Dịch COVID-19, tuyển sinh đại học thay đổi ra sao?
Nhiều trường đại học tuyển sinh sớm bằng phương thức xét học bạ, điều này cũng sẽ tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh.
Từ ngày 1-3 tới, học sinh (HS), sinh viên tại TP.HCM mới bắt đầu được trở lại trường sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán khá dài ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Để chủ động đối phó với dịch bệnh, công tác tuyển sinh năm 2021 cũng được các trường triển khai sớm và cập nhật thông tin kịp thời đến phụ huynh, thí sinh (TS).
Nhận xét tuyển học bạ từ đầu tháng 3
Trước diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tại TP.HCM, thay vì chờ kế hoạch năm học và thi tốt nghiệp của khối THPT, các trường ĐH đã chọn phương án tuyển sinh sớm bằng phương thức xét học bạ.
Một số trường không cần xét đến điểm học bạ của học kỳ II lớp 12 để tuyển sinh như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính mà nhận hồ sơ ngay từ ngày 1-3.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đây là năm đầu tiên trường xét tuyển học bạ theo năm học kỳ và xét từ đầu tháng 3. Lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc học tập của HS gặp khó, việc tuyển sinh cũng sẽ vất vả hơn, trường muốn tuyển sinh sớm để chủ động ứng phó với các tình huống, HS cũng sẽ yên tâm học tập và thi tốt nghiệp THPT sau này.
Còn ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng Phòng truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết phương thức tuyển sinh này ngày càng nhận được sự quan tâm khá lớn từ phụ huynh, TS. Trường muốn các em được giảm nhẹ áp lực thi cử, chủ động chọn được ngành học yêu thích, phù hợp theo năng lực học tập ở bậc phổ thông. Hơn nữa, hình thức xét học bạ ở phạm vi chung cũng khá đa dạng, ba học kỳ, năm học kỳ, sáu học kỳ... giúp TS càng chủ động hơn.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2021 tại các trường ĐH ở TP.HCM trong một ngày hội tuyển sinh. Ảnh: NTCC
Không lùi thi đánh giá năng lực
Trong khi đó, cả hai ĐH lớn nhất của cả nước là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn quyết định duy trì tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.
Cả hai kỳ thi đánh giá năng lực đều được thực hiện gần như song song với quy mô được mở rộng hơn.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực. Đợt 1 đã bắt đầu đăng ký từ ngày 15-1 và thời hạn đăng ký đợt 1 sẽ kéo dài đến hết ngày 5-3.
Thời gian thi đợt 1 diễn ra vào ngày 28-3 tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và hai điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ở đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến 4-6. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 4-7 tại bốn địa phương gồm TP.HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), đến nay ĐH này đã tổ chức năm kỳ thi trong ba năm (2018-2020) và năm 2021, nhà trường tiếp tục tổ chức kỳ thi này. Mục tiêu của kỳ thi là tự chủ tuyển sinh, tuyển chọn được TS phù hợp, đổi mới phương thức và nội dung đánh giá năng lực, đồng thời kỳ thi giúp định hướng học tập cho HS THPT chuẩn bị kỹ năng, năng lực để học tốt.
Tiến sĩ Chính cho hay hiện đã có hơn 30.000 TS đăng ký tham dự thành công kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 và có thể sẽ còn tăng mạnh ở những ngày cuối trong đợt đăng ký này.
Tiến sĩ Chính cũng cho hay những ngày qua, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM chưa có kế hoạch lùi kỳ thi này và dự kiến hai đợt thi vẫn diễn ra bình thường.
Còn tại phía Bắc, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa công bố thông tin chi tiết về kỳ thi đánh giá năng lực năm nay.
Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi này với quy mô khoảng 10.000 TS và chia thành sáu đợt trong năm. Trong đó, đợt 1 dự kiến bắt đầu từ ngày 8, 9-5 đến hết tháng 7.
TS đăng ký thi trực tuyến từ ngày 1-4. Trong đó, TS được lựa chọn địa điểm thi, ca thi, giờ thi…
ĐH Quốc gia Hà Nội không hạn chế số lần dự thi của TS. Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn giữa các lần thi của TS cách nhau 28 ngày.
Hiện ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng ngân hàng đề thi lên tới 12.000-15.000 câu hỏi. Trong mỗi đợt thi, mỗi TS sẽ thi một đề riêng. Đề thi sẽ kiểm tra năng lực tư duy, hiểu biết của TS thông qua những kiến thức đã học và ở nhiều lĩnh vực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn diễn ra trong hai ngày
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn giữ ổn định như năm 2020. Những thay đổi của kỳ thi chủ yếu chỉ mang tính kỹ thuật nhằm quy định chặt chẽ hơn các khâu trong kỳ thi.
Kỳ thi dự kiến vẫn diễn ra trong hai ngày với năm bài thi gồm: Ba bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc một bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Trong đó, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Kỳ thi THPT quốc gia không còn, độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT đã giảm nên mùa tuyển sinh 2021, nhiều trường đại...
Nguồn: [Link nguồn]