“Đỏ mắt” tìm giáo viên nghề

Liên tục thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên (GV) bằng nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên nhiều trường nghề hiện nay vẫn không đủ số lượng theo yêu cầu. Tình trạng thiếu GV cả về số lượng lẫn cơ cấu ngành, nghề đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và quy mô phát triển đào tạo.

Khó hơn tuyển giảng viên đại học

Từ tháng 5 đến tháng 8/2014, Trường CĐ Nghề số 5 (85-Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) liên tục ra thông báo tuyển dụng GV dạy các nghề: Hàn, Công nghệ ô-tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Quản trị mạng, Kỹ thuật sửa chữa, Lắp ráp máy tính, Điện tử công nghiệp, Công nghệ thông tin…

Sau 2 đợt xét hồ sơ, Hội đồng tuyển dụng (HĐTD) chỉ nhận được 8 hồ sơ đăng ký đáp ứng đủ các yêu cầu xét tuyển. Tuy nhiên, để đánh giá xem người dự tuyển có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy tại trường hay không, HĐTD tiếp tục thực hiện các bước phỏng vấn, kiểm tra liên quan đến kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, thực hành… Chính vì cầu cao như vậy nên sau 2 đợt tuyển dụng, trường chỉ tuyển 2 GV, tuy nhiên, muốn đứng lớp giảng dạy thì 2 GV này phải trải qua thêm một khóa đào tạo lại tại trường.

Ông Nguyễn Văn Lãnh - Trưởng phòng Đào tạo (Trường CĐ Nghề số 5, Bộ Quốc phòng) chia sẻ: “Để tuyển được một người vào làm GV trường nghề quả thật vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức, mặc dù vậy nhà trường vẫn tích cực thực hiện nhằm mong muốn tìm kiếm được người phù hợp có đủ năng lực, phẩm chất tham gia giảng dạy”.

Tương tự, Trường Trung cấp Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình cũng gặp khó khăn. Theo thầy Trần Đình Văn - Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua, quy mô đào tạo tại trường không chỉ tăng số lượng học sinh, học viên, mà còn tăng mới các ngành, nghề đào tạo.

Vì vậy, để đáp ứng được sự phát triển về quy mô đào tạo, cũng như việc liên tục nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường vừa đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ GV, tạo điều kiện để GV tự học tập nâng cao trình độ, vừa thực hiện tuyển mới GV.

Tuy vậy, trường vẫn không tuyển đủ số lượng GV, nhất là ngành đào tạo lái xe ô-tô các hạng. Thầy Văn cho biết thêm: “Khi trường ra thông báo tuyển dụng GV cũng có nhiều người tới đăng ký xét tuyển, nhưng qua sàng lọc, đánh giá hồ sơ để tiến hành xét duyệt thì không mấy hồ sơ đủ tiêu chí yêu cầu”.

“Đỏ mắt” tìm giáo viên nghề - 1

GV giỏi trường nghề có xu hướng bỏ dạy ra làm ở doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập

Cần có cơ chế, chính sách để thu hút

Không chỉ đối diện với khó khăn này, các trường nghề còn phải ra sức giữ chân GV dạy giỏi, có kinh nghiệm lâu năm. Lãnh đạo các trường nghề đều cho rằng, có một thực tế hiện nay là nhiều GV dạy nghề có suy nghĩ bỏ dạy để ra làm ở các Cty, doanh nghiệp với mong muốn tăng cao thu nhập, trong khi đó, người có đủ năng lực lại không muốn trở thành GV nghề. Hầu hết số lượng người đăng ký tham gia tuyển dụng GV đều là sinh viên vừa mới ra trường.

Một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến việc thu hút và níu chân GV dạy nghề giỏi vì hiện nay thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi và thu hút đối với GV trường đào tạo nghề. Ông Nguyễn Văn Lãnh nhìn nhận: “Để tuyển được một GV dạy nghề thật không dễ, việc làm thế nào để giữ chân GV giỏi gắn bó lâu năm với trường càng khó hơn. GV trường nghề hiện nay ngoài việc đảm nhận nhiệm vụ chính là giảng dạy (dạy tích hợp cả lý thuyết lẫn thực hành) thì còn kiêm nhiệm nhiều việc khác. Trong khi đó chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với GV dạy nghề chưa phù hợp”.

Cùng quan điểm, thầy Trần Đình Văn khẳng định: “Hiện việc tuyển GV dạy nghề rất khó khăn, thậm chí khó hơn cả tuyển giảng viên trong các trường ĐH. Vì thế, nếu không kịp thời ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút GV giỏi thì càng làm đội ngũ GV các trường nghề đã thiếu, yếu sẽ trở nên thiếu và yếu hơn”.

Trước tình hình đó, cùng với chủ trương mới trong việc phát triển chất lượng đào tạo nghề, các trường nghề đang triển khai thực hiện việc ra soát, quy hoạch lại đội ngũ GV trên cơ sở định biên số lượng từng ngành, nghề, từng cấp trình độ đào tạo cho từng giai đoạn phát triển nhà trường. Trong đó, chú trọng khâu tuyển dụng GV có trình độ đào tạo chuẩn để nhằm thúc đẩy quá trình phát triển đội ngũ GV theo hướng đảm bảo tăng số lượng với cơ cấu hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Lãnh cho biết: “Ngày 23/5/2014, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, trong đó, Trường CĐ Nghề số 5 là 1 trong 45 cơ sở đào tạo nghề trong cả nước được chọn để đầu tư xây dựng thành trường nghề chất lượng cao. Theo đó, để công nhận là trường nghề chất lượng cao thì phải đáp ứng đủ 6 tiêu chí.

Trong đó, có tiêu chí 100% GV đạt chuẩn quy định, có trình độ tin học IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 350 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Còn đối với GV dạy các nghề trọng điểm được chuyển giao phải có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. 100% cán bộ quản lý của trường được cấp chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ quản lý dạy nghề. Các hoạt động quản lý của trường và chương trình đào tạo các nghề trọng điểm được số hóa và mô phỏng hóa theo các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới”.

Chính vì những tiêu chí cao như vậy, theo ông Lãnh nói, muốn thực hiện được mục tiêu trở thành một trường nghề chất lượng cao thì công tác xây dựng đội ngũ GV dạy nghề có ý nghĩa quan trọng, mang tính cốt lõi. Bởi vì, muốn bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế thì nhất thiết phải có được đội ngũ cán bộ, GV đạt chuẩn theo các tiêu chí cấp quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đại Khải (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN