Điểm chuẩn vào lớp 10 tại TPHCM: Các trường ngoại thành bứt tốc

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM năm nay, các trường khu vực trung tâm đồng loạt giảm điểm chuẩn trong khi nhiều trường vùng ven lại có điểm chuẩn tăng. Khoảng cách về điểm chuẩn giữa nội thành và ngoại thành dần rút ngắn nhưng vẫn còn cách nhau khá xa.

Thống kê điểm chuẩn vào 10 tại 107 trường công lập năm 2024, có 34 trường tăng điểm chuẩn và 63 trường giảm điểm chuẩn. Xét theo khu vực, có thể thấy rõ xu hướng điểm chuẩn giảm tập trung ở các trường nội thành và ở khu vực ngoại thành thì ngược lại.

Học sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM năm học 2024-2025 Ảnh: Duy Anh

Học sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM năm học 2024-2025 Ảnh: Duy Anh

Quận 3 có 5 trường THPT thì cả 5 trường đều giảm điểm chuẩn. Tương tự, quận 1 và quận 5 cũng có 4 trên tổng số 5 trường giảm điểm chuẩn so với năm ngoái. Trong đó, trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) giảm 1,25 điểm, THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) giảm 1 điểm, THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) giảm 1,5 điểm.

Ở chiều ngược lại, tại 2 huyện Bình Chánh và Củ Chi, tất cả các trường THPT trên địa bàn đều tăng điểm chuẩn so với năm học trước. Đây cũng là lần đầu tiên 2 huyện này có điểm chuẩn tăng đồng loạt như vậy. Các trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) tăng 1,75 điểm, THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) tăng 0,75 điểm, THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn) tăng 1 điểm, Trường Năng khiếu Thể dục thể thao Bình Chánh (huyện Bình Chánh) tăng 2,5 điểm.

Tuy các trường vùng ven đều tăng điểm chuẩn đồng loạt nhưng khoảng cách điểm chuẩn với các trường nội thành vẫn còn chênh lệch rất lớn. Trong 10 trường có điểm chuẩn cao nhất TPHCM, duy nhất Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu thuộc khu vực ngoại thành, những trường còn lại đa số ở khu vực trung tâm với điểm chuẩn trên 22 điểm. Điều này có nghĩa để có cơ hội trúng tuyển vào các trường tốp đầu, học sinh phải đạt gần 8 điểm mỗi môn, trong khi điểm chuẩn ở các trường vùng ven chỉ ở mức 12-15 điểm, thí sinh chỉ cần đạt khoảng 4-5 điểm mỗi môn là có cơ hội trúng tuyển. Các trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) có điểm chuẩn 10,5, THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) có điểm chuẩn 10,5, THPT Đa Phước huyện Bình Chánh có điểm chuẩn 11,5, THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) có điểm chuẩn 11,5.

Cần hoàn thiện mạng lưới trường lớp

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thừa nhận, khoảng cách giữa trường nội thành và ngoại thành vẫn còn xa. Do đó, để nhóm trường ngoại thành và nội thành có chất lượng đồng bộ, cần triển khai nhiều giải pháp về chuyên môn trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá, hoàn thiện mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sự phát triển, tuyển chọn, thu hút giáo viên giỏi, có năng lực tốt.

Cần chuyển mình để thu hút học sinh

Về điểm chuẩn vào các trường THPT tại huyện Hóc Môn, ông Lê Thanh Tòng (Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Bi), nhìn nhận, những năm gần đây, điểm chuẩn vào lớp 10 tại khu vực đồng loạt tăng; trừ một số trường tốp đầu, điểm chuẩn giữa các trường THPT trong khu vực đồng đều, không chênh lệch lớn. “Điểm chuẩn tăng do số lượng học sinh lớp 9 ở huyện Hóc Môn và các khu vực lân cận hiện nay nhiều. Mặt khác, phụ huynh và học sinh cũng muốn đăng ký cho học các trường gần nhà để thuận tiện đi lại. Điểm chuẩn cũng thể hiện một phần cho thấy chất lượng giáo dục của các huyện ngoại thành có tăng lên”, ông Tòng nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Bi dự đoán điểm chuẩn trong những năm tới vào các trường ngoại thành sẽ tiếp tục tăng vì học sinh có xu hướng chọn trường gần nhà và đăng ký nguyện vọng vừa sức với năng lực học. Tuy vậy, các trường ngoại thành còn khoảng cách so với nội thành, còn một bộ phận phụ huynh khu vùng ven vì kinh tế khó khăn, lo lắng mưu sinh nên chưa có sự quan tâm đúng mực đến việc học của con em. Để chất lượng giáo dục tăng lên, cần sự nỗ lực, chung tay rất lớn của các ngành, các cấp.

Hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Củ Chi chỉ ra thực tế, trình độ ngoại ngữ của học sinh khu vực ngoại thành vẫn có khoảng cách với học sinh khu trung tâm. Do đó, các trường ngoại thành, kể cả khối THCS và THPT cần tiếp tục giảng dạy bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục. “Nếu trường đào tạo tốt, có những giáo viên tâm huyết, học sinh học tập tiến bộ thì chắc chắn phụ huynh sẽ tin tưởng lựa chọn học tập”, vị hiệu trưởng nói.

Về sự thay đổi này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nhìn nhận, đây là chuyển biến tích cực, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm trường. Việc này nhờ vào đổi với phương pháp giảng dạy của giáo viên, sự quan tâm của phụ huynh và năng lực học sinh càng cao. Bên cạnh đó là công tác rà soát mạng lưới trường lớp theo định hướng chuẩn quốc gia, việc quan tâm đúng mức của ngành giáo dục trong chỉ đạo chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề.

Trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 của Hà Nội, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình có nhiều học sinh ‘siêu nhân’ khi đạt mức điểm từ 47 trở lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhàn Lê ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN