi học cấp 3, kết quả học tập của con khi học đại học đúng không ạ?
Mẹ: Con hiểu đúng vấn đề rồi đấy. Trong tương lai khi con bước vào xã hội, mẹ quan tâm tới việc con có thể lựa chọn sáng suốt hay không. Những sự lựa chọn về công việc, tình yêu sẽ chi phối phần lớn cuộc đời con.
Con: Những điều này còn rất xa vời với con, con chưa nghĩ đến.
Mẹ: Con đừng lo. Mẹ sẽ cho con một lời khuyên: Hãy im lặng và tiến xa. Mẹ đánh giá cao việc con tự so sánh bản thân mình thay vì so sánh với người khác. Điều này thể hiện thái độ lạc quan, tích cực của con. Với một tâm lý vui vẻ, bất kể con làm gì trong tương lai, con sẽ sống hết mình và tận hưởng cuộc sống này, đó mới chính là hạnh phúc.
Con: Sau khi nói chuyện với mẹ, con cảm thấy mình ngộ ra được nhiều điều.
Mẹ: Con à, gần 12 giờ rồi, con đi ngủ đi!
Con: Vâng ạ, chúc mẹ ngủ ngon.
Mẹ: Chúc con ngủ ngon!
Đoạn hội thoại của 2 mẹ con cho thấy một sự thật rằng, trường tiểu học nhấn mạnh thái độ học tập, trường cấp 2 nhấn mạnh hạnh kiểm, trường cấp 3 nhấn mạnh chất lượng học và đại học nhấn mạnh điểm số cùng lựa chọn trong tương lai. Đây là một quá trình không thể đảo ngược trong cuộc đời của một học sinh.
Cha mẹ đừng đợi tới khi con mình học cấp 3 mới chịu thay đổi nhận thức và suy nghĩ của bản thân.
Nguồn: [Link nguồn]