Điểm chuẩn sư phạm “chạm đáy”: Chỉ làm khổ người trúng tuyển?

“Ngành sư phạm ngày càng mất vị thế và thiếu hấp dẫn, chất lượng đầu vào thấp, nhưng nói rằng ra trường sẽ thành giỏi là ngụy biện” - GS.TS Phạm Tất Dong nhận xét.

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, nhiều trường đào tạo sư phạm phổ biến có điểm chuẩn chỉ ngang điểm sàn như: ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non. Nhiều ngành sư phạm của ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn.

ĐH Vinh, trừ sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất, các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn 15,5 điểm. ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) điểm chuẩn 4 ngành sư phạm là 15,5 điểm… Trong khi đó, tại một số trường CĐ sư phạm cũng phổ biến ở mức điểm trúng tuyển 9,5 - 10 điểm.

Điểm chuẩn sư phạm “chạm đáy”: Chỉ làm khổ người trúng tuyển? - 1

Điểm chuẩn nhiều trường khối sư phạm năm 2017 chỉ ngang điểm sàn. Ảnh: Q.Huy

Đầu vào ngành sư phạm thấp đang khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai sẽ ra sao. Xung quanh vấn đề này, PV Báo điện tử Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

PV: Thưa GS, ông có nhận xét gì về điểm trúng tuyển thấp kỷ lục của các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm năm nay?

GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi không bất ngờ lắm, bởi trong những năm gần đây ngành sư phạm đã không còn giữ được sức hấp dẫn đối với người học.

Dù đã được cảnh báo, song đến nay mức điểm chuẩn của khá nhiều trường ĐH, CĐ khối sư phạm phải hạ thấp tới ngang sàn cho thấy một mối lo ngại lớn về chất lượng giáo dục nước nhà, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị cho áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

PV: Theo ông, vì sao khối ngành sư phạm lại “bết bát” như hiện nay?

GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi từng học và đến các nước: Nga, Đức, Pháp..., tôi thấy giáo viên họ rất chuyên nghiệp, được đào tạo và có phẩm chất đạo đức cũng tốt. Ở các nước này, chất lượng sư phạm được quan tâm hàng đầu. Nhưng đối với nước ta, khi xã hội phát triển mạnh thì sư phạm lại không phát triển kịp so với phổ thông.

Trước đây, có thời kỳ sư phạm được đào tạo miễn phí, ra trường cũng dễ xin việc nên thu hút được học sinh giỏi vào. Bây giờ, tình trạng dạy thêm, chạy điểm… khiến phụ huynh, học sinh không còn coi trọng giáo viên. Tôi chưa thấy nước nào giáo viên mà phải đi làm thêm, dạy thêm nhiều như nước ta.

PV: Thí sinh giỏi đổ xô vào một số trường “hot”, không vào sư phạm có đáng lo ngại?

GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo viên hiện nay dư thừa rất lớn, đào tạo lại không có dự báo, sinh viên ra trường không có việc làm rất lãng phí. Chúng ta thừa người kém và thiếu những người giáo viên giỏi.

Học sinh bây giờ rất khác xưa, lựa chọn của học sinh cũng hoàn toàn thiết thực họ không chọn giáo viên vì nghề này lương thấp, khó xin việc. Sau những năm học tập tốn kém, khi học các trường khối công an, quân đội lương cao, được bố trí việc làm. Chúng ta cứ động viên nhau nghề giáo là nghề cao quý, nhưng lương không cao thì khó mà hấp dẫn người học.

Điểm chuẩn sư phạm “chạm đáy”: Chỉ làm khổ người trúng tuyển? - 2

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Q.Huy

PV: Có ý kiến cho rằng, “đầu vào” thấp nhưng có thể đào tạo để “đầu ra” thấp, ông đánh giá ra sao về nhận xét này?

GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi cho rằng, đây là một sự ngụy biện. Những trường hợp vào không giỏi nhưng quá trình học tập quyết tâm học tập để trở thành người tài giỏi lúc ra trường, số này theo tôi là quá ít ỏi.

Thực tế, những thí sinh chất lượng kém chưa chắc đã theo kịp chương trình đào tạo thì khó có thể trở thành giáo viên tốt được. Nhiều học sinh quan niệm học cho có cái bằng, một số trường nhận vào ồ ạt để có kinh phí, rồi cũng đào tạo hời hợt, dễ dãi cho ra trường. Học sư phạm người giỏi mới học được, người thầy phải hiểu sâu mới có thể dạy giỏi được.

Nếu cứ đưa thí sinh điểm thấp vào chỉ làm khổ các em vì không học nổi, sau một năm lại phải định hướng nghề nghiệp lại, chuyển sang chuyên ngành khác…

PV: Để giải quyết tình trạng này, ngành giáo dục cần phải làm gì, thưa ông?

GS.TS Phạm Tất Dong: Cần phải công bố các chính sách ưu tiên cho đào tạo sư phạm như: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đào tạo sư phạm. Cho sinh viên vay tiền đi học, có việc làm khi ra trường, các giáo viên dạy ở miền núi phải lương cao gấp rưỡi so với thành phố, có nơi ở tử tế để yên tâm công tác…

Ngoài ra, nhà nước cũng như các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng trường học ở những nơi khó khăn, thay vì đầu tư vào những hạng mục không cần thiết, lãng phí thì hãy xây dựng trường học. Dù kinh tế có khó khăn thì giáo dục vẫn phải được ưu tiên để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!

Trường ngoài công lập “khốn khổ” vì thí sinh ảo

Nhiều trường đại học top giữa, top cuối và đặc biệt là trường ngoài công lập còn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu phải tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Gia Đình & Xã Hội)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN