ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng 4.000 câu hỏi tuyển sinh riêng
Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu hướng tới cách đánh giá năng lực học sinh. Để chuẩn bị cho phương án tuyển sinh riêng, trường đã xây dựng khoảng 3.000 - 4.000 câu hỏi cho ngân hàng đề thi.
Theo đề án của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường sẽ từng bước hướng đến quy trình tuyển sinh chuẩn bao gồm các nội dung: Đánh giá hồ sơ học tập bậc trung học; Bài thi đánh giá năng lực chung; Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để vào các ngành hoặc nhóm ngành cụ thể.
Bài thi đánh giá năng lực chung: được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với tổng số 140 câu hỏi, thời gian làm bài là 195 phút, được thực hiện trên máy tính. Tổng điểm tối đa là 140.
Phần bắt buộc bao gồm hai hợp phần, phần 1 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức toán học và phần 2 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn. Phần tự chọn bao gồm 40 câu và thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: kiến thức khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Từ năm 2014 tới 2016, thí sinh tham gia dự thi đánh giá năng lực sẽ bắt buộc làm hai hợp phần bắt buộc và một hợp phần tự chọn (2+1). Từ năm 2017, thí sinh sẽ phải làm cả 4 phần của bài thi 180 cầu với thời gian làm bài 215 phút.
“Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và và 20% ở cấp độ khó. Với cấu trúc đề thi như vậy, về cơ bản, theo nghiên cứu đánh giá của chúng tôi là phù hợp với hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay”, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Thí sinh dự thi đại học năm 2014
Kỳ thi đánh giá năng lực chung sẽ được thực hiện nhiều đợt trong năm (từ 2 đến 4 đợt), tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở các vùng miền tham gia, giảm áp lực cho cả thí sinh và cho xã hội. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị sử dụng trong 2 năm để đăng ký dự tuyển vào học tại trường.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là bài thi nhằm đánh giá năng lực để lựa chọn thí sinh sau khi đã có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung để vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học nếu các ngành đào tạo xét thấy có nhu cầu.
Ví dụ thí sinh vào khối các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ như Toán học, Cơ học, Công nghệ thông tin... có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là Toán học; thí sinh chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học... Các môn thi chuyên biệt này do hội đồng khoa học và đào tạo của các đơn vị xem xét, quyết định cho từng ngành, nhóm ngành, lĩnh vực.
Năm 2014, trường sẽ áp dụng thí điểm bài thi đánh giá năng lực chung để tuyển chọn thí sinh vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược (chuẩn quốc tế)… ở trường sau khi đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung. Việc làm bài thi sẽ được thực hiện trên máy tính.
Năm 2015, thí điểm áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến. Tuỳ theo chương trình đào tạo, việc phân loại các ứng viên có thể được thông qua đánh giá năng lực tiếng Anh hoặc phỏng vấn, hồ sơ.
Bài thi đánh giá năng lực chung sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung. Vì vậy, thí sinh dự tuyển vào các ngành đào tạo này, sau khi dự thi bài thi đánh giá năng lực chung, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để vào các ngành hoặc các đơn vị đào tạo khác.
Năm 2016, trường sẽ áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo đại học trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức 3 chung của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp Bộ GD-ĐT triển khai kỳ thi tích hợp, trường có thể sẽ dùng kết quả kỳ thi tích hợp làm điều kiện sơ tuyển vào trường và tập trung hoàn thiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để chọn ứng viên vào các ngành đào tạo cụ thể.