Điểm chuẩn xét tuyển đợt 1: Giảm trường top trên, tăng top giữa

Điểm chuẩn năm nay có khá nhiều bất ngờ. Đặc biệt là những trường top trên điểm chuẩn đều có xu hướng giảm hơn năm 2015, trong khi đó các trường ở top giữa điểm chuẩn lại “dâng” lên.

Điểm chuẩn xét tuyển đợt 1: Giảm trường top trên, tăng top giữa - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH tại TPHCM ngày 11/8. Ảnh: N.Dũng.

ĐH Y Hà Nội, ngành bác sĩ đa khoa năm nay lấy 27 điểm, ngành bác sĩ răng hàm mặt lấy 26,75 điểm, hai ngành này giảm từ 0,25 điểm đến 0,75 điểm. Năm 2016, Trường ĐH Y Hà Nội đã quyết định chọn phương án điểm chuẩn mà theo đó, số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển chênh không nhiều so với chỉ tiêu. 

Với mức điểm chuẩn đã công bố, lãnh đạo nhà trường thừa nhận rất khó để biết được trường có phải tuyển thêm thí sinh ở đợt bổ sung hay không. Hai ngành này cũng phải dùng đến tiêu chí phụ trong xét tuyển: thí sinh trúng tuyển cần đạt điểm Toán từ 8,75 điểm trở lên. Còn tại Trường ĐH Dược Hà Nội, điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy ngành dược là 26,75 điểm, bằng với mức điểm chuẩn vào trường năm 2015.

Năm 2015, điểm chuẩn ngành y đa khoa của trường  ĐH Y Dược TPHCM lên đến 28 điểm. Tuy nhiên, năm nay ngành y đa khoa có điểm chuẩn cao nhất là 26,75 điểm. Ngành răng hàm mặt 26 điểm (giảm 1,25 điểm). Ngành dược học 25,25 điểm (giảm 0,75 điểm). Ngành y tế công cộng có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 điểm (giảm 2,25 điểm). Trường cũng áp dụng tới 2 tiêu chí phụ để tuyển sinh.

Tiêu chí phụ 1 áp dụng cho thí sinh có tổng điểm bằng điểm trúng tuyển, trong đó điểm môn Hóa áp dụng cho ngành dược học; điểm môn Sinh áp dụng cho các ngành còn lại. Tiêu chí phụ 2 áp dụng cho thí sinh đã áp dụng tiêu chí phụ 1 dựa vào điểm ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.

Điểm chuẩn được xác định đã xét cả hai nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Riêng ngành y đa khoa và ngành răng hàm mặt chỉ có thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất.

Trong cùng một ngành, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2 cao hơn nguyện vọng 1 là 1 điểm. Nhưng điểm chuẩn của trường lại giảm ở hầu hết các ngành (từ 0,25- 2,25 điểm), chỉ riêng ngành phục hình răng điểm chuẩn bằng năm ngoái là 23 điểm.

ĐH Ngoại thương điểm chuẩn cũng giảm. Năm 2015, điểm chuẩn cao nhất khối A0 vào trường là 27,25 điểm, mức điểm thấp nhất là 24,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay cao nhất là 26,45 điểm và thấp nhất là 24,3 điểm. Như vậy, mức điểm chuẩn ngành cao nhất và thấp nhất của ĐH Ngoại thương năm nay thấp hơn năm 2015 từ  0,8 đến 1,2 điểm.

Tuy nhiên, năm nay điểm chuẩn của ĐH Bách khoa Hà Nội lại cao hơn năm 2015. Cụ thể, ngành cao nhất lên tới 8,82 điểm (mức điểm trung bình cộng của 3 môn xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng). Trong khi đó, năm 2015, ngành cao nhất là 8,75 điểm. 

ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục sử dụng tiêu chí phụ là điểm môn Toán để xét tuyển. Tùy theo từng ngành mà trường có yêu cầu điểm môn Toán phải đạt bao nhiêu mới đủ điều kiện trúng tuyển.

 Trong đó, muốn đỗ vào ngành Kỹ thuật cơ điện và ngành Kỹ thuật máy tính; Truyền thông và mạng máy tính; Khoa học máy tính; Kỹ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin; Công nghệ thông tin, ngoài điểm chuẩn theo yêu cầu, thí sinh phải đạt 8,5 điểm môn toán.

Trường top giữa: điểm chuẩn lại cao

Trong khi các trường ĐH Y điểm chuẩn giảm thì các trường ĐH ở top giữa điểm chuẩn lại “dâng” lên. ĐH Thương mại năm nay ngoài việc bội thu hồ sơ (trên 11.000 hồ sơ cho 3.800 chỉ tiêu) thì điểm chuẩn của trường năm nay nhiều ngành cao hơn năm 2015 từ 0,25 điểm đến trên 1 điểm. 

Ngành Kinh tế, khối A0 (Toán, Lý, Hóa) năm 2015 là 22,25 điểm thì năm nay là 23 điểm. Tuy nhiên, cũng ngành này nhưng khối A1 (Toán – Lý – Anh) lại giảm 0,25 điểm. Nguyên nhân do năm nay, môn tiếng Anh điểm thi thấp. Ngành Marketing thương mại cao hơn năm 2015 là 1 điểm, ngành thương mại điện tử cao hơn tới 1,25 điểm.

Viện ĐH Mở Hà Nội năm nay điểm trúng tuyển cũng có thay đổi. Một số ngành điểm tăng vọt lên so với năm 2015 như ngành quản trị du lịch khách sạn  từ 19,25 điểm lên 20,5 điểm đối với khối D1.

Lo ảo

Nói về tình hình xét tuyển năm nay, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết các trường cũng bị động trước đăng ký của thí sinh. “Trong nhóm GX, tuy tỷ lệ ảo rất thấp, phần mềm chỉ chạy vài phút là xong nhưng chúng tôi vẫn mất thời gian rất lâu để bàn bạc phương án điểm chuẩn” – ông Điền cho hay.

Cũng theo ông Điền, ĐH Bách khoa Hà Nội không lo nhiều về ảo. “Năm 2015, ĐH Bách khoa xác định ảo 8%. Khi thí sinh đến nhập học vừa đúng chỉ tiêu của trường. Năm nay khó xác định hơn, chúng tôi dự kiến tỷ lệ ảo trên 10%” – ông Điền khẳng định.

Không chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay, các trường đều rất khó đoán định tỷ lệ ảo của trường mình. ĐH Thủy lợi chỉ dám xác định tỷ lệ ảo trên 15%.

Cũng vì lo ảo nên năm nay, công bố điểm chuẩn, nhiều trường công khai luôn danh sách thí sinh trúng tuyển như ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội...

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, bị phạt và chủ tịch hội đồng tuyển sinh sẽ phải chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, khi xác định điểm chuẩn, các trường đều rất thận trọng. Nhiều trường công lập không muốn tuyển nguyện vọng bổ sung nên đều cố gắng xác định điểm chuẩn ở mức an toàn nhất có thể. Vì vậy, nhiều trường công lập nhưng điểm chuẩn đều từ mức điểm sàn như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Lâm nghiệp...

In giấy trúng tuyển ngay

Liên quan đến công bố điểm chuẩn, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết đã có trường xác định điểm chuẩn ngành năng khiếu không đúng với yêu cầu của Bộ GD&ĐT. “Ví dụ, ngành có xét tuyển môn năng khiếu nhân hệ số 2 nhưng chỉ lấy điểm chuẩn là 15.

Như thế là không đúng với quy định của Bộ GD&ĐT” – ông Nghĩa khẳng định. Do đó, theo ông Trần Văn Nghĩa, ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đã đưa ra là ngưỡng quy định đối với thí sinh khu vực 3, chưa nhân hệ số (15 điểm). Vì vậy, các trường cần tuân thủ quy định này. 

Còn về phía các trường ĐH, ông Nguyễn Phong Điền cho biết, ngay sau khi công bố điểm chuẩn, hôm qua, 14/8, trường đã in phiếu báo trúng tuyển để hôm nay, 15/8 gửi qua đường bưu điện cho thí sinh.

 “Với các thí sinh đến trường nộp giấy xác nhận kết quả thi, trường sẽ cấp luôn giấy báo cho các em. Còn với những thí sinh nộp giấy xác nhận kết quả thi qua đường bưu điện thì trường sẽ gửi qua đường bưu điện theo đúng địa chỉ của thí sinh được ghi trong giấy kết quả thi. Những trường hợp giấy báo trúng tuyển gửi đi mà bưu điện trả về, trường sẽ gọi điện trực tiếp cho thí sinh” – ông Điền cho biết.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ nộp giấy chứng nhận kết quả thi về các trường khi biết trúng tuyển từ ngày 15/8 đến 17h ngày 19/8.  Thí sinh nộp bằng một trong hai hình thức: trực tiếp tại trường hoặc qua bưu điện. Nếu hết thời hạn trên, thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả, coi như thí sinh không có nhu cầu học tập tại trường. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN