Đi học lại: Nên diễn tập phòng ngừa COVID-19 trước
Khi phát hiện một học sinh bị sốt, điều quan trọng nhất là thầy cô cần giữ bình tĩnh.
Đầu tuần sau (ngày 9-3), học sinh (HS) lớp 12 tại TP.HCM sẽ quay lại trường học sau kỳ nghỉ dài ngày kể từ sau tết Nguyên đán. Tiếp theo đó, kể từ ngày 15-3, dự kiến tất cả HS các cấp học cũng sẽ quay lại trường học.
Công tác đảm bảo cho HS quay lại trường học đang được các cơ quan chức năng phối hợp với nhà trường chuẩn bị. Trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện cách ly đối với nhiều trường hợp có nguy cơ nhiễm COVID-19, việc đi học lại của HS khiến không ít phụ huynh lo lắng.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi đồng 1, về các biện pháp đảm bảo cho HS quay lại trường học.
Trang bị kiến thức ngừa COVID-19 cho trẻ
. Phóng viên: Phụ huynh trước khi cho con đến trường học cần trang bị gì cho con, thưa ông?
+ BS Trương Hữu Khanh: Trước khi trẻ tới trường một tuần, phụ huynh cần trang bị cho trẻ kiến thức phòng ngừa virus COVID-19. Theo đó, nên dạy cho trẻ nhận biết virus này là gì, hành động gì có thể khiến trẻ bị nhiễm bệnh hoặc hành động gì khiến con có thể lây cho bạn bè. Trước khi vào trường cần phải rửa tay, ra khỏi trường rửa tay và trước khi vào nhà phải rửa tay. Những việc trên sẽ ngắt được ba nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào trong trường học, từ trường học ra bên ngoài và từ bên ngoài về nhà. Khi trẻ ho, sốt thì phải biết che miệng bằng khăn giấy hoặc cổ tay và báo cho cô giáo ngay để đưa vào phòng y tế thăm khám, xác định yếu tố dịch tễ. Đừng nghĩ là trẻ không hiểu mà trẻ hiểu hết.
Đối với những trẻ không có phụ huynh đưa rước thì cần dặn trẻ đi một mạch đến trường và từ trường về nhà, không đi chỗ khác như la cà quán xá, tụm năm tụm bảy. Khi trẻ đến trường, nhà trường không cần cho chào cờ mà cho trẻ vào thẳng lớp học, không nên cho trẻ giao du với lớp khác. Làm tốt nữa thì cần kiểm tra thân nhiệt của tất cả HS, hỏi trẻ có sốt không để kịp thời đưa xuống phòng y tế.
Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ mang nguồn bệnh từ bên ngoài vào trong trường. Do đó, bản thân mỗi phụ huynh phải tìm hiểu mình và gia đình mình có phải là nguồn lây và có tiếp xúc nguồn lây hay không như trong gia đình có người đi từ vùng dịch về hay không, hay chính trẻ có từng đi đến vùng dịch trong vòng 14 ngày qua hay không. Nếu đủ thời gian 15 ngày mà không có biểu hiện bệnh mới cho trẻ đi học.
Về phía thầy cô giáo, nhân viên trong trường cũng cần kiểm tra mình có yếu tố lây bệnh không. Nếu như không có nguồn lây từ nhà vào trường, từ trường cho các HS thì có thể yên tâm.
Học sinh lớp 12 tại TP Đà Nẵng rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp học trong ngày 2-3. Ảnh: TÂM AN
Bình tĩnh nếu thấy trẻ sốt
. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, viêm đường hô hấp thì phải làm sao?
+ Khi trẻ có dấu hiệu sốt trên 37,5 độ C, ho, sổ mũi, phụ huynh cần đưa đi khám bệnh. Kiểm tra lại ngay 14 ngày trẻ đã đi đâu, người nhà có tiếp xúc người bệnh hay không để khai báo với nhân viên y tế cho chính xác. Nếu không có yếu tố dịch tễ thì cho trẻ đi khám như bình thường.
Yếu tố dịch tễ và xác định nguồn lây dịch bệnh khá quan trọng. Trong tình huống xấu, trẻ bị sốt có yếu tố dịch tễ, nguy cơ nhiễm COVID-19 cao thì chắc chắn phải cách ly lớp trẻ bị sốt học và 5-7 lớp lân cận, cần thiết thì cho nghỉ học toàn trường, sát trùng bề mặt ở trường học. Ngoài sử dụng dung dịch sát khuẩn, phương pháp chiếu đèn tia cực tím trong lớp học đóng kín cửa trong vòng 60 phút cũng tiêu diệt hiệu quả tất cả loại virus, kể cả virus Corona. Khi HS đó có kết quả âm tính với COVID-19 mới cho đi học lại. Tất cả việc này là cần thiết phải làm nhưng cần trấn an tâm lý phụ huynh HS.
Trong điều kiện trẻ đi học thì bất cứ thời điểm nào cũng có thể xảy ra những tình huống trên nên cần phải thực hiện nhuần nhuyễn, thậm chí diễn tập cho giáo viên, nhân viên y tế, HS, hiệu trưởng vì dịch có thể còn kéo dài. Việc diễn tập không khó và tốn sức.
Trong bối cảnh hàng triệu HS đi học thì tình huống trẻ sốt khi đi học chắc chắn sẽ gặp phải. Nếu trẻ được phát hiện sốt tại trường học thì thầy cô giáo cần bình tĩnh, đưa trẻ ra khỏi khu vực đang học và đưa đến phòng y tế, kiểm tra yếu tố nguy cơ mắc bệnh, thậm chí đưa đi khám bệnh và đưa trẻ về nhà, khi nào hết bệnh mới cho đi học lại. Đồng thời, thầy cô giáo phải lên danh sách các HS trong lớp đã đi những đâu, tiếp xúc với ai. Nếu các trẻ được khuyên chỉ ở trong lớp và thực hiện tốt thì chỉ khoanh vùng lớp đó và cho nghỉ học. Khi nào trẻ bị sốt được xác định không mắc COVID-19 thì mới cho đi học lại.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi đồng 1
Kiểm soát chặt chẽ nguồn lây cho trẻ ở nhà . TP.HCM có tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc có nên cho trẻ đeo khẩu trang khi đến trường, ý kiến của riêng ông thế nào?
+ Tại trường học, mỗi lần mang khẩu trang phải hơn 4 tiếng đồng hồ mà mang như vậy rất khó và rất ngộp. Do đó, trẻ rất dễ kéo lên kéo xuống, điều này vô tình không giúp phòng ngừa dịch bệnh mà còn nguy hiểm hơn, có thể đưa tất cả những gì có thể gây bệnh cho trẻ lên mặt trẻ.
Nếu vẫn còn muốn mang khẩu trang thì sử dụng khẩu trang vải cho trẻ dễ chịu hơn, có thể lót một lớp giấy lau tay bình thường phía trong khẩu trang để ngăn giọt bắn chứa virus.
. Người lớn lo ngại trẻ mang mầm bệnh từ trường học về nhà, từ đó nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ cao hơn trong cộng đồng, ông nghĩ thế nào về điều này?
+ Trẻ nghỉ học hay đi học thì đều bắt buộc phải di chuyển, thậm chí khi nghỉ học, trẻ có khi đi nhiều hơn, để đánh giá nguy cơ thì tôi thấy hai cái ngang nhau nên phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tất cả khách bước vào trong trường đều phải được kiểm soát chặt chẽ.
Còn khi trẻ ở nhà, phụ huynh phải kiểm soát được nơi ở, đường đi của trẻ, trẻ tiếp xúc với ai, còn nếu không kiểm soát được trẻ tiếp xúc với ai như đi gửi chỗ này, chỗ kia còn nguy hiểm hơn ở trong trường.
Khi phân tích nguồn lây bệnh, chắc chắn người lớn là nguồn lây bệnh ban đầu chứ không phải trẻ em. Điều này dễ hiểu vì người lớn di chuyển rất nhiều như đi từ vùng dịch, di chuyển trên máy bay, tham dự tụ tập đông người... Do đó, điều quan trọng nhất là người lớn đừng chủ quan con nít ở nhà sẽ không bị lây mà cần trang bị kiến thức về nguồn lây bệnh, tuân thủ việc rửa tay, ăn sạch, uống sạch để không mang nguồn bệnh về lây cho trẻ em ở nhà.
. Xin cám ơn ông.
Nhiều tỉnh, thành điều chỉnh lịch nghỉ học trước tình hình dịch
Trong ngày 6-3, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã điều chỉnh lịch nghỉ học.
Các tỉnh, thành đã điều chỉnh, tính đến chiều 6-3 gồm: Trà Vinh, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Quảng Nam, Long An, Sơn La, Lào Cai, Phú Yên, Bình Định, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Bến Tre, Quảng Ngãi...
Riêng TP Hà Nội, ngày 9-3, HS khối THPT bắt đầu đi học lại, khối từ mầm non đến THCS nghỉ đến hết ngày 15-3.
Ở TP Đà Nẵng, chỉ riêng HS lớp 12 tiếp tục học bình thường, các lớp còn lại nghỉ đến hết ngày 15-3.
Tuần trước, 60/63 tỉnh, thành đã cho HS khối THPT đi học lại vào ngày 2-3, trừ Hà Nội, TP.HCM, Tiền Giang. Riêng HS lớp 12 của Đà Nẵng đi học từ ngày 2-3, các lớp còn lại nghỉ đến ngày 9-3.
Tuy nhiên, vừa học được một ngày, tỉnh Sơn La đã tiếp tục cho HS nghỉ thêm hai tuần do phát hiện một số du HS Lào ở Trường CĐ Y tế Sơn La có biểu hiện bệnh COVID-19. Tỉnh Thái Bình rút ngắn kỳ nghỉ phòng dịch của HS lớp 12, các em đi học từ ngày 4-3 thay vì ngày 9-3 như kế hoạch.
Chiều 6-3, UBND TP.HCM vừa có văn bản quyết định thời gian đi học trở lại của HS trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, HS lớp 12 sẽ đi học trở lại từ ngày 9-3.
HS các lớp còn lại nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Đến thời điểm này đã có rất nhiều tỉnh/thành cho học sinh nghỉ học Covid- 19.