ĐH Luật TPHCM: Xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực
Tiêu chí tuyển sinh ĐH chính quy giai đoạn 2015, 2016 của Trường ĐH Luật TPHCM là kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị-xã hội của thí sinh căn cứ vào các ngành do trường đào tạo.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TPHCM năm 2014. Ảnh: H. Lân
Đây là nội dung trong Đề án tuyển sinh riêng năm 2015 vừa được trường hoàn thành vào ngày 29/9.
Ba tiêu chí tuyển sinh được Trường ĐH Luật TPHCM đưa ra, gồm: Tiêu chí 1 (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường): Xét tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối xét tuyển ở 6 học kỳ trung học phổ thông (THPT); Tiêu chí 2 (chiếm tỉ trọng 60% điểm trúng tuyển vào trường): Xét tổng điểm trung bình của 3 môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức (có nhân hệ số 2 đối với môn Toán (Khối A và A1); Sử (Khối C); Tiếng Anh (Khối D1); Tiếng Pháp (Khối D3); Tiếng Nhật (Khối D6)); Tiêu chí 3 (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường): kết quả điểm kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị-xã hội của thí sinh.
Trường chỉ tuyển sinh 1 đợt/năm theo kế hoạch như sau: Thời gian đăng ký xét tuyển: từ 20/6 đến 20/7. Công bố kết quả xét tuyển ngày 1/8. Thời gian tổ chức kiểm tra ngày 10/8.
Đối tượng xét tuyển là các thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, muốn được xét tuyển vào trường. Các khối xét tuyển là A, A1, C, D1, D3, và D6. Những thí sinh đã đạt vòng xét tuyển, trường sẽ tổ chức kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị-xã hội vào ngày 10/8.
Đánh giá về phương án tuyển sinh này, Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết ưu điểm lớn nhất là thông qua xét tuyển, trường phân loại được số lượng thí sinh đăng ký dự kiểm tra vào trường là các thí sinh có học lực khá trở lên, giúp trường tổ chức kỳ kiểm tra gọn nhẹ và hiệu quả đồng thời giảm đáng kể áp lực và chi phí cho một số lượng lớn thí sinh.
Quy trình xét tuyển diễn ra trước thời hạn dự kiểm tra, những thí sinh không đạt vòng xét tuyển sẽ có cơ hội nộp hồ sơ vào các trường khác.
Quy trình tuyển sinh gồm 2 bước xét tuyển và kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị-xã hội của thí sinh không gây ra sự xáo trộn hay phiền hà đáng kể cho thí sinh, mang lại hiệu quả ngay trước mắt đồng thời tạo tiền đề tốt cho các bước trong lộ trình đổi mới triệt để hơn sau này. Đánh giá được năng lực của thí sinh tích lũy qua 3 năm học tại bậc THPT và kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia.