ĐH Luật TP.HCM hủy bỏ kỳ kiểm tra năng lực đầu vào
Thông tin từ trường ĐH Luật TP.HCM chiều 22.7 cho biết, trong mùa tuyển sinh năm 2015 này, nhà trường sẽ không tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực như thông báo trong đề án tuyển sinh riêng trước đó.
Về quyết định này, Hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH Luật TP.HCM giải thích: Nếu trường vẫn tiếp tục duy trì phương án tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực thì thời gian thực hiện không thể muộn hơn ngày 5.8 và do vậy việc chốt danh sách thí sinh đăng ký tham dự kỳ kiểm tra này cũng không thể muộn hơn ngày 22.7.
Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn, đến 14h30 ngày 22.7 (chiều nay), thí sinh mới chính thức tiếp cận được kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia 2015 do Bộ GD-ĐT cung cấp.
Do vậy, thí sinh không có đủ thời gian để hoàn thành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của Nhà trường đúng hạn. Ngoài ra, Hội đồng tuyển sinh của trường cũng nhận định kỳ thi THPT Quốc gia do các trường ĐH chủ trì là nghiêm túc, đủ độ tin cậy để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nên sẽ lấy kết quả này làm căn cứ quan trọng để xét tuyển vào trường.
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015
Hội đồng tuyển sinh ĐH Luật TP.HCM cũng quyết định điểm trúng tuyển vào trường năm nay sẽ căn cứ vào kết quả 3 năm học THPT theo tổ hợp 3 môn thuộc các khối thi truyền thống (chiếm tỷ trọng 20%) và kết quả thi THPT Quốc gia do các trường ĐH chủ trì (chiếm tỷ trọng 80%).
Bài kiểm tra năng lực cũng sẽ được trường tổ chức thực hiện nhưng chỉ khi sinh viên đăng ký vào các chuyên ngành của ngành Luật và các lớp chất lượng cao.
Được biết, thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường sẽ bắt đầu từ ngày 1.8 đến ngày 20.8 năm 2015. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Trước đó, trong đề án tuyển sinh năm 2015 của mình, ĐH Luật TP.HCM đã thông báo ngoài việc xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và điểm tổng kết học bạ, trường còn yêu cầu thí sinh phải làm bài kiểm tra năng lực đầu vào. Bài kiểm tra sẽ gồm phần tự luận và trắc nghiệm. Trong đó phần tự luận sẽ là những câu hỏi mở thuộc kiến thức xã hội, còn phần thi trắc nghiệm sẽ dựa trên 4 tiêu chí chính gồm kiến thức suy luận về pháp luật; kiến thức tổng quát về chính trị, xã hội, văn hóa...; kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt và kiến thức về tư duy logic.