Điểm thi THPT thấp kỷ lục, điểm chuẩn sẽ giảm mạnh?

Chuyên gia giáo dục đánh giá, năm nay điểm trung bình các môn thấp kỷ lục và nhìn vào phổ điểm thì thấy đề quá khó.

Sáng 12/7, Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 97.57%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm của các thí sinh, các chuyên gia giáo dục đánh giá, năm nay điểm trung bình các môn thấp kỷ lục.

Điểm thi THPT thấp kỷ lục, điểm chuẩn sẽ giảm mạnh? - 1

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, năm nay điểm trung bình các môn thấp kỷ lục.

Đề quá khó

Theo phổ điểm, đối với môn Ngữ Văn, điểm cao nhất là 9,75 điểm (7 bài), điểm thấp nhất là 0 (102 bài). Trong tổng số 899.000 bài thi, 781 bài bị điểm liệt. Số điểm trung bình chung môn này là 5,45.

Điểm trung bình thấp kỉ lục là hai môn Lịch Sử và Tiếng Anh. Môn Lịch sử có điểm trung bình chung chỉ đạt 3,79 và có đến 52.151 bài thi đạt 3,25 điểm, chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số 560.000 bài thi trên cả nước.

Phổ điểm môn này trải từ 0 điểm (520 bài thi) đến 10 điểm (11 bài thi). 1.257 bài thi bị điểm liệt.

Môn Tiếng Anh có 744.000 bài thi. Điểm thi trải từ 0 điểm (401 bài) đến 10 điểm (66 bài). Trong đó, số lượng bài bị điểm liệt lên đến 1.743. Số lượng bài thi đạt 3 điểm nhiều nhất với 52.675 bài. Điểm trung bình chung môn này là 3,9. 

TS. Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đánh giá, năm nay có mấy phổ điểm rất xấu là phổ điểm của môn Lịch Sử, Tiếng Anh và Giáo dục Công dân, có dấu hiệu là đề thi ra không phù hợp.

“Đối với môn Sử và môn Tiếng Anh thì mức độ khó của đề thi cao hơn so với trình độ thực học của học sinh. Tuy nhiên phổ điểm của Giáo dục Công dân lại thấp hơn so với thực học của học sinh cả nước”, TS. Nguyễn Viết Khuyến nhận xét.

Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học  cho rằng, mục đích số một của kì thi này là thi tốt nghiệp THPT, cho đến bây giờ chưa có đánh giá là đề thi có phù hợp với chuẩn tối thiểu của các môn học trong chương trình phổ thông hay không. Chuẩn đầu ra là cái đòi hỏi tối thiếu, vì thế nếu không phù hợp sẽ làm cho méo mó phổ điểm như môn Sử hay môn Tiếng Anh.

Mục tiêu thứ hai của kì thi này là xét tuyển vào đại học, muốn xét tuyển vào đại học thì đề thi phải xây dựng như thế nào để đảm bảo độ phân hóa cao, đi vào cụ thể môn Toán. Tuy nhiên, phổ điểm chưa thật đẹp, nó không đều, qua phổ điểm cho thấy đề quá khó.

Điểm chuẩn của các trường dự kiến giảm mạnh

PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, điểm thi năm nhìn chung là thấp, môn Tiếng Anh cũng thấp kỉ lúc, nên điểm chuẩn có môn tiếng Anh thì có khả năng giảm từ 2-3 điểm

Theo GS-TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, mặc dù dự kiến điểm thi năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái nhưng đối với ngành đào tạo chất lượng cao của trường thì vẫn giữ nguyên mức điểm của năm ngoái là 17 điểm. Còn đối với những ngành truyền thống nếu có giảm cũng chỉ giảm 1 đến 2 điểm, sẽ không giảm quá sâu để đảm bảo chất lượng.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lí Giáo dục (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, năm nay điểm thi có tính phân hóa cao nên sẽ thuận lợi cho việc xét tuyển. Phổ điểm năm nay phân bố chuẩn hơn năm ngoái, tính hội tụ giữa 3 tham số: điểm trung bình, trung vị và điểm mà có nhiều thí sinh đạt nhất, độ dốc của phổ điểm mạnh hơn.

Đây được hiểu là điểm từ 8 trở lên có xu hướng giảm mạnh. Điểm tuy giảm nhưng điểm trung bình vẫn nằm trong khoảng 5-6 nên vẫn đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh nếu các trường lấy điểm từ trung bình trở lên.

Ông Triệu cũng cho rằng, điểm giảm hơn so với năm trước không có nghĩa là chất lượng thí sinh năm nay kém hơn năm trước. Vì nói một cách đơn giản là năm nay đề có tính phân hóa cao hơn nên điểm thi cũng thấp hơn là chuyện bình thường, các em sẽ khó đạt điểm cao.

Ông Triệu nhấn mạnh: “Các trường top dưới, top trên sẽ không gặp khó khăn gì trong tuyển sinh. Điểm năm nay phù hợp với tất cả các trường để đạt được mục đích tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, năm nay do Bộ không đặt ngưỡng đầu vào mà để các trường tự làm. Nhưng không vì thế mà các trường sẽ đưa ra ngưỡng đầu vào thấp quá vì điều đó ảnh hưởng đến uy tín của trường”.

Rưng rưng cảm động với tình cảm ấm áp của người cha bên con trong kỳ thi THPT Quốc gia

Người cha 12 năm cõng con bị liệt nửa người đến lớp, đập tay tiếp sức cho con trước giờ thi hay cõng con trên lưng qua...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN