Điểm chuẩn Sư phạm lên ngôi, Công nghệ và Logistics giữ độ 'hot'
Điểm chuẩn Sư phạm lên tới 29,3, là mức cao nhất trong 10 năm qua, trong khi nhóm ngành Công nghệ, Logistics "hot" ở hầu hết trường với đầu vào phổ biến 26-28 điểm.
Tới tối 18/8, hầu hết đại học đã công bố điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024. Nhìn chung, với cách tính điểm ba môn theo tổ hợp, đầu vào ở nhiều trường và nhiều ngành tăng so với năm ngoái, chủ yếu trong khoảng 0,25-1 điểm.
Chẳng hạn, trường Đại học Thương mại lấy từ 25 đến 27 điểm. So với năm ngoái, ngưỡng thấp nhất tăng 1 điểm, mức cao nhất không đổi. Tương tự, tại trường Đại học Ngoại Thương, Nha Trang, Kinh tế quốc dân, mức tăng chỉ quanh 0,5.
Một số trường có biến động mạnh hơn, như Đại học Công nghiệp TP HCM tăng 2,5 điểm ở ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật nhiệt và Luật quốc tế.
Mức tăng mạnh nhất là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Đại học Văn hóa TP HCM. Năm ngoái, điểm chuẩn của Học viện Thanh thiếu niên từ 17 đến 24, còn năm nay thấp nhất cũng là 24,5, cao nhất 27,5. Ở Đại học Văn hóa TP HCM, đầu vào các ngành tăng từ 3 đến 8,5 điểm.
Điểm chuẩn đại học tăng là điều đã được dự đoán khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT hồi giữa tháng 7. Lý do là điểm trung bình của 6 trong 9 môn thi tốt nghiệp tăng từ 0,06 đến 1,04, trong đó 4 môn thuộc tổ hợp xét tuyển chính của nhiều trường là Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật lý.
Cùng đó, hệ thống của Bộ ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tăng 73.000 so với năm ngoái.
Sư phạm lên ngôi
Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận mức đầu vào kỷ lục, kể từ năm 2015 - thời điểm kỳ thi THPT được đổi mới, vừa dùng xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học.
Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy 29,3 điểm, cũng là mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt trung bình gần 9,8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Với các trường đào tạo Sư phạm khác như Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội hay Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Huế, đầu vào cao nhất đều trên 28, gần chạm mốc 29.
Ngành Sư phạm cũng dẫn đầu các trường đào tạo đa ngành như Đại học Vinh, Cần Thơ với mức điểm chuẩn trên 28. Hay ở đại học có quy mô nhỏ như Hoa Lư ở Ninh Bình, điểm chuẩn Sư phạm mầm non lên đến 27,97. Tất cả tăng so với năm ngoái.
Điểm chuẩn Sư phạm tăng cao bởi nhiều nguyên nhân.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm này tăng 85% so với năm ngoái. Ở Sư phạm Hà Nội và TP HCM, Sư phạm Hà Nội 2, mức tăng khoảng gấp đôi.
Trong khi đó, chỉ tiêu được Bộ siết chặt, chỉ tương đương năm ngoái, so với năm trước nữa thì giảm mạnh, một phần do nhiều tỉnh, thành không đặt hàng đào tạo giáo viên theo nghị định 116 (năm 2020).
Nhiều ngành như Sư phạm Hóa học, Vật lý, Sinh học giảm chỉ tiêu do những môn này được ghép thành môn tích hợp (THCS) hoặc trở thành môn lựa chọn (THPT) ở chương trình phổ thông mới. Như ở Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Vật lý, Hóa học chỉ tuyển 15-20 sinh viên, Sinh học 25..., bằng nhiều phương thức, chứ không riêng xét điểm thi tốt nghiệp.
Điểm chuẩn cao còn do điểm thi tốt nghiệp năm nay tăng, nhất là các môn Văn, Sử, Địa (tổ hợp C00). Top 200 thí sinh có điểm tổ hợp này cao nhất cả nước đều đạt 29,25 trở lên. Số thí sinh đạt từ 28 điểm lên tới chục nghìn.
Ngoài ra, nhiều nhà giáo nhận định chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đã phát huy tác dụng, gồm miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng mỗi tháng, trong bối cảnh học phí ở các lĩnh vực khác tăng mạnh.
Tiền lương và đời sống giáo viên dần được cải thiện qua các đợt tăng lương cơ bản. Nhiều địa phương như TP HCM có chính sách hỗ trợ thêm.
"Khoảng 2-3 năm trở lại đây, số thí sinh đăng ký vào các ngành Sư phạm tăng, kéo theo điểm chuẩn tăng dần, thoát cảnh 'chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm'. Đây là tín hiệu đáng mừng", TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Đà Lạt, chia sẻ với VnExpress hôm 6/8.
Nhóm ngành công nghệ duy trì sức hút
Luôn ở "đỉnh" bảng các năm trước, nhóm ngành liên quan công nghệ, khoa học máy tính gần như không giảm điểm chuẩn năm nay, vẫn duy trì trong khoảng 26-28, thậm chí tăng nhẹ.
Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến), Trí tuệ nhân tạo, Khoa học học dữ liệu dẫn đầu điểm chuẩn trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), với 26,85-28,5 điểm, tăng 0,2-0,5. Riêng ngành Khoa học máy tính bốn năm liên tiếp lấy cao nhất.
Xu hướng này tương tự ở trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM), trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Các ngành Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo đều tăng nhẹ điểm chuẩn.
Đại học Kinh tế Quốc dân lần đầu tuyển các ngành An toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, song điểm chuẩn cũng lên tới 34,5 đến gần 36/40 - thuộc nhóm cao nhất.
Thạc sĩ Phùng Quán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), cho rằng điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ liên quan đến dữ liệu, máy tính, trí tuệ nhân tạo vẫn tăng ở một số trường chứng tỏ sức hút với thí sinh không giảm và vẫn là xu hướng trong một vài năm tới.
Học sinh Hà Nội hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Giang Huy
Nhóm Marketing, Logistics cao ở khắp nơi
Theo xu thế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, ngày càng nhiều trường đại học đào tạo Marketing, Logistics. Năm nay, hai ngành này luôn trong nhóm có điểm chuẩn cao nhất, kể cả ở những trường có truyền thống đào tạo kinh tế lẫn các trường khác.
Chẳng hạn, tại trường Đại học Thương mại, ngành Marketing thương mại lấy cao nhất với 27 điểm, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy 26,9 điểm. Tương tự, Hải quan và Logistics cũng lấy đầu vào cao nhất Học viện Tài chính - 36,15/40 điểm, Marketing dẫn đầu Đại học Kinh tế Huế với 23/30 điểm...
Ở những trường vốn thiên về đào tạo kỹ thuật, khoa học tự nhiên như Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công nghệ Giao thông vận tải, hai ngành Marketing và Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cũng lần lượt cao nhất với 26,5 và 24,54 điểm. Hay ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành Logistics dẫn đầu với 25,25 điểm, tăng 0,75 so với năm ngoái.
Nếu không dẫn đầu, Marketing và Logistics cũng thường lấy điểm chuẩn trên 24, tại những trường top thường không dưới 26.
Chuyên gia phụ trách tuyển sinh của một trường đại học ở Hà Nội cho biết Logistics và Marketing hiện được nhiều người trẻ yêu thích. Ngoài ra, điểm thi tốt nghiệp trung bình các môn Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật lý đều tăng, nên điểm chuẩn cũng cao theo xu hướng chung.
Với một nhóm ngành "hot" khác là Y Dược, Y khoa, Răng Hàm Mặt vẫn đứng đầu.
Trường Đại học Y Hà Nội lấy 28,27 điểm cho ngành Y khoa, tăng 0,54 so với năm ngoái. Theo sau là ngành Răng Hàm Mặt với 27,67 điểm, tăng 0,17. Trường Đại học Y Thái Bình lấy 26,17 điểm cho Y khoa, tăng gần 0,4.
Ở phía Nam, trường Đại học Y Dược TP HCM ghi nhận mức tăng 0,4-0,5 ở ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, lần lượt lên 27,8 và 27,35 điểm. Đây cũng là hai ngành "hot" nhất ở trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với 26,57 và 26,49 điểm, tăng khoảng 0,2.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh trúng tuyển phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung, chậm nhất 17h ngày 27/8. Nếu bỏ qua bước này và không có lý do chính đáng, thí sinh bị hủy kết quả.
Từ 28/8, các trường chưa đủ chỉ tiêu có thể tuyển bổ sung. Thí sinh nếu có nhu cầu đăng ký, cần theo dõi các thông tin của trường và làm theo hướng dẫn.
Năm 2024, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 22.00 đến 28.8 điểm. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất với 28.8 điểm.
Nguồn: [Link nguồn]